Điện thoại

Tổng quan thị trường di động - Kỳ 1: Giải quyết khâu “Oai”

Tổng quan thị trường di động - Kỳ 1: Giải quyết khâu “Oai”

Loạt bài viết này dựa trên những đánh giá, phân tích chủ quan của người viết về thị trường các sản phẩm điện thoại đang được bán/trao đổi/giao dịch tại Việt Nam hiện nay, dựa trên kinh nghiệm thao khảo nhiều nguồn thông tin cũng như kinh nghiệm của bản thân.


 

Tại sao chúng tôi lại đặt yếu tố "Oai" này lên trên cùng chứ không phải kiểu dáng, tính năng hay là những tiện ích mang lại? Bởi vì tại Việt Nam hiện nay, tâm lý chuộng “hàng hiệu” vẫn thật sự ăn sâu vào tâm lý người tiêu dùng. Hơn nữa, thực sự có một sự chênh lệch khá lớn về “đẳng cấp” của chế độ hậu mãi giữa các hãng sản xuất điện thoại khác nhau, trong khi đây là một vấn đề mà nhiều người dùng rất quan tâm, vì với mặt bằng thu nhập hiện nay của người dùng Việt Nam, một chiếc điện thoại là một món tài sản không phải nhỏ, và không phải dễ dàng để đơn giản là quăng đi khi nó đã hỏng.

Về mặt “đẳng cấp” trong lĩnh vực bảo hành, chúng ta có thể chia ra làm 3 cấp độ:

- Xếp cao nhất là những hãng cho phép bảo hành toàn cầu, có các cơ sở bảo hành chính hãng.Tiêu biểu ở đây có thể kể đến những hãng rất quen thuộc với người dùng Việt Nam là NokiaApple hay Sony.

Apple thì vốn đã nổi tiếng về chế độ bảo hành “chịu chơi”, 1 đổi 1, kể cả có là hàng refur (tân trang) đi chăng nữa, hiếm khi có việc sửa chữa mà hầu như là thay mới cho khách hàng (với điều kiện bạn chứng minh được nguồn gốc hàng hóa cũng như lỗi không phải từ phía mình). Mua hàng Apple thường khá đắt, nhưng có sự đảm bảo về hậu mãi.

Apple luôn nổi tiếng với chính sách bảo hành rất "chịu chơi" của mình

Lưu ý phải đến các cửa hàng, đại lý được Apple chứng nhận thì bạn mới có được sự phục vụ tốt nhất.

Nokia, một tên tuổi di động xuất hiện gần như là đầu tiên tại Việt Nam, khiến cho một thời gần như nhắc đến điện thoại di động là người ta nhắc tới Nokia (bây giờ thì không còn được như xưa). Cũng do vậy mà Nokia có một mạng lưới phân phối và bảo hành rộng khắp và chuyên nghiệp. Bảo hành với Nokia không phải ám ảnh nỗi lo bị luộc đồ, và các trung tâm bảo hành của họ cũng là nơi mà những người trao đổi máy Nokia nên đến để “check” máy trước khi thực sự tin tưởng vào đối tác của mình. Sửa chữa có tính phí khá đắt (với các lỗi không trong phạm vi bảo hành), nhưng dù sao vẫn hơn nhiều đem ra ngoài.

Ăn sâu vào tâm trí người dùng là một hãng sản xuất những chiếc điện thoại siêu bền, không vì thế NOKIA bỏ quên khâu bảo hành

Sony là một hãng sản xuất gắn liền với tâm lý chuộng hàng điện tử Nhật của người Việt Nam (không hẳn hoàn toàn, nhưng đa phần là vậy). Với những trung tâm Sony Centre rộng khắp (kiêm luôn cả việc bán hàng), khách hàng cũng sẽ không quá phải lo lắng về vấn đề bảo hành, mặc dù thời gian gần đây thái độ phục vụ ở các trung tâm này bắt đầu nhận được nhiều phàn nàn từ nhiều người dùng cuối.

