Đời sống

Tết Hàn thực luôn ăn bánh trôi: Ý nghĩa thực sự hóa ra liên quan đến truyền thuyết về Âu Cơ

Tết Hàn thực luôn ăn bánh trôi: Ý nghĩa thực sự hóa ra liên quan đến truyền thuyết về Âu Cơ

Mỗi dịp Tết Hàn thực 3/3 Âm lịch, bánh trôi bánh chay là món ăn không thể thiếu trên mâm cúng của các gia đình. 

Tết Hàn thực diễn ra vào ngày 3/3 âm lịch hàng năm, liên quan đến điển tích về một nhân vật mang tên Giới Tử Thôi sống vào thời Xuân Thu của Trung Quốc. Hiền sĩ này trong quá trình chạy trốn đã lén cắt một miếng thịt đùi mình nấu lên dâng vua Tấn Văn Công ăn để vượt qua giai đoạn khốn khó. Hành động này khiến ngài vô cùng cảm động nhưng sau này khi trở về làm vua nước Tấn, Tấn Văn Công phong thưởng rất hậu cho những người có công với mình trong thời kỳ lưu vong nhưng lại quên mất Giới Tử Thôi. Họ Giới khi đó ngụ tại Điền Sơn, quyết không ra nhận thường nên vua đã thúc ép bằng cách đốt rừng. Không ngờ Giới Tử Thôi cùng mẹ quyết không khuất phục nên kết cục bị chết cháy. Vua thương xót đã hạ lệnh dân gian phải kiêng đốt lửa 3 ngày để tưởng nhớ trung thần, chỉ ăn đồ ăn nguội đã nấu sẵn.

Bánh trôi bánh chay truyền thống

Tại Việt Nam, đồ nguội được dùng trong Tết Hàn thực từ bao đời nay là bánh trôi bánh chay. Món ăn này gợi nhớ đến tích truyện “bọc trăm trứng của mẹ Âu Cơ”, trong đó bánh trôi tượng trưng cho 50 quả trứng nở ra thành 50 người con lên rừng theo mẹ, bánh chay tượng trưng cho 50 quả trứng nở ra thành 50 người con theo cha xuống biển. Bánh trôi bánh chay từ thức ăn dân dã đã mang trong mình ý nghĩa to lớn hơn là hướng về cội nguồn, tưởng nhớ công lao của những người đi trước. 

Bánh trôi bánh chay được biến tấu màu sắc đa dạng hơn 

Ngoài ra, bánh trôi bánh chay còn gợi nhớ đến nền văn hóa lúa nước đặc trưng của nước ta. Những chiếc bánh trôi bánh chay làm từ bột gạo nếp thơm, nặn thành các viên tròn trịa dâng lên ông bà, tổ tiên tượng trưng cho sự đoàn viên và lòng thành kính. Trong văn học Việt Nam, bánh trôi gắn liền với hình ảnh người phụ nữ nhờ bài thơ "Bánh trôi nước" mà thế hệ người Việt ngày nay ai cũng biết: 

"Thân em vừa trắng lại vừa tròn,

Bảy nổi ba chìm mấy nước non.

Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn,

Mà em vẫn giữ tấm lòng son". 

Dù ngày nay sự phát triển của xã hội kéo theo việc bánh trôi được sáng tạo thành nhiều hình thù, màu sắc hơn nhưng trong mâm cúng tổ tiên, chúng ta vẫn nên dùng bánh trôi bánh chay vỏ trắng truyền thống để thể hiện sự trang trọng và tấm lòng trong sáng.