
Bạn có vài năm kinh nghiệm, đã từng làm qua vài công việc, thậm chí giữ vai trò khá quan trọng. Nhưng mỗi lần gửi CV lại thấy lặng thinh hoặc vào phỏng vấn thì nhà tuyển dụng chỉ hỏi qua loa rồi mãi không thấy hồi âm. Vấn đề không hẳn nằm ở chỗ bạn chưa đủ giỏi mà có thể là cách bạn thể hiện kinh nghiệm chưa đủ sức thuyết phục.
Dưới đây là những lý do phổ biến khiến kinh nghiệm của bạn trông thì có vẻ ổn nhưng lại không tạo ấn tượng, hãy cùng tham khảo và tìm cách cải thiện nhé.
Bạn chỉ mô tả công việc, không đề cập đến kết quả
Một lỗi khá phổ biến khi viết phần kinh nghiệm làm việc, dù là tìm việc fulltime hay việc làm online tại nhà, là chỉ dừng lại ở việc liệt kê mình đã làm gì kiểu như mô tả trong tin tuyển dụng như “Quản lý fanpage và trả lời tin nhắn khách hàng”. Nghe thì đúng là bạn có làm nhưng không nói rõ bạn làm tốt đến đâu hay đạt được kết quả gì, hiệu quả thế nào, có giúp tăng tương tác hay giữ chân khách hàng không.

Để tạo ấn tượng tốt hơn, hãy bổ sung kết quả cụ thể để làm nổi bật giá trị công việc. Chẳng hạn như “Quản lý fanpage hơn 50.000 lượt theo dõi; triển khai nội dung giúp tăng tương tác 45% trong 2 tháng”.
Viết quá chung chung, không có điểm nhấn
Đây cũng là lỗi khiến phần kinh nghiệm làm việc bị “trôi tuột” trong mắt nhà tuyển dụng. Kiểu viết “Hỗ trợ các công việc hành chính và xử lý giấy tờ” không cho thấy bạn đóng vai trò gì, có kỹ năng gì nổi bật hay đã giải quyết vấn đề gì.
Hãy dừng lại cách viết kinh nghiệm như thế này và thay thế bằng việc cụ thể hóa bằng cách thêm vào số lượng, công cụ đã sử dụng hoặc một kết quả rõ ràng. Ví dụ, thay vì câu trên, bạn có thể viết lại thành: “Xử lý trung bình 80 hồ sơ nhân sự mỗi tuần, sử dụng Google Sheets để theo dõi và cập nhật thông tin nhân viên, giúp giảm sai sót nhập liệu xuống dưới 2%”. Chỉ cần cụ thể hơn một chút, phần kinh nghiệm của bạn sẽ “sáng” lên ngay.
Không có số liệu cụ thể
Bạn có thể viết: “Tăng hiệu quả làm việc cho nhóm” hoặc “Giúp cải thiện quy trình xử lý đơn hàng” nhưng điều nhà tuyển dụng quan tâm là “tăng bao nhiêu?”, “cải thiện như thế nào?” thì lại không thấy nói. Chính vì điều này mà họ rất khó đánh giá bạn giỏi tới đâu để đưa ra quyết định.
Trong khi đó, các con số luôn giúp mọi thứ trở nên đáng tin và giúp nhà tuyển dụng dễ hình dung hơn về giá trị bạn mang lại. Hãy thử hỏi lại chính mình: “Công việc đó đã tạo ra kết quả gì rõ ràng chưa? Có gì đo lường được không?”. Ví dụ, thay vì viết chung chung “Tối ưu quy trình nhập hàng”, bạn có thể viết “Tối ưu quy trình nhập hàng giúp rút ngắn thời gian xử lý từ 2 ngày xuống còn 8 giờ, đồng thời giảm 30% lỗi nhập dữ liệu”.
Dùng ngôn ngữ thụ động, thiếu chủ động
Một lỗi thường gặp khác khiến kinh nghiệm làm việc trở nên nhạt nhòa là dùng ngôn ngữ thụ động, kiểu như: “Được giao nhiệm vụ kiểm tra báo cáo”, “Được phân công hỗ trợ khách hàng”. Cách viết này vô tình khiến bạn giống như người chỉ làm theo chỉ đạo, thiếu chủ động hay tinh thần chịu trách nhiệm trong công việc.
Hãy chuyển sang cách viết chủ động, nhấn mạnh vai trò và hành động của chính bạn. Ví dụ, “Chủ động nhập và kiểm tra thông tin hơn 150 mã hàng mỗi ngày, đảm bảo độ chính xác dữ liệu đạt 99%”. Nghe khác hẳn, đúng không?
Không liên quan tới công việc đang ứng tuyển
Kinh nghiệm dù có hay đến mấy nhưng nếu không liên quan đến vị trí ứng tuyển thì cũng khó tạo được ấn tượng. Nhà tuyển dụng cần thấy bạn phù hợp, chứ không chỉ có kinh nghiệm.
Nếu bạn ứng tuyển vị trí chuyên viên marketing thì đừng dành cả đoạn để nói về công việc bán hàng thời sinh viên, hoặc làm lễ tân khách sạn mà không liên kết gì đến kỹ năng marketing. Nếu kinh nghiệm không trực tiếp liên quan, hãy chuyển hướng sang những kỹ năng có thể áp dụng được. Ví dụ, từ công việc lễ tân, bạn có thể viết “Giao tiếp với trung bình 100 khách mỗi ngày; xử lý phản hồi nhanh chóng, góp phần nâng mức đánh giá dịch vụ lên 4.8/5 – kỹ năng này hỗ trợ tốt cho việc xây dựng trải nghiệm khách hàng trong chiến dịch marketing.”
Chỉ cần bạn “nối đúng điểm”, thì dù là công việc cũ khác ngành, bạn vẫn cho thấy mình là một ứng viên tiềm năng.
Kinh nghiệm làm việc không chỉ là bạn đã từng làm gì mà còn là bạn đã làm tốt ra sao và điều đó có ý nghĩa gì với công ty tuyển dụng. Hãy xem lại CV của bạn: có số liệu chưa? Có thể hiện kết quả không? Có đúng trọng tâm với vị trí đang ứng tuyển không? Chỉ cần điều chỉnh một chút, bạn sẽ thấy cơ hội rộng mở hơn.
Huỳnh Trâm