Chính sách bảo hành của Sony được hỗ trợ bởi một loạt các cửa hàng và trung tâm bảo hành của hãng

- Mức thứ 2 là các hãng lớn như Motorola, Blackberry (BB), HTC, Samsung, LG: các hãng này người viết chưa sử dụng dịch vụ bảo hành nhiều (mới đi có 2 lần của LG), nhưng nói chung là ít ra có trách nhiệm và cũng tương đối chuyên nghiệp. LG gây cho người viết một ấn tượng khá tốt lần đem 1 chiếc GT540 đi bảo hành. Lần đó do up ROM không cẩn thận nên phải thay main, tuy nhiên người viết chỉ đem đến và nói đơn giản là sụt nguồn rồi không lên, và được thay main mới, mất có 5 ngày chờ đợi. Đợt đó là trước khi Optimus One được ra mắt, chắc LG cũng cố PR, nhưng nếu như chế độ đó vẫn được giữ thì quả là ấn tượng với các hãng đến từ Hàn Quốc (về mặt bảo hành thôi nhé - LOL).

HTC, BB hay Motorola người viết chưa có kinh nghiệm về khoản bảo hành của họ nên mong chờ góp ý từ phía bạn đọc, tuy nhiên xét với mức độ phổ biến rộng, trong khi giá bán của các sản phẩm là khá cao nên gây ấn tượng là “có vẻ” chế độ hậu mãi sẽ tốt hơn.

- Mức cuối cùng là các hãng sản xuất nhỏ như các thương hiệu nhỏ đến từ Trung Quốc hay các hãng khá lạ tai như Alcatel, Sky, Vega,.... hay các mẫu máy xách tay chưa được phân phối ở Việt Nam như các model Nhật Bản chẳng hạn: việc bảo hành chỉ chờ vào thợ hay các trung tâm sửa chữa điện thoại. Không phải người viết có suy nghĩ tiêu cực nhưng nhiều bình luận trên diễn đàn cho thấy những cái nhìn không hay về cách mà các hãng này áp dụng các chế độ hậu mãi cũng như đánh thức nỗi sợ hãi khi giao máy vào tay những người thợ thiếu cái tâm.

Nói chán về chế độ bảo hành, người viết xin nói về cảm nhận của mình khi nói về các hãng điện thoại có mặt trên thị trường hiện nay dưới con mắt chủ quan.

- Apple: đẹp và sành điệu (nhưng thông dụng đến mức phổ biến) là những từ ngữ mà người viết dùng với sản phẩm của Trái táo cắn dở. Với lượng fan trung thành đông đảo, Apple chắc chắn sẽ còn có chỗ đứng trong tâm trí người dùng, không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới, rất rất lâu nữa.

iPhone đã tạo ra chuẩn mực về thiết kế của thế giới chiếc smartphone hiện tại

co the ban quan tam

- Nokia: ông hoàng một thời ngày nay có lẽ vẫn độc bá trong phân khúc phổ thông với những model có tính năng cơ bản, nhưng với phân khúc smartphone thì đang bị cạnh tranh khốc liệt và thất thế hẳn khi so sánh với các hãng sản xuất như Apple hay các thiết bị Android. Thay đổi mạnh mẽ hơn nữa là những gì mà người viết mong mỏi ở một thương hiệu lớn như Nokia, sau sự hợp tác có vẻ vẫn chưa đem lại hiệu quả với Microsoft của họ.

Một siêu phẩm mà chúng ta đang chờ đợi từ Nokia, đó là chiếc Lumia 920. Tuyệt vời, đó là những gì người viết muốn nói về sản phẩm này, với sự tổng hợp nhiều yếu tố tốt nhất của Nokia: thiết kế của dòng Lumia đẹp và tinh tế, hệ điều hành Windows Phone 8 đầy hứa hẹn, khả năng chụp ảnh “thửa” cả công nghệ Pure View trứ danh, khả năng cảm ứng “đa dạng”, và khả năng kết nối cực tốt với các phụ kiện. Hy vọng với chiếc máy này, Nokia sẽ có một sự trở lại mạnh mẽ.

