Scorpius

“Vận đen” đeo bám, nữ tỷ phú USD Việt mất gần ngàn tỷ đồng

“Vận đen” đeo bám, nữ tỷ phú USD Việt mất gần ngàn tỷ đồng

Thị trường chứng khoán Việt Nam khởi đầu phiên giao dịch đầu tháng Tư với diễn biến khá tích cực. Lực mua mạnh đổ vào các cổ phiếu chủ chốt đã giúp chỉ số bật tăng và duy trì được sắc xanh trong suốt thời gian giao dịch. Tuy nhiên lượng tiền đổ vào thị trường vẫn ở mức khá thấp, đạt hơn 4.600 tỷ trên cả hai sàn chính, cho thấy nhà đầu tư vẫn rất thận trọng với triển vọng của thị trường trong thời gian tới.

Kết thúc phiên ngày 1 tháng 4, VN-Index tăng 7,77 điểm (0,79%) lên 988,53 điểm. Trên sàn Hà Nội, HNX-Index cũng tăng 0,29 điểm (0,27%) lên 107,72 điểm.

Thị trường tăng điểm trong phiên đầu tháng Tư

Khối nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục mua ròng nhẹ trên hai sàn chính, giá trị mua đạt 73 tỷ đồng. Những doanh nghiệp được khối ngoại rót tiền mua cổ phiếu nhiều nhất là VRE (Vincom Retail), VCB (Vietcombank), Chứng khoán SSI, MSN (Masan), VNM (Vinamilk).

Mặc dù chỉ số ghi nhận sắc xanh, nhưng số cổ phiếu giảm giá trên sàn HSX lại áp đảo hơn với 158 mã, trong khi có 153 cổ phiếu tăng giá. Điều này cũng được thể hiện ở từng nhóm cổ phiếu. 

Trong nhóm ngân hàng, chỉ có 7/17 mã tăng giá, nổi bật là VCB (Vietcombank) và TPB (TPBank). Các cổ phiếu ngành thủy sản và thép đều chìm trong sắc đỏ.

Đà tăng được hỗ trợ bởi cổ phiếu ngành dầu khí và một số bluechips “hạng nặng”. Cụ thể, GAS (PVGAS) tăng 2,5%, PVD và PVS đều có được sắc xanh. Các ông lớn VIC (Vingroup) tăng 0,5%, VHM (Vinhomes) tăng 1%, VNM (Vinamilk) tăng mạnh 2,8%, VRE (Vincom Retail) tăng 4,3%, MSN (Masan) tăng 4,4%.

Đáng chú ý, cổ phiếu VJC tiếp tục chuỗi ngày ảm đạm khi mất 1.800 đồng xuống 114.700 đồng/cổ phiếu. Tính từ đầu năm 2019 đến nay, trong khi VN-Index bật tăng 14% thì VJC lại sụt giảm 4,4%. Khối tài sản chứng khoán của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo (sở hữu 168,51 triệu cổ phiếu VJC) tại Vietjet Air cũng sụt giảm khoảng 893 tỷ đồng.

Cổ phiếu VJC của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo diễn biến không mấy khả quan trong thời gian gần đây

Kết quả kinh doanh năm 2018 của Vietjet Air vẫn tốt khi doanh thu tăng trưởng 24% lên 52.388 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế tăng 10% lên 5.829 tỷ đồng. Vào tháng 2, trong cuộc gặp mặt nhà đầu tư, doanh thu vận tải hàng không và phụ trợ của Vietjet Air còn được dự báo sẽ tăng trưởng lần lượt 40% và 50% trong năm 2019. Tổng lượt khách vận chuyển năm nay cũng dự báo tăng 24%.

Tuy nhiên, cổ đông của Vietjet Air gần đây cũng đang phải đón nhận những thông tin không mấy tích cực. Sau khi Vietjet Air ký hợp đồng mua mua 100 máy bay Boeing 737 Max của hãng Boeing, 2 vụ tai nạn nghiêm trọng liên quan tới Boeing 737 Max của hãng hàng không Ethiopian (Ethiopia) và Lion (Indonesia) đã xảy ra. Bên cạnh đó, liên tiếp các sự cố hàng không nghiêm trọng của Vietjet Air đã diễn ra vào cuối 2018 đã khiến Cục Hàng không phải giám sát đặc biệt với Vietjet.

Theo: Dân Việt 

 

Vietjet Air liên tiếp gặp sự cố, tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo mất trăm tỷ

(Techz.vn) Liên tiếp trong 2 ngày 25 và 26/12/2018, máy bay của hãng hàng không Vietjet (Vietjet Air) gặp sự cố kỹ thuật tới 3 lần. Điều này đã tác động đến giá cổ phiếu VJC.