Giải trí

Bóc trần lý do Phật Tổ Như Lai thông suốt mọi việc nhưng lại nhiều lần hỏi lai lịch Tôn Ngộ Không

Bóc trần lý do Phật Tổ Như Lai thông suốt mọi việc nhưng lại nhiều lần hỏi lai lịch Tôn Ngộ Không

'Giả vờ' hỏi lai lịch Tôn Ngộ Không, thực ra Phật Tổ Như Lai đang thăm dò ý tứ thực sự của người đứng sau 'thao túng' con khỉ đá này. 

Lần đầu tiên Phật Tổ Như Lai gặp gỡ Tôn Ngộ Không là khi được Ngọc Hoàng Thượng Đế cậy nhờ thu phục con khỉ đá ngỗ ngược đại náo Thiên Cung. Đáng chú ý, có một điều khiến ai nấy đều thắc mắc đó là Phật Tổ Như Lai vốn là người thông tuệ, có thể thấy được quá khứ tương lai, nhìn thấu con người, ấy vậy mà khi gặp Tôn Ngộ Không ngài lại liên tục hỏi về lai lịch của nó. 

Trong nguyên tác có viết rằng khi Phật Tổ Như Lai đến Thiên cung, ngài không trừng phạt yêu hầu ngay mà kêu các thần ngừng chiến rồi hỏi Tôn Ngộ Không: "Nghe đồn ngươi ngang dọc làm phản cung trời, nên ta đến hỏi thăm cho biết, chẳng hay ngươi sinh tại đâu, thành đạo năm nào, vì cớ chi mà sanh loạn như vậy?".

Rõ ràng trước đó, trong lúc từ Linh Sơn đến Thiên Cung, đã có hai vị thần đưa đón ngài kể lại câu chuyện Tề Thiên Đại Thánh đại náo Thiên Cung. Từ đó suy ra đây chỉ là câu hỏi thăm dò ý tứ của yêu hầu. Vốn bản tính hay khoe khoang, Tôn Ngộ Không tự đắc nói về xuất thân của mình. Đáp lại, Phật Tổ Như Lai cười rồi nói: "Ngươi bất quá một con khỉ thành tinh, sao dám cướp ngôi Thượng Ðế? Vả lại Thượng Ðế tu tới 1550 kiếp, mỗi kiếp đều nhiều năm, ngươi công đức bao nhiêu, phòng muốn tranh ngôi báu? Sao ngươi không sợ chết, phải lo việc tu hành, nếu còn làm thói dọc ngang, gặp kẻ đạo cao thì uổng mạng?".

Đến đây, người am hiểu sẽ ngộ ra rằng Phật Tổ Như Lai đang thăm dò người đứng sau "thao túng" Tôn Ngộ Không. Ngài biết rõ Thái Thượng Lão Quân dù là người đứng đầu Đạo giáo, vô cùng tài giỏi nhưng lại không giết yêu hầu, liệu có ý nghĩ thâm sâu nào không. Ở chương thứ tám, ngài còn nói rằng: “Người ở Tây Ngưu Hạ Châu, không tham không giết, nuôi khí dưỡng tinh, tuy không thành tiên, người người trường thọ”. Người ở “Tây Ngưu Hạ Châu, tuy không thành tiên” là chỉ Bồ Đề Tổ Sư - sư phụ đầu tiên của Tôn Ngộ Không. Bồ Đề Tổ Sư là người có pháp lực không kém cạnh so với Phật Tổ Như Lai, truyền đạo nhưng có thể tránh pháp nhãn của ngài. 

Sau khi thăm dò và biết được hành động đại náo Thiên Cung của Tôn Ngộ Không chỉ là tự phát chứ không có ý đoạt long tọa của Ngọc Hoàng thì Phật Tổ Như Lai mới giam Tôn Ngộ Không dưới Ngũ Hành Sơn 500 năm để làm bài học răn dạy.