Chờ đợi sự trở lại của NOKIA với sản phẩm này?

- HTC: nam tính và bản sắc: đó là 2 cụm từ mà người viết muốn khi nói về hãng sản xuất đến từ Đài Loan này. Những thiết kế của HTC mang một phong cách riêng, rắn rỏi và nhìn rất mạnh mẽ, chắc chắn mà người viết rất yêu thích. Những điểm yếu trước đây như công nghệ màn hình rất tồi khi đem ra ngoài trời nắng sử dụng, hay camera chất lượng không tốt đang được HTC cải thiện dần trong những sản phẩm gần đây. Đặc biệt đến chiếc One X gần đây thì công nghệ màn hình của HTC thực sự bước lên một tầm cao mới.

Các thiết kế của HTC: bản sắc và nam tính

Các model của HTC đưa ra thường ở mức giá cao đến rất cao nếu so về mặt tính năng mà nó cung cấp với các sản phẩm trên thị trường. Nhưng bản sắc rất riêng mà chúng mang lại rất xứng đáng với mức giá ấy.

- Sony: kẻ đại diện cho những tinh hoa của nền công nghiệp kỹ thuật cao của Nhật bản. Điện thoại Sony luôn luôn được tung hô về khả năng giải trí đa phương tiện tuyệt hảo, mặc dù gần đây xuất hiện rất nhiều kẻ thách thức thực sự khả năng này trên các thiết bị của họ. Người viết luôn có một thiện cảm nhất định đối với những thiết kế đầy tính đột phá và nhân bản của hãng điện thoại Nhật này, nhưng cũng xin nhắc bạn đọc: số lượng fan-boy, thậm chí là fan cuồng của Sony là không ít, đôi khi “thần thánh hóa” quá đáng. Đừng quá tin vào những lời tung hô này cho đến khi bạn thực sự trải nghiệm.

NXT series, phát pháo đầu của Sony sau khi đổi tên vào thị trường smartphone

Ngoài Sony, Nhật Bản còn rất nhiều hãng công nghệ khác như Sharp, Hitachi, Panasonic,... cũng tiến hành sản xuất điện thoại, thậm chí là điện thoại với những tính năng cực kỳ mạnh mẽ. Tuy nhiên, vì chuẩn di động ở Nhật Bản được thiết kế một cách hoàn toàn khác so với các khu vực khác trên thế giới, nên những mẫu máy này khi đem ra ngoài phạm vi lãnh thổ của họ gần như không sử dụng được, hoặc có thì cũng phải bẻ khóa, nhiều khi cũng không ổn định. Điều đó khiến cho thế giới ít biết đến những sản phẩm mang hàm lượng công nghệ rất cao mà kể cả những sản phẩm của Sony cũng không thể chuyển tải hết (thực chất thì trong phạm vi Nhật Bản, Sony cũng không phải là hãng có một tầm ảnh hưởng quá lớn).

Điện thoại nội địa Nhật: luôn là những món hàng "độc"

Những model xách tay, bẻ khóa và được bán tại Việt Nam không nhiều, và với cộng đồng người dùng cũng khá khiêm tốn, nó sẽ là món “đồ độc” cho những tín đồ đam mêm giải trí đa phương tiện vốn là thế mạnh cực lớn của các sản phẩm này.

- Samsung: gã khổng lồ Hàn Quốc đang là kẻ “cầm đầu” trong thế giới điện thoại thông minh, và cũng là nhà sản xuất các sản phẩm thông minh (như Smart TV, máy tính bảng) hàng đầu thế giới.

