Tư vấn

Đi tìm chiếc TV LCD phù hợp với nhu cầu và túi tiền

Đi tìm chiếc TV LCD phù hợp với nhu cầu và túi tiền

Đã từ rất lâu, TV dường như là vật dụng không thể thiếu trong mỗi gia đình. Chỉ cách đây không lâu, TV LCD là một vật dụng còn khá xa xỉ đối với hầu hết mọi người. Tuy nhiên nhờ sự phát triển như vũ bão của công nghệ, giờ đây bạn có thể bắt gặp TV LCD mọi lúc mọi nơi, trong siêu thị, quán café, trong phòng khách, phòng ngủ hay nhà bếp của gia đình.

 

Dù phổ biến đến vậy, việc lựa chọn cho mình một chiếc LCD phù hợp với nhu cầu và túi tiền bản thân là việc không phải ai cũng có thể làm được. Nhất là khi người mua bắt tay vào lựa chọn giữa một rừng thương hiệu với quá nhiều thông số và mẫu mã khác nhau, thêm vào đó là những người sản xuất, những người bán hàng luôn cố gắng quảng cáo và nhồi nhét, “thuốc” cho chúng ta đến chóng mặt.

 

Bài viết dưới đây sẽ không chỉ đích danh mẫu TV nào tốt nhất hiện nay, mà sẽ giúp bạn đọc nắm được những kiến thức cần thiết để hiểu rõ hơn về TV LCD, từ đó sẽ tự rút ra cho mình những kinh nghiệm quý báu để tậu về một (vài) chiếc TV LCD hợp nhu cầu.

 

1. Các thuật ngữ thường gặp


Để hiểu rõ hơn về TV LCD, đầu tiên chúng ta cần hiểu được các thuật ngữ thường dùng. Dưới đây là một vài những thuật ngữ thường gặp nhất khi lựa chọn màn hình LCD:
 
LCD (Liquid Crystal Display): hay còn gọi là màn hình tinh thể lỏng. Đây là loại màn hình có cấu tạo từ các điểm ảnh có khả năng thay đổi cường độ và màu sắc ánh sáng liên tục. Mỗi điểm ảnh có một bộ lọc đỏ/ xanh lá/ xanh lam (RGB), và toàn bộ màn hình LCD của chúng ta hiện nay được cấu thành từ sự phối hợp màu sắc giữa hàng triệu điểm ảnh khác nhau.
 
LED (Light Emitting Diode): Thay vì sử dụng đèn nền huỳnh quang cathod (CCFL), công nghệ đèn nền sử dụng LED đang được các nhà sản xuất ứng dụng cho các sản phẩm mới nhất của mình. So với đèn nền CCFL trước đây, LED cho những ưu điểm như tiết kiệm điện năng, cho độ sáng cao và tối ưu hơn. Cần hiểu được rằng, TV LED không phải là một loại TV mới, cách gọi này chỉ là gọi tắt màn hình LCD sử dụng đèn nền LED.

 

LCD đèn nền LED có ưu điểm cực mỏng.
 
EdgeLit và BackLit: Có hai kiểu bố trí đèn nền LED là đèn nền viền (EdgeLit) và đèn nền sau (BackLit). Đèn nền viền tỏ ra thông dụng hơn với khả năng tiết kiệm chi phí. Các màn hình dạng này cũng đạt được độ mỏng đáng kể bởi chúng không chiếm diện tích phía sau panel. Tuy vậy, một nhược điểm lớn của EdgeLit là ánh sáng không được phân bổ đều và dễ điều chỉnh so với BackLit. Nhờ đó BackLit cũng cho độ sáng và độ tương phản tốt hơn so với EdgeLit.
 
