Nhịp sống số

Con người có sợ hãi mảnh đất của người chết?

Con người có sợ hãi mảnh đất của người chết?
- Tại sao người sống lại sợ nghĩa địa.
- Mảnh đất của người đã khuất.
- Sự tồn tại của những nấm mồ.
Đối với gamer, những cụm từ chỉ cái chết như “ngửa”, “lên bảng”, “lên bàn thờ”… hay những trong những game có khu vực nghĩa địa như The Ceremetery trong Lineage II hay những hầm mộ trong Diablo là những thứ quá quen thuộc, tầm thường. Nhưng đó là khi cái chết không thật, bạn có thể sống dậy sau vài chục giây, cùng lắm là 2 phút, và bạn trong hoàn cảnh ấy cũng không phải là một người tầm thường, bạn sở hữu quyền năng, và sức mạnh phi thường. Cũng đôi khi, những người thờ ơ và lạnh lùng đi qua một vụ tai nạn mà chỉ biết cười khẩy, những người thấy xe cấp cứu chạy trên đường thì vô tình buông những câu như:“Đất Hà Nội này lại thêm rộng rồi”. Trong những hoàn cảnh ấy, cái chết thật xa vời. Nhưng liệu bạn còn vững tâm được không khi đang đối diện với cái chết?
 
Có lẽ không nên kể đến những môn thể thao mạo hiểm bởi rất nhiều người vẫn thích thú thưởng thức nó. Có lẽ không nên nói đến những lần bị tai nạn vì trong cơn nguy kịch, nạn nhân thường bất tỉnh nên cũng không hề có cảm giác về những gì đang xảy ra xung quanh. Hãy cùng nghĩ đến những nghĩa trang lạnh lẽo, nơi hàng nghìn người đang yên nghỉ.
 
Cảnh tượng trông rất yên bình nhưng không phải ai cũng đủ dũng cảm bước qua đây khi Mặt Trời đã lặn.
 
Bạn có cảm thấy dễ chịu khi đi ngang qua nghĩa địa? Tất nhiên sẽ có một vài người trả lời là có, nhưng những người đó chỉ là thành phần ít ỏi. Hầu hết mọi người đều không muốn phải đi qua nghĩa địa. Theo phong tục của người Việt Nam chúng ta, con cháu sẽ phải đi thăm mộ, lễ tạ ông bà, tổ tiên, cũng có trường hợp, do Việt Nam là đất nước mới phát triển, nhiều vùng nhà cửa xây lên nằm chen lẫn với những ngôi mộ. Mặc dù những điều đó gắn liền với cuộc đời con người, nhưng chúng ta vẫn có cảm giác không thoải mái khi đứng trước những ngôi mộ. Đó cũng là lý do nhiều khu đất tại Việt Nam mặc dù có diện tích lớn, giá rẻ nhưng vẫn không thể bán đi được. Chẳng ai muốn sống gần nơi có những ngôi mộ cả.
 
Những khu dân cư xen lẫn khu mộ này thường rất khó có thể bán được.
 
Đến bất cứ nơi đâu trên thế giới, bạn sẽ luôn cảm nhận được không khí tĩnh lặng, trang nghiêm trong những khu vực này. Và vì bất cứ lý do gì, nếu phải đi vào hoặc chỉ đi ngang qua khu nghĩa trang một mình, bạn sẽ cảm thấy một không khí kỳ lạ, không giống với cuộc sống bình thường. Dù sao, đây cũng là lãnh địa của người chết.
 
Điều gì làm chúng ta cảm thấy không thoải mái khi đi vào nghĩa địa? Có phải là do hình ảnh của những cơ thể đang thối rữa dưới những lớp đất kia làm chúng ta sợ hãi? Hay nỗi sợ về những bóng ma có thể vồ lấy chúng ta bất cứ lúc nào?
 
Bạn có thật sự đủ dũng cảm để đi vào nghĩa địa một mình vào ban đêm?
 
