Đời sống

Lý do thị vệ nhà Thanh kề cận Hoàng đế nhưng không bao giờ dám nghĩ đến chuyện hành thích

Lý do thị vệ nhà Thanh kề cận Hoàng đế nhưng không bao giờ dám nghĩ đến chuyện hành thích

Trong hoàng cung, lực lượng không thể thiếu và có mặt ở khắp mọi nơi chính là thị vệ. Vì vua là người đứng đầu nước, có vô số thế lực thù địch rình rập nên luôn phải được bảo vệ cẩn trọng. Vào thời nhà Thanh, lực lượng thị vệ ngày càng đông.  Không ít người thắc mắc thị vệ là những người tài giỏi, võ công cao cường, lại luôn túc trực cạnh Hoàng đế, vì sao không bao giờ nảy sinh ý định hành thích?

Ảnh minh họa

Lý do đầu tiên là vì những thị vệ Thanh triều hầu hết đều thuộc Bát Kỳ Mãn Châu và Mông Cổ hoặc con cháu công thần. Hoàng Thái Cực - hoàng đế khai quốc của nhà Thanh - từng tuyên bố rằng: "Thị vệ của trẫm có 40 người, đều là những người được Thái Tổ miễn quân dịch hoặc là anh em con chú bác, hoặc là con của các Bối tử Mông Cổ, không thì cũng là con nhà quan lại, bao y". Tựu chung lại, họ đều là những người có xuất thân không hề tầm thường nên rất khó bị lôi kéo bởi tiền bạc hay quyền thế. Thêm nữa, triều đình luôn quản lý sát sao phủ đệ của những thị vệ này nên không ai dám làm bừa, tránh liên lụy người thân. 

Thị vệ có xuất thân cao quý, lại được huấn luyện vô cùng nghiêm khắc - Ảnh minh họa

Thứ hai, thị vệ, đặc biệt là Ngự tiền thị vệ là vị trí có tiền đồ hết sức xán lạn. Đệ nhất tham quan của Trung Quốc là Hòa Thân cũng từng là thị vệ trước khi leo lên vị trí cao. Ngoài ra còn có một số đại thần như Sách Ngạch Đồ, Hô Nhĩ Hán, Long Khoa Đa… cũng đi lên từ con đường làm thị vệ. Về cơ bản, thị vệ càng có đẳng cao thì càng có nhiều tiền tài danh vọng nên chẳng tội gì họ tự triệt đường sống của mình bằng cách gây hại cho Hoàng đế. 

Thứ ba, Hoàng đế nhà Thanh rất giỏi trong việc thu phục lòng người. Họ có thể ban hành đủ chính sách ưu tiên cho thị vệ và sẵn sàng bỏ qua sai lầm của thị vệ. Những ơn huệ đó sẽ trở thành chất xúc tác mạnh mẽ tạo lên lòng trung thành của thị vệ đối với đế vương. 

Ảnh minh họa

Thứ tư, thị vệ là tầng lớp có hiểu biết, được đào tạo kĩ càng nên cũng chịu sự chi phối của những quy chuẩn, quan niệm thời đó. Thời nhà Thanh nói riêng và thời phong kiến Trung Quốc nói chung, nghĩa quân thần được coi trọng hơn cả. Bất cứ ai làm tổn hại đế vương hay tạo phản dù thành công thì sẽ muôn đời bị khinh rẻ, sỉ nhục. Không những vậy, tiếng xấu của họ còn ảnh hưởng đến những người thân thích và dòng tộc. Do đó, thị vệ một mực trung thành với Hoàng đế cũng là điều dễ hiểu.

 

Lý do gậy Như Ý chỉ được Tôn Ngộ Không dùng để vẽ vòng tròn bảo vệ Đường Tăng một lần duy nhất

Trải qua 81 kiếp nạn, đụng độ vô số yêu quái nhưng Tôn Ngộ Không lại chỉ dùng gậy Như Ý vẽ vòng bảo vệ sư phụ đúng 1 lần, lý do sẽ khiến nhiều người không khỏi bất ngờ.