Samsung, niềm tự hào Android

Sẽ là không quá khi cho rằng chính Samsung (và phần nào đó là cả LG nữa) là đại diện tiêu biểu nhất cho “kỳ tích sông Hàn” mà người Hàn Quốc đã và đang thực hiện để biến mình thành một trong những quốc gia có tầm ảnh hưởng lớn trong khu vực và trên thế giới. Bắt đầu từ sự thành công rực rỡ của Samsung Galaxy S, những chiếc điện thoại từ nhà sản xuất này từng bước được cải thiện và hoàn thiện, và những sản phẩm mạnh mẽ nhất của họ luôn có chỗ đứng bên cạnh những tên tuổi có truyền thống đã được liệt kê ở trên.

- LG: dù cho chỉ là kẻ đứng ngay sau Samsung ở Hàn Quốc, nhưng thực tế mà nói, LG không hoàn toàn ở cùng một đẳng cấp với người đồng hương của mình. Những sản phẩm của LG, kể cả mang tính đột phá (như chiếc LG G2X là chiếc điện thoại 2 nhân đầu tiên trên thế giới, tới chiếc Optimus 3D là smartphone xem 3D không kính đầu tiên, thậm chí họ cũng là hãng thông báo về chiếc điện thoại 4 nhân đầu tiên, Optimus 4X), nhưng cũng không thực sự gây được tiếng vang lớn (một phần là vì các sản phẩm của họ được đưa ra thị trường quá chậm, mà điển hình là chiếc Optimus 4X). Doanh số của họ có tốt, nhưng khó có một sự tăng trưởng thần kỳ kiểu như Samsung. “Theo mốt” là những gì mà người viết muốn nói khi nhắc tới hãng sản xuất này: những tính năng luôn rất thời thượng, đi trước thời đại, nhưng luôn có sự thiếu hoàn thiện nào đó để nâng bất cứ một sản phẩm nào đó của họ lên tầm “siêu phẩm”.

LG - Life's Good

Mức giá khó tin của Nexus 4, trong khi được trang bị đầy đủ những công nghệ mạnh nhất, có lẽ nhờ hợp tác với Google nên LG đã có được một siêu phẩm thực sự đầu tiên chăng? Vẫn chưa có nhiều người được sử dụng chiếc máy này, và chúng ta nên chờ để biết thêm chi tiết - LOL.

Nexus 4 hứa hẹn là sản phẩm thành công nhất từ trước đến nay của LG

Nhắc tới sản phẩm Hàn Quốc mà không nhắc tới những mẫu máy thời gian gần đây được xách tay về Việt Nam rất nhiều của các nhà mạng bên đó như Sky, Vega,... thì sẽ là một thiếu sót đáng lên án. Các mẫu máy này luôn có những thông số cấu hình rất rất ấn tượng (đến nỗi khó tin nếu lần đầu bạn thấy và nhìn vào mức giá cực kỳ shock của nó) mà những sản phẩm quốc tế được bán ở Việt Nam, cho dù mức giá cao hơn nhiều, cũng khó có được. Con đường để mua những chiếc máy này giờ đây cũng rất đơn giản, khi những topic, những cửa hàng mua bán, trao đổi chúng rất phổ biến trên box mua bán của những diễn đàn công nghệ lớn. Những sản phẩm này có lẽ chúng ta sẽ phải bàn riêng trong một bài viết khác, trong phạm vi loạt bài này người viết xin phép đề cập hạn chế tới chúng.

- Motorola: nhắc tới Motorola là nhắc tới những kỉ niệm của thời những năm 90, khi chiếc Motorola Startac X là mơ ước và là món hàng quý giá (trị giá vài cây vàng), được đem ra so sánh với những chiếc xe đạp Mini(thời trước) hay Dream Nhật huyền thoại. Hồi đó phải là cỡ đại gia mới có một chiếc di động Motorola “cục gạch”, và cước phí cực kỳ đắt đỏ càng khiến chúng trở thành những biểu tượng của sự xa xỉ.

