Nhịp sống số

FBI, Scotland Yard bẽ mặt vì tin tặc

FBI, Scotland Yard bẽ mặt vì tin tặc
TT - Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) và Sở Cảnh sát Anh (Scotland Yard) đang ráo riết truy lùng nhóm tin tặc khét tiếng Anonymous (Ẩn Danh) và Lulz Security. Nhưng Anonymous đã chứng tỏ sự cao tay khi biến FBI và Scotland Yard thành trò đùa.

Mặt nạ Guy Fawkes (nhân vật chống chính phủ ở Anh cuối thế kỷ 16), biểu tượng của nhóm Anonymous - Ảnh: Reuters

Theo báo New York Times, mới đây Anonymous đã tung lên YouTube đoạn băng 15 phút ghi âm cuộc hội đàm qua điện thoại giữa FBI, Scotland Yard và một số cơ quan cảnh sát nước ngoài.

Trong đoạn băng, các điệp viên FBI và Scotland Yard thảo luận cuộc điều tra các nghi can một số nhóm tin tặc như Anonymous, Lulz Security, Antisec... Nhưng nực cười là chính FBI và Scotland Yard lại bị Anonymous nghe lén.

“FBI chắc rất tò mò muốn biết chúng tôi liên tục nghe lén các cuộc thảo luận quốc tế của họ như thế nào” - Anonymous gửi một tin nhắn đầy giễu cợt và thách thức lên trang mạng Twitter. Nhóm này tiết lộ sẽ sớm công bố trên trang Pirate Bay hàng loạt bức thư điện tử, fax và các tài liệu liên quan đến vụ một nhóm lính Mỹ tàn sát 24 thường dân Iraq trong một trận càn ở Haditha năm 2005.

Thủ thuật đơn giản

Theo một quan chức FBI, Anonymous không xâm nhập bất kỳ một cơ sở hay hệ thống vi tính của FBI. Đơn giản là các tin tặc Anonymous đã lấy được bức thư điện tử do điệp viên FBI Timothy F. Lauster gửi ngày 13-1 cho hơn 30 người ở FBI, Scotland Yard, các cơ quan cảnh sát ở Pháp, Đức, Ireland, Hà Lan và Thụy Điển, thông báo thời gian cuộc hội đàm qua điện thoại, số điện thoại và mã truy cập. Qua đó Anonymous nghe lén được cuộc nói chuyện.

“Kỹ thuật đó không có gì phức tạp và hệ thống FBI không bị xâm nhập” - quan chức trên cho biết. Tuy nhiên, FBI thừa nhận đảm bảo an ninh trong các cuộc liên lạc quốc tế luôn là thử thách khó khăn. “Chúng tôi sẽ phải điều tra nghiêm túc những gì đã xảy ra”. Giới truyền thông quốc tế bình luận đây là một cú vấp đáng xấu hổ đối với các chuyên gia điều tra FBI và quốc tế, khi bị chính những nghi can mà họ tìm kiếm giễu cợt.

Điều gây cười là trong đoạn băng, khi thảo luận các điệp viên FBI và cảnh sát Anh đùa cợt và chê tin tặc Anonymous là dốt. Một cảnh sát Anh khi nhắc đến một số nghi can chưa bị bắt giữ đã mô tả một người có biệt danh Tehwongz là “một thằng nhãi con 15 tuổi, thích chơi nổi và thật ra khá ngu dốt”. Các điệp viên cũng bàn về hai thiếu niên Anh Ryan Cleary và Jake Davis đã bị bắt vì tình nghi có dính dáng đến Anonymous.

Theo các chuyên gia tội phạm, vụ việc có thể còn gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng hơn. “Một cơ quan chống tội phạm lại đi sử dụng kênh liên lạc thiếu an toàn, không được mã hóa. Đó là sai lầm quá lớn - AP dẫn lời chuyên gia Marcus Carey từng làm cho Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ - Nếu đây là cuộc thảo luận về việc ngăn chặn một âm mưu khủng bố và al-Qaeda nghe lén được thì sao?”.

New York Times dẫn lời giáo sư vi tính Keith Ross thuộc ĐH New York nhận định các quan chức và điệp viên chống tội phạm cần học cách xử lý dữ liệu nhạy cảm qua thư điện tử. “Đó là một điểm yếu rất dễ bị khai thác” - giáo sư Ross nhấn mạnh. Ở Paris, một quan chức cảnh sát Pháp cho biết vụ việc sẽ buộc các cơ quan cảnh sát quốc tế phải cẩn trọng hơn khi chia sẻ thông tin qua các cuộc hội đàm điện thoại.

Anonymous thách thức

Thời gian qua, Anonymous liên tục thực hiện các vụ tấn công tại Mỹ và các nước trước sự bất lực của nhà chức trách. Theo Reuters, tháng trước Anonymous phá trang web của Bộ Tư pháp Mỹ và các công ty giải trí vì đã truy tố hình sự những người sáng lập trang web chia sẻ nhạc và phim Megaupload. Mới đây Anonymous đã xóa giao diện trang web Bộ Tư pháp Hi Lạp để phản đối chính sách thắt lưng buộc bụng đang khiến người dân Hi Lạp lao đao.

New York Times cho biết Anonymous vừa lấy đi 2,6 gigabyte dữ liệu từ Hãng luật Mỹ Puckett & Faraj - hãng đại diện cho hạ sĩ Frank Wuterich, 31 tuổi, người dẫn đầu nhóm lính thủy đánh bộ Mỹ giết hại 24 thường dân Iraq ở Haditha. Anonymous khẳng định sẽ “lật tẩy sự tha hóa của hệ thống tòa án Mỹ và sự tàn bạo của chủ nghĩa đế quốc Mỹ”. Theo Anonymous, khối dữ liệu gồm có các bản chép, lời khai, bằng chứng của vụ Haditha và cả “những đóng góp tài chính” của bên bào chữa cho Wuterich.

Tháng trước, tại một tòa án quân sự ở California, Wuterich đã nhận tội “thiếu trách nhiệm” khi ra lệnh cho các lính thủy đánh bộ Mỹ bắn trước, hỏi sau. Nhưng Wuterich không bị xử tù mà chỉ bị hạ bậc thành binh nhì. Bản án đã gây sự phẫn nộ lớn tại Iraq. Anonymous khẳng định tòa án quân sự Mỹ thực tế chỉ trừng phạt Wuterich bằng cách “giảm lương”.

SƠN HÀ

<>__________

<>Tin bài liên quan:

<>>> Brazil: mỗi ngày một website ngân hàng sập vì Anonymous
>> Hacker Anonymous lại "khuấy động" website công quyền
>> Tin tặc Anonymous tấn công Stratfor
>> Hacker nghe lén điện thoại FBI và cảnh sát Anh