Contrast Ratio: Hay còn gọi là Độ tương phản. Hiểu nôm na, độ tương phản của màn hình là sự khác biệt giữa hai màu đen và trắng có khả năng hiện thị. Cần phân biệt được độ tương phản tĩnh (static contrast) và độ tương phản động (dynamic contrast). Độ tương phản tĩnh là tỉ lệ giữa hai điểm sáng nhất và tối nhất tại cùng một thời điểm xác định, có thể dễ dàng giám sát và quy chuẩn. Trong khi đó độ tương phản động chỉ là số đo lường giữa điểm tối nhất và sáng nhất mà khả năng màn hình có thể đạt được. Xét về mặt ý nghĩa, độ tương phản tĩnh là chỉ số đáng quan tâm hơn, tuy nhiên những thông số về độ tương phản được yết trên sản phẩm hiện nay hầu hết đều là độ tương phản động.
 
Resolution (độ phân giải): Có hai loại phổ biến nhất hiện nay là 1080p (Full HD) và 720p, được tính dựa trên tổng số hàng điểm ảnh trên màn hình. Khi lựa chọn LCD có kích thước dưới 40inch, không cần thiết phải chọn mua độ phân giải đến 1080p bởi ngoài việc tiết kiệm chi phí, không dễ gì để phân biệt sự khác nhau giữa hai loại độ phân giải với kích thước màn hình nhỏ. Trong khi đó, những TV có kích cỡ lớn hơn 40inch nên lựa chọn độ phân giải 1080p để tránh trường hợp vỡ hay chèn điểm ảnh khi sử dụng nguồn phát 1080p.

 

 
Hertz (Tần số quét): Chỉ số này mang ý nghĩa trong một giây, màn hình có khả năng hiển thị được bao nhiêu khung hình. Tần số quét càng cao, hình ảnh càng sắc nét, đồng thời lại khiến các hiệu ứng mờ ảnh (motion blur) bị hạn chế. LCD hiện nay có tần số quét khá cao (120Hz – 240Hz). Việc lựa chọn màn hình có tần số quét quá lớn sẽ khiến chi phí tăng cao, trong khi chất lượng mà chúng mang lại không được cải thiện nhiều. Ngoài ra cần phải nhận định rằng, các chương trình truyền hình hiện nay có chuẩn là 60Hz. Phim HD, Blu-ray cũng chỉ đạt đến 120Hz, do vậy màn hình có tần số quét 240Hz không phải là lựa chọn hợp lý ở thời điểm này.
 
Plasma: Công nghệ màn hình plasma cho phép các điểm ảnh tự phát sáng thông qua môi trường plasma. Công nghệ này cho chất lượng hình ảnh khá tốt đặc biệt là màu đen. Tuy vậy điểm hạn chế ở loại màn hình này là khả năng hiển thị màu trắng kém, khiến các ánh sáng nhỏ hiển thị trở nên tối tăm. Kể từ khi công nghệ LCD ra đời, TV Plasma đang dần bị thay thế trên thị trường bởi những yếu tố như thẩm mỹ và kinh tế.

 

2. Lựa chọn TV trong tầm giá
 
Khi chọn mua bất kỳ món đồ nào, câu hỏi đầu tiên được đặt ra luôn là… tiền đâu?. Một khi đặt trước cho mình mức giá tối đa, bạn mới có thể lựa chọn được màn hình với chất lượng, cấu hình phù hợp. Các màn hình hiện nay rất đa dạng về chủng loại, màu sắc, mẫu mã. Do vậy việc cân đối ngân sách, lựa chọn cho mình mức giá phù hợp là điều hết sức cần thiết.

 

Sau khi đã đặt được tầm giá, công việc tiếp theo là lên các website của các siêu thị điện máy tin cậy để liệt ra những TV phù hợp nhất. Việc tham khảo này sẽ giúp người mua tiết kiệm đáng kể thời gian tìm đến siêu thị chọn lựa, tránh trường hợp bị choáng ngợp trước hàng loạt mẫu sản phẩm khác nhau.
 