Motorola, con bài chiến lược của Google

Motorola năm 2009 đã thực sự gần như phá sản, với sự sụt dốc thậm chí còn tệ hại hơn cả NOKIA bây giờ, vì sau khi ra mắt những chiếc V3 hay V6 cực kỳ thành công, họ không giới thiệu được một sản phẩm nào đáng được để mắt tới. Nhưng họ đã chơi 1 canh bạc mạo hiểm: dành toàn bộ sức lực tập trung phát triển mảng điện thoại nền tảng Android, một nền tảng khi đó hãy còn rất non trẻ và chưa có được chỗ đứng như bây giờ, và họ đã được, được rất lớn. Nếu đã “chơi” điện thoại được tầm vài năm, hẳn bạn đọc không quên sự hút hàng của những chiếc Milestone hay Droid dạo trước. Mặc dù đã được Google mua lại, nhưng chỗ đứng của Motorola trong làng điện thoại là không phải bàn cãi, đặc biệt là khi nhìn vào số lượng bằng sáng chế khổng lồ của họ trong lĩnh vực viễn thông.

Chiếc điện thoại cứu cả một hãng sản xuất

Và chiếc điện thoại với quả pin lớn nhất cho đến hiện tại

- Blackberry: đây là một thương hiệu gây cho người viết nhiều cảm xúc. Lần đầu nhìn thấy BB là cảm giác về một cái gì đó rất nghiêm túc, rất chuyên nghiệp, dành cho doanh nhân. Những lần sau nhìn thấy thì cảm nhận về một vẻ đẹp rất rắn rỏi, rất riêng. Nhưng sau khi cơn bão Android quét qua thì trước mắt nhiều người, chúng chỉ còn là một “cục gạch” to và không có màn hình cảm ứng, ít ứng dụng, đi sau thời đại... (đây là cảm nhận chủ quan). BB có lẽ hợp với những người yêu cái đẹp ở sự chuyên nghiệp, sự thực dụng (có lẽ vì vậy mà một thời BB rất “bá đạo” ở thị trường Mỹ, một mảnh đất mà sự thực dụng và hiệu quả được đặt lên hàng đầu) hơn là người viết, một kẻ thích chạy theo những trào lưu của thị trường. Đẹp nhưng kén chủ, đó là nhận xét của người viết cho nhãn hiệu điện thoại mang dáng dấp doanh nhân này. Gần đây họ đang đặt toàn bộ hy vọng của mình vào một nền tảng mới, có tên hiện tại là BB10. Thất bại hay thành công của RIM đều trông chờ vào đứa con đã bị trễ hẹn khá lâu này.

Đứa con là niềm hy vọng của RIM

Chắc sẽ thiếu sót nếu không nhắc tới những sản phẩm mang thương hiệu Trung Quốc hay “ruột Trung, mác việt” đang xuất hiện nhan nhản thời gian gần đây. Chưa nhắc tới tâm lý bài Tàu khá gay gắt thời gian gần đây do một số vấn đề chính trị mang lại, thì quả thật, chất lượng những chiếc máy này ở Việt Nam thật sự không tốt: cảm ứng tệ khiên thao tác với bàn phím ảo không chính xác, máy nóng, nhanh hết pin, chất lượng gia công không tốt khiến máy rất ọp ẹp,... Chỉ có thể kể ra một vài ngoại lệ nho nhỏ là các model từ nhà sản xuất Lenovo.

Chiếc điện thoại hiếm hoi mang mác Trung Quốc được gia công tốt

Chưa hết, nếu bạn quyết định gắn bó với những chiếc máy này thì chuẩn bị sẵn tinh thần sẽ cực kỳ, cực kỳ khó khăn nếu muốn bán lại để “lên đời” máy khác, đặc biệt là giá bán sẽ cực kỳ … - LOL.

Kỳ sau chúng ta sẽ lạm bàn về những hệ điều hành xuất hiện trên các điện thoại di động hiện nay.

 

Mời các bạn xem toàn bộ loạt bài tại chuyên trang này.