Biều tượng của cái chết
 
Có lẽ không ít lần bạn được thầy cô giáo nhắc nhở phải giữ kỷ luật, giữ trật tự trong lớp học. Trong những lần nói nặng hơn, thầy cô thường lôi một câu nói rất quen thuộc là:”Con người gồm phần con và phần người. Phần con là phần động vật, phần bản năng. Chúng ta khác loài vật ở chỗ có phần người, chúng ta phải có ý thức…”. Tuy nhiên, những lời răn dạy ấy lại cố tình bỏ qua tầm quan trọng của phần “con” trong mỗi chúng ta. Bản năng giúp chúng ta sinh tồn, bản năng giúp loài người vẫn còn tồn tại đến ngày hôm nay, bản năng giúp chúng ta vươn lên làm loài động vật bậc cao trên Trái Đất này. Bản năng cũng khiến chúng ta chiến đấu chống lại cái chết hoặc chạy trốn khỏi cái chết.
 

 
Những bia mộ, tử thần, quạ… là biểu tượng của cái chết, vậy không có gì khó hiểu khi con người sợ hãi khi đi vào nghĩa địa. Một cơn gió bình thường, một tiếng lá xào xạc trong nghĩa địa cũng có tác động hơn hẳn so với khi ở bên ngoài. Chúng ta không chỉ chạy trốn khỏi trí tưởng tượng của mình, mà chúng ta còn theo bản năng, chạy trốn cả cái chết.
 
Tuy nhiên, dù muốn hay không, con người cũng đều phải chết. Do đó, ngoài việc cố gắng tìm mọi cách để cố sống, chúng ta còn làm những cách khác như định nghĩa lại cái chết. Người ta vẫn thường cố gắng nói rằng cái chết là do thần chết ban cho chúng ta. Tại sao lại phải là do một chủ thể nào đó bắt chúng ta phải chết? Đơn giản là vì thật khó để phải thừa nhận rằng chúng ta chắc chắn sẽ chết, tạo nên một hình tượng như thần chết đưa cái chết đến cho chúng ta đồng nghĩa với việc con người có thể giao tiếp được với cái chết, có thể chấp nhận hoặc cũng có thể dùng mánh khóe để đánh lừa cái chết. Cũng có nhiều người, nhiều tôn giáo luôn khuyên răn con người làm điều tốt, sống tốt sẽ được lên thiên đường, những người xấu sẽ bị đày xuống địa ngục. Ở đây, khái niệm thiên đường – địa ngục ngoài mục đích uốn nắn con người, nó còn thể hiện khát vọng của con người, chúng ta không muốn biến mất, ngay cả khi ở địa ngục, chúng ta vẫn tồn tại.
 
Thiên đường và địa ngục cũng chỉ là cách mà con người chạy trốn khỏi cái chết.
 
Tuy nhiên, không một ai còn sống có thể nói rằng mình đã thấy thần chết, cũng không một ai từ cõi chết trở về để kể cho chúng ta về cuộc sống sau cái chết. Những nấm mộ kia như một lời thách đố cho những người dám vượt qua để tìm câu trả lời cho sự hoài nghi của con người về cái chết. Lời thách đố ấy quá bí ẩn và cái giá phải trả để tìm được câu trả lời cũng quá lớn, do đó những nấm mộ ấy khiến cho những người còn sống sợ hãi.
 
Sự tồn tại của những nấm mồ
 
Khi một người chết đi, có rất nhiều phương pháp để giải quyết với cái xác của người đó. Đơn giản chỉ cần chôn xuống một vùng đất bất kỳ nào đó, chúng ta có thể hỏa táng và rải tro người quá cố đi hoặc thậm chí là để cái xác tự phân hủy, cho động vật ăn. Mặc dù những phương pháp này được xã hội hiện đại không ưa chuộng, nhưng, một lần nữa, phần “con” trong chúng ta không phải lúc nào cũng làm sai, những phương pháp ấy mang tính bản năng, tự nhiên. Những phương pháp ấy khiến những thành phần của tự nhiên được trả lại với nguồn cội của chúng nhanh hơn, những ngôi mộ được xây dựng với xi măng, bê tông, những cỗ quan tài… chỉ làm cho những quá trình ấy diễn ra chậm hơn mà thôi. Không những thế, những phương pháp xử lý này còn rẻ hơn, nhanh gọn hơn rất nhiều so với việc phải mua chỗ và tổ chức chôn cất người đã khuất.
 
Những người dân Ấn Độ đang chuẩn bị hỏa thiêu người chết bằng phân bò.
 
