Đời sống

Vụ lật tàu Vịnh Xanh 37 người thiệt mạng: Hé lộ lỗ hổng chết người trong công tác cứu hộ, ai chịu trách nhiệm?

Vụ lật tàu du lịch Vịnh Xanh 58 tại Hạ Long hôm 19/7 do dông lốc khiến nhiều người đặt ra dấu hỏi lớn về công tác cứu hộ thời đại 4.0, phải đảm bảo sự nhanh chóng, chính xác được đặt ngang hàng với tinh thần cứu người là ưu tiên tối thượng.

Chiều 19/7, vụ lật tàu Vịnh Xanh 58 xảy ra giữa vịnh Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh trong điều kiện thời tiết xấu bất thường đã khiến 37 người thiệt mạng và 2 người hiện vẫn mất tích. Vụ tai nạn hàng hải nghiêm trọng đang gây chấn động dư luận, không chỉ bởi con số thương vong đau lòng, mà còn bởi những khoảng trống lớn trong công tác cứu hộ tàu du lịch, vốn được kỳ vọng sẽ vận hành theo chuẩn công nghệ cao thời đại 4.0.

Tàu Vịnh Xanh 58 thời điểm gặp nạn đang chở 49 người (gồm 46 hành khách và 3 thuyền viên). Theo các cơ quan chức năng, nguyên nhân ban đầu có thể do ảnh hưởng của dông lốc mạnh.

Tàu Vịnh Xanh 58 được lai dắt đưa vào bờ sau tai nạn. Ảnh: Hải Nam

Phía Sở Xây dựng Quảng Ninh khẳng định, 100% tàu đang hoạt động trên vịnh Hạ Long đều đáp ứng tiêu chuẩn cao hơn quy chuẩn quốc gia. Riêng tàu Vịnh Xanh 58 được cho có hệ số an toàn gấp đôi mức quy định. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, điều ấy không đủ để đảm bảo tính mạng hành khách trong điều kiện thiên tai.

Theo Tiến sĩ Phạm Hà - Chủ tịch LuxGroup, một doanh nghiệp vận tải biển tại Quảng Ninh vẫn tồn tại nhiều lỗ hổng trong thiết kế tàu du lịch, đặc biệt là các tàu vỏ đồng với đáy bằng, vật liệu nhẹ, dễ bị lật trong điều kiện thời tiết xấu. Loại tàu này, theo ông, vốn chỉ phù hợp vùng nước lặng, biển hiền và điều kiện khí hậu ôn hòa, hoàn toàn không thích hợp với những vùng như vịnh Bắc Bộ.

Tàu du lịch hoạt động chở khách ở vịnh Hạ Long. Ảnh minh họa: Booking 

 

Về mặt công nghệ, hiện các tàu đều được quản lý qua hệ thống GPS và AIS. Theo lý thuyết, khi xảy ra sự cố, tín hiệu mất sẽ được phát hiện và kích hoạt quy trình cứu hộ chỉ trong vài phút. Tuy nhiên, vụ lật tàu ở Hạ Long lần này lại cho thấy, công nghệ cứu hộ 4.0 dù hiện đại nhưng đang thiếu khả năng phản ứng nhanh và chuẩn hóa quy trình ứng phó.

Tiến sĩ Hà cho biết: “Chỉ cần 30 phút, một đội cứu hộ được trang bị trực thăng, xuồng cao tốc, thiết bị y tế có thể cứu toàn bộ hành khách. Nhưng tại sao chúng ta không làm được?”

Không chỉ ông Hà, nhiều chuyên gia cũng lên tiếng về công tác chuẩn bị cho tình huống khẩn cấp còn yếu kém. Tiến sĩ Justin Pang (ĐH RMIT Việt Nam) cho rằng, ngành du lịch cần chuẩn hóa từ trang bị áo phao đến việc bắt buộc trình chiếu hướng dẫn an toàn như trên máy bay. Ông cũng khuyến nghị tạm dừng toàn bộ hoạt động tàu du lịch gặp nạn trong điều kiện thời tiết xấu, thay vì giao phó cho cảm tính cá nhân của thuyền trưởng hay cảng vụ.

Đặc biệt, cần rà soát lại các mẫu tàu đang hoạt động tại vịnh Hạ Long, loại bỏ dần những thiết kế không còn phù hợp với điều kiện thời tiết biến động, tránh tái diễn các vụ lật tàu du lịch như Vịnh Xanh 58.