Từ ngày 1/1/2026, Luật Nhà giáo chính thức có hiệu lực, mở đường cho việc cải cách bảng lương giáo viên theo hướng ưu tiên cao nhất trong hệ thống sự nghiệp công lập, kèm nhiều chế độ đãi ngộ đặc thù.
Theo quy định tại Điều 23 của Luật Nhà giáo 2025, bắt đầu từ năm 2026, mức lương của giáo viên tại các cơ sở giáo dục công lập sẽ được xếp ở nhóm cao nhất trong hệ thống lương hành chính sự nghiệp. Bên cạnh đó, đội ngũ nhà giáo sẽ được hưởng thêm phụ cấp nghề nghiệp và các khoản hỗ trợ theo vùng miền, điều kiện làm việc.
Cụ thể, nhà giáo cấp học mầm non, giáo viên công tác tại vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số, hoặc làm việc trong các trường chuyên biệt, dạy hòa nhập, giảng dạy ngành nghề đặc thù sẽ nhận được mức lương và phụ cấp cao hơn so với giáo viên ở khu vực bình thường.
Bên cạnh đó, Luật cũng đưa ra quy định hỗ trợ nghỉ hưu sớm cho giáo viên mầm non. Theo Điều 26, giáo viên mầm non có thể nghỉ hưu sớm hơn tối đa 5 năm nếu có nguyện vọng. Trong trường hợp đã đóng đủ 15 năm bảo hiểm xã hội, họ sẽ không bị giảm tỷ lệ phần trăm lương hưu do nghỉ sớm.
Một điểm mới đáng chú ý khác là chính sách kéo dài tuổi nghỉ hưu đối với những nhà giáo có trình độ chuyên môn cao. Cụ thể, giáo sư có thể được làm việc thêm tối đa 10 năm, phó giáo sư tối đa 7 năm và tiến sĩ tối đa 5 năm nếu cơ sở giáo dục có nhu cầu, nhà giáo tự nguyện và đáp ứng đủ điều kiện sức khỏe, chuyên môn.
Những chính sách mới trên được kỳ vọng sẽ giúp thu hút và giữ chân nhân lực chất lượng cao trong ngành giáo dục, đồng thời cải thiện đáng kể đời sống vật chất và tinh thần cho đội ngũ giáo viên trên cả nước.