Vụ lật tàu Quảng Ninh có dấu hiệu bất thường và hình sự? Ngoài bên bảo hiểm còn ai phải bồi thường?
Trong vụ việc đau lòng lật tàu Vịnh Xanh 58 ở Quảng Ninh vừa qua, ngoài bên bảo hiểm, những ai có trách nhiệm bồi thường cho các nạn nhân?
Chiều 19/7, con tàu du lịch Vịnh Xanh 58 chở theo 49 người bất ngờ gặp giông gió lớn, bị lật úp chỉ trong vài giây khi đang trên hành trình du ngoạn vịnh Hạ Long. Vụ tai nạn nghiêm trọng khiến 39 người tử vong, 10 người được cứu sống. Tín hiệu GPS trên tàu mất kết nối vào lúc 14h05, phải đến hai tiếng sau, lực lượng chức năng mới tiếp nhận được thông tin đầu tiên về tai nạn.
Theo kết luận ban đầu của cơ quan chức năng, tàu Vịnh Xanh được thiết kế cao hơn quy chuẩn thông thường và không trang bị thiết bị phát tín hiệu cứu nạn tự động. Đây là một thiếu sót nghiêm trọng, khiến hệ thống giám sát không thể phát hiện sớm tình huống khi GPS bị ngắt.
Hiện tại, Công an tỉnh Quảng Ninh vẫn chưa đưa ra kết luận chính thức về việc vụ việc có dấu hiệu hình sự hay không. Tuy nhiên, về trách nhiệm dân sự, Cục Quản lý giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) thông tin rằng các doanh nghiệp bảo hiểm đang lên kế hoạch chi trả bồi thường tổng cộng khoảng 14,3 tỷ đồng cho các nạn nhân, trong đó hơn 10 tỷ đồng từ hợp đồng bảo hiểm nhân thọ cá nhân và khoảng 4 tỷ đồng từ bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ tàu.

Trách nhiệm của chủ tàu
Trao đổi với VnExpress, luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch (Đoàn Luật sư TP HCM) nhấn mạnh, sự cố gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng về tính mạng và tài sản cần được xử lý theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015. Theo Điều 584, cá nhân hay tổ chức gây thiệt hại cho người khác phải bồi thường, trừ khi do sự kiện bất khả kháng hoặc lỗi hoàn toàn thuộc về người bị hại.
"Trong vụ việc này, có căn cứ xác định lỗi thuộc về chủ tàu Vịnh Xanh 58", luật sư Trạch khẳng định.
Căn cứ Điều 19 của Luật Giao thông đường thủy nội địa 2004 (sửa đổi 2014), tàu du lịch phải được trang bị phương tiện cứu sinh, thiết bị phát tín hiệu cứu nạn theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Thế nhưng, kết quả điều tra cho thấy tàu Vịnh Xanh 58 không trang bị hoặc thiếu thiết bị phát tín hiệu cứu hộ, gây ra việc chậm trễ trong ứng cứu.
Luật sư Trạch cho rằng: “Việc thiếu thiết bị kỹ thuật này là hành vi vi phạm nghĩa vụ đảm bảo an toàn cho hành khách, đồng thời vi phạm quy chuẩn kỹ thuật áp dụng cho tàu khách du lịch. Đây là lỗi trực tiếp và nghiêm trọng của chủ tàu trong tổ chức khai thác phương tiện. Hệ quả là lực lượng cứu hộ không thể tiếp cận hiện trường kịp thời, dẫn đến thiệt hại nhân mạng gia tăng”.
Lực lượng chức năng chuẩn bị lật tàu tìm kiếm người bị nạn. Ảnh: Cổng thông tin Quảng Ninh
Đồng tình với quan điểm trên, luật sư Nguyễn Minh Hùng (Đoàn Luật sư TP HCM) cho biết, ngay cả khi chủ tàu không có lỗi thì theo quy định tại Điều 623 Bộ luật Dân sự 2015, chủ sở hữu của phương tiện được xếp vào “nguồn nguy hiểm cao độ” như tàu thủy vẫn phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp thiệt hại do lỗi hoàn toàn của bên bị hại hoặc do sự kiện bất khả kháng.
