Rộ tin 11 người dương tính HIV vụ Hồng Tỷ lừa tình, người trong cuộc chính thức lên tiếng
Douyin lên tiếng phủ nhận hàng loạt thông tin sai lệch về vụ 'Lão Hồng Nam Kinh', bao gồm tin đồn 237 người bị lộ danh tính và 11 trường hợp nhiễm HIV. Cảnh báo mạnh tay xử lý các tài khoản tung tin giả.
Ngày 8/7, nền tảng Douyin (TikTok phiên bản Trung Quốc) chính thức phản bác những tin đồn sai sự thật liên quan đến vụ việc “Lão Hồng Nam Kinh”, sự việc gây tranh cãi dữ dội trên mạng xã hội thời gian gần đây.
Thông qua video đăng tải công khai, Douyin bác bỏ thông tin cho rằng “237 người đã được xác minh danh tính” và “11 người trong số đó dương tính với HIV”. Đây là những chi tiết hoàn toàn không có căn cứ, đang gây hoang mang dư luận.
Xóa hơn 14.000 bài, xử lý tài khoản tung tin giả
Ngay khi phát hiện sự việc, Douyin đã phối hợp với cơ quan chức năng để xác minh và xử lý. Kết quả, hơn 14.000 bài đăng có nội dung sai lệch liên quan vụ án đã bị xóa, hàng loạt tài khoản phát tán tin đồn cũng bị xử phạt theo quy định nội bộ nền tảng.
“Internet không phải là nơi nằm ngoài pháp luật. Người dùng cần nâng cao ý thức, tránh phát tán hoặc tiếp tay cho các thông tin bịa đặt,” Douyin nhấn mạnh.
Thông tin chính thức từ phía công an
Trước đó, Công an quận Giang Ninh (Nam Kinh) đã đưa ra thông cáo về vụ việc. Theo đó, cảnh sát nhận được phản ánh từ người dân về việc video riêng tư bị phát tán trên mạng. Qua điều tra, đối tượng họ Jiao (38 tuổi, từ tỉnh khác, tạm trú tại Nam Kinh) bị bắt giữ vào ngày 5/7.
Jiao bị cáo buộc giả gái để dụ dỗ nhiều người đàn ông quan hệ tình dục, đồng thời quay lén và phát tán video lên mạng. Tuy nhiên, công an khẳng định, thông tin “một người đàn ông 60 tuổi ở Nam Kinh giả gái và quan hệ với hơn 1.000 người” hoàn toàn là tin bịa đặt.
Ngày 6/7, nghi phạm Jiao bị tạm giữ hình sự với cáo buộc truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy. Vụ việc đang tiếp tục được điều tra.
Khi mạng xã hội biến một vụ việc thành “trò hề tập thể”
Tờ Beijing News, cơ quan truyền thông trực thuộc Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng lên tiếng cho rằng vụ việc đang bị đẩy đi quá xa so với bản chất thực sự. Những chi tiết ly kỳ, kích thích sự tò mò như “ông chú 60 tuổi”, “1.000 bạn tình”, “cố tình lây nhiễm HIV” đều không được xác thực, nhưng lại trở thành tâm điểm thu hút tương tác.
Giáo sư truyền thông Tấu Chấn Đông từng nhận định: “Nội dung liên quan đến tình dục, nhận dạng giả, và các yếu tố gây sốc thường kích hoạt phản ứng lan truyền mạnh mẽ trên không gian mạng, bỏ qua yếu tố kiểm chứng sự thật”.
Hiện tượng "cuồng lan tin đồn" này thể hiện rõ sự thao túng của thuật toán mạng xã hội và tâm lý đám đông, khi những gì thu hút cảm xúc lại có khả năng “leo top” bất chấp độ tin cậy.
Trong bối cảnh hiện nay, tin giả có thể len lỏi vào đời sống chỉ bằng vài cú nhấp chuột. Việc kiểm soát thông tin không chỉ phụ thuộc vào pháp luật mà còn đòi hỏi trách nhiệm lớn từ các nền tảng mạng xã hội.
Trung Quốc đã ban hành “Quy định về quản lý hệ sinh thái nội dung trên mạng”, trong đó cấm sản xuất và lan truyền nội dung xâm phạm danh dự, đời tư người khác. Đồng thời, các nền tảng phải có trách nhiệm kiểm duyệt và xử lý kịp thời.