Tuy nhiên, những nấm mồ lại không chỉ dành cho người chết mà còn là cho người sống nữa. Đây là nơi tưởng niệm những người từng sống. Những bia mộ, những khối đá bền vững là một dấu ấn hiệu quả mà chúng ta muốn để lại để có thể nhắc nhở bản thân rằng từng có người chúng ta yêu quý tồn tại, và hiện nay người ấy nằm ở đây. Con người không muốn biến mất, không muốn đi vào cõi hư không, những nấm mộ là một cách để khẳng định sự tồn tại của mỗi chúng ta.
 
Tuy nhiên, chính điều này lại tạo ra một phần đáng sợ khác của nghĩa địa. Ấn tượng của chúng ta về nghĩa địa là nơi yên nghỉ của người chết, là nơi con người tồn tại dưới dạng mà người sống không thể nhìn thấy được. Do đó, khi đi qua nghĩa địa, chúng ta có cảm giác như những cặp mắt của những linh hồn người chết đang theo dõi chúng ta. Con người với bản tính sống theo cộng đồng, sẽ cảm thấy sợ hãi khi bị dõi theo bởi một cộng đồng tồn tại ngoài bản thân con người.
 
Liệu có tồn tại những linh hồn đang quan sát chúng ta từ những nấm mộ này?
 
Chúng ta luôn được dạy dỗ từ bé rằng không nên mạo phạm đến ngôi nhà của những người đã chết, đó vốn dĩ là sự tôn kính với những thế hệ đi trước, nhưng dần dần, sự tôn nghiêm của những nấm mộ khiến cho chúng trở nên mạnh mẽ, khiến chúng ta sợ hãi. Đấy là chưa kể tác động của những bộ phim, những cuốn sách kinh dị hiện đại hay những câu chuyện được truyền lại từ đời trước về sự khủng khiếp của những linh hồn nằm dưới mộ.
 
Cho dù có là người theo chủ nghĩa duy vật, tin tưởng tuyệt đối vào khoa học cũng không muốn đụng chạm đến những vấn đề duy tâm như thế này. Nỗi sợ vô hình về những nấm mộ sẽ mãi mãi còn đó, bất kể khoa học có phát triển đến đâu, bất kể những nhà khoa học có đưa ra giải thích nào về cái chết.
 
Kết
 
Con người thường sợ những gì chúng ta chưa tìm hiểu được. Cái chết cũng là một trong những điều khó hiểu của cuộc sống, dù chúng ta cố gắng giải thích thế nào đi nữa, cái chết với chúng ta vẫn vô cùng bí ẩn. Và dù chúng ta có cố trốn tránh nó, cái chết sẽ đến với tất cả mọi người.
 

 
Nỗi sợ hãi vô căn cứ ấy đỉnh điểm ở những người bị bệnh Coimetrophobia – Chứng bệnh sợ nghĩa trang. Những người bị bệnh này không chỉ toát mồ hôi khi đi ngang qua nghĩa địa mà thậm chí có thể bị ngất khi nghe nhắc đến địa điểm này.
 
Tôi không đủ can đảm để một mình đi giữa nghĩa trang vào buổi đêm, có lẽ tôi cũng sẽ bỏ chạy khi một ngày kia gặp ma. Nhưng ngoài nỗi sợ ấy, tôi vẫn luôn muốn một lần nhìn thấy linh hồn của người chết, ít ra như thế, tôi có thể biết được rằng con người không hoàn toàn chết đi mà đơn giản chỉ là chuyển từ thể sống này sang thể sống khác. Nếu như điều đó là sự thật, có lẽ chúng ta sẽ không còn phải sợ cái chết nữa, cái chết sẽ được đón nhận như mỗi lần sinh nhật của con người.
 
Tuy nhiên, còn một điều đáng sợ hơn những con ma, những loại quái vật trong trí tưởng tượng của bạn đang lởn vởn ở nghĩa trang. Đó là những nấm mộ cũ kỹ bị sụt và bạn có thể vô tình thụt xuống đó.
 
Trên thực tế, những người đang còn sống đáng sợ hơn nhiều so với những nấm mộ kia. Ít ra thì người sống có thể khiến bạn nằm xuống một trong những cái lỗ được đào sẵn ấy.
 

 
Tham khảo: Howstuffworks