3. Lựa chọn kích cỡ màn hình
 
Một trong những yếu tố quan trọng nhất khi lựa chọn màn hình LCD: Kích thước. Lựa chọn kích thước hợp lý đối với mỗi loại phòng khách, phòng ngủ hay hội trường là điều không phải ai cũng làm tốt. Dưới đây là những công thức giúp bạn có thể tính toán được kích thước màn hình một cách đúng đắn:
 
- Kích thước lớn nhất = Khoảng cách tới màn hình/ 1,5
 
- Kích thước nhỏ nhất = Khoảng cách tới màn hình/ 3
 
Trong đó, khoảng cách tới màn hình ở đây được đo từ vị trí người ngồi tới vị trí màn hình. Lấy ví dụ, với khoảng cách 3m từ ghế ngồi tới TV, lựa chọn màn hình hợp lý sẽ vào khoảng 40inch trở lên, tùy thuộc vào túi tiền của chúng ta.
 
4. 3D hay không 3D?
 
Công nghệ 3D ngày nay đang làm mưa làm gió với truyền hình và phim ảnh. Các TV3D đang xuất hiện ngày một nhiều với đa dạng về chủng loại và mẫu mã. Tuy vậy một đặc điểm chung của các loại TV này là chúng còn khá đắt đỏ.
Giá TV 3D hiện nay còn khá cao.

Ngay cả đối với những người mà tiền bạc đối với họ không thành nhiều vấn đề, việc lựa chọn và sử dụng hết những tính năng của TV3D mang lại hiện nay là khá khó khăn. Tại Việt Nam, truyền hình 3D dường như vẫn còn là một khái niệm của tương lai. Trong khi đó, phim ảnh 3D còn chưa phổ biến, và việc tìm được những bộ phim 3D “chất” hiện tại cũng không phải điều dễ dàng. Thêm vào đó việc phải dùng kính 3D vướng víu cũng là một cản trở không nhỏ, đặc biệt là khi bạn muốn xem phim cùng số đông gia đình và bạn bè.
 
Tuy vậy, có không ít người có hầu bao rủng rỉnh và có sở thích đón đầu công nghệ. Tới đây việc lựa chọn TV3D ra sao lại là một vấn đề. Do công nghệ 3D tách hình ảnh làm 2 phần cho hai bên mắt trái và phải, TV3D cần có tần số quét tối thiểu 120Hz để đảm bảo 60Hz mỗi bên. 120Hz cũng là con số cần và đủ. Nếu quá cao, khi xem phim với những cảnh quay mờ (motion blur), hình ảnh hiển thị sẽ trở nên quá sắc nét, ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng phim ảnh.
 
5. Kết nối không dây hay có dây?
 
HDTV kết nối Internet đang là một trào lưu hứa hẹn trở thành chuẩn cho tương lai. Công nghệ này cho phép người dùng sử dụng các ứng dụng như YouTube, Skype ngay trên TV, thông qua cổng ethernet (có dây) hoặc wi-fi (không dây).
 
Internet có dây có lợi thế giúp đường truyền ổn định hơn. Trong khi đó, lợi thế không thể chối cãi của Internet không dây là sự tiện lợi không cần vướng víu dây nhợ. Nếu router được bố trí hợp lý cho sóng tốt và ổn định, lựa chọn cho Internet không dây sẽ là đúng đắn hơn cả.
 
6. Lựa chọn về âm thanh
 
Âm thanh từ loa tích hợp trên TV cũng là yếu tố khiến nhiều người quan tâm. Nếu căn phòng của bạn quá hẹp khiến việc kê thêm bộ loa xem phim hoặc nghe nhạc trở nên khó khăn, việc tìm đến một chiếc LCD có loa tích hợp tốt là điều nên làm.
 
Tuy vậy cần nhấn mạnh rằng, loa tích hợp trên TV có tốt đến đâu cũng không thể so sánh được với một bộ loa rời. Nếu thực sự chú ý đến nhu cầu giải trí, bạn nên tham khảo một số bộ loa rời cho khả năng tái tạo âm thanh tốt để nghe nhạc, xem phim HD.