Ngoài ra, người điều khiển tàu – thuyền trưởng hoặc người vận hành trực tiếp cũng có thể bị truy cứu nếu có vi phạm quy định như không phát tín hiệu khẩn cấp, không tuân thủ quy định an toàn giao thông đường thủy hoặc không trang bị đủ áo phao cho hành khách.
Tuy nhiên, trong trường hợp người điều khiển tàu đã thực hiện đầy đủ quy định pháp luật và tai nạn do yếu tố bất khả kháng như lốc xoáy, thời tiết dị thường không thể dự báo thì theo khoản 2 Điều 584 Bộ luật Dân sự, trách nhiệm bồi thường có thể được miễn trừ.
Vai trò của các doanh nghiệp bảo hiểm
Cả hai luật sư đều nhận định, các doanh nghiệp bảo hiểm sẽ phải đứng ra bồi thường nếu chủ tàu và hành khách có mua bảo hiểm. Tàu Vịnh Xanh 58 đã mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc do Công ty Bảo hiểm Bảo Long Quảng Ninh cung cấp. Ngoài ra, một số hành khách có tham gia bảo hiểm nhân thọ hoặc tai nạn cá nhân tại các đơn vị như Generali, Manulife, Bảo Việt, Dai-ichi Life, Prudential, AIA…
Căn cứ theo khoản 4 Điều 7 Nghị định 70/2017/NĐ-CP, đơn vị kinh doanh vận tải hành khách đường thủy phải mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự. Khi xảy ra tai nạn gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe hành khách, doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm bồi thường tối thiểu 30 triệu đồng/người/vụ theo hợp đồng.
Tuy nhiên, luật sư Hùng lưu ý: “Việc chi trả từ bảo hiểm là cơ chế hỗ trợ tài chính, nhưng không loại trừ trách nhiệm dân sự còn lại của chủ tàu nếu thiệt hại vượt mức bảo hiểm hoặc nằm ngoài phạm vi bảo hiểm”.
Lực lượng chức năng tìm kiếm các nạn nhân trong vụ lật tàu ở Quảng Ninh
Cần làm rõ dấu hiệu hình sự
Trao đổi với VnExpress, ông Hoàng Giang – nguyên Trưởng phòng An toàn hàng hải, Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng cho rằng việc tàu lật trong thời gian rất ngắn là "bất thường", cần kiểm tra kỹ yếu tố thiết kế, tải trọng, điều kiện thời tiết và cách vận hành.
Tàu VR-SI vốn thiết kế nhỏ, hoạt động gần bờ, dễ mất ổn định nếu gặp sóng lớn, đặc biệt nếu có trọng tâm cao hoặc thiếu hệ thống cân bằng. Các cơ quan chức năng được yêu cầu kiểm tra kỹ về chiều cao, việc thay đổi thiết kế hay hoán cải tàu, nếu có.
Luật sư Nguyễn Minh Hùng nêu rõ, nếu xác định nguyên nhân tai nạn là do hoán cải kỹ thuật không tái kiểm định, trách nhiệm không chỉ dừng lại ở chủ tàu mà còn liên quan tới cơ quan giám định. Nếu chủ tàu cố tình vận hành tàu vượt quá điều kiện thời tiết, thiếu thiết bị cứu hộ bắt buộc (như EPIRB), thì có thể bị xử lý hình sự theo Điều 272 Bộ luật Hình sự.
Trường hợp con tàu có lỗi thiết kế nghiêm trọng như trọng tâm cao, thiếu hệ thống cân bằng hoặc không đủ thiết bị an toàn, trách nhiệm còn có thể mở rộng đến đơn vị thiết kế, đăng kiểm, cảng vụ hoặc cơ quan cấp phép nếu vẫn cho phép tàu hoạt động mà không đủ điều kiện kỹ thuật.
Nạn nhân hoặc thân nhân của họ có quyền nộp đơn khởi kiện để yêu cầu bồi thường và đề nghị khởi tố nếu phát hiện dấu hiệu vi phạm kỹ thuật hoặc công vụ. Trách nhiệm liên đới từ các cơ quan nhà nước sẽ được xem xét nếu có sai phạm trong việc cấp phép, giám sát, hoặc không cảnh báo kịp thời về thời tiết nguy hiểm.
“Trong mọi trường hợp, quyền lợi của các nạn nhân cần được ưu tiên bảo vệ và giải quyết sớm để khắc phục phần nào mất mát”, luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch nhấn mạnh.