Nhịp sống số

Trưởng nhóm thề kiếm triệu USD ở phố đi bộ Nguyễn Huệ làm đa cấp BOTV

Trưởng nhóm thề kiếm triệu USD ở phố đi bộ Nguyễn Huệ làm đa cấp BOTV

Từ giữa tháng 4/2019, trong nhóm Facebook cộng đồng người làm YouTube lớn nhất Việt Nam rộ lên làn sóng phản đối mô hình đa cấp có tên BOTV (Business Online TV) do Lý Phương Ngọc, một người nổi tiếng với những video làm giàu từng gây chú ý trên mạng xã hội Việt Nam, làm thủ lĩnh.

“Mô hình này xây dựng dựa trên ước mơ làm giàu bằng YouTube của nhiều người. Thực chất mọi chuyện không đơn giản như vậy”, Hữu Nhật, một YouTuber lâu năm với nhiều kênh có nút bạc cho biết.

Theo chính sách mới nhất của YouTube, một kênh đủ điều kiện bật kiếm tiền phải có 4.000 giờ xem và 1.000 lượt đăng ký theo dõi. Chính vì vậy, BOTV tạo ra một cộng đồng người dùng đăng ký và theo dõi kênh để hỗ trợ việc này.

Lý Phương Ngọc, người hoạt động năng nổ trong hệ thống BOTV từng đứng đầu nhóm người tuyên bố kiếm triệu USD tại phố đi bộ Nguyễn Huệ.

Không cần bỏ vốn vẫn có thu nhập 50.000 USD?

BOTV xây dựng cộng đồng theo mô hình đa cấp. Nếu tuyển được một người tham gia, người đầu tư sẽ nhận được 0,2 USD. Chuỗi đa cấp này áp dụng với 7 cấp độ. Có nghĩa nếu người ở tầng thứ 7 đăng ký, người đầu tư tầng 1 cũng sẽ nhận được tiền.

Tự giới thiệu trên Facebook cá nhân, Lý Phương Ngọc, một trong những người đứng đầu BOTV, khoe hiện có 111.000 người đăng ký mạng lưới đa cấp này và kiếm được số tiền hàng chục nghìn USD. 4 năm trước, ông Phương Ngọc cũng là người đứng đầu nhóm người tuyên bố kiếm triệu USD tại phố đi bộ Nguyễn Huệ.

Chu Quang Minh, một trong những người tự xưng leader (trưởng nhóm) BOTV cho rằng cách xây dựng cộng đồng này là học từ nền tảng Momo. “Chỉ khác một điểm là Momo chỉ trả một cấp còn BOTV trả 7 cấp”, Quang nói trong một video chia sẻ cách kêu gọi người mới tham gia BOTV.

Có thể hiểu, BOTV xây dựng một cộng đồng để bán view và lượt đăng ký. Đây là điều mà YouTube cấm trong chính sách. Vì vậy, hai yếu tố trên không được coi là sản phẩm của BOTV.

Dù chưa có bất kỳ nền tảng nội dung hay sản phẩm nào, BOTV đã bắt đầu trả tiền xây dựng cộng đồng. Thậm chí, cuối năm 2018, một số nhân vật cấp cao của BOTV còn tung tin quỹ đầu tư Lotus Capital đã chi 5 triệu USD để duy trì việc xây dựng cộng đồng. Tuy vậy, thông tin này chưa từng được kiểm chứng.

"Vì chưa có bất kỳ người nào sử dụng dịch vụ tăng lượt xem, đăng ký của cộng đồng, BOTV buộc phải ra chính sách bán kênh để có tiền chi trả cho các cấp", Châu Quang Vinh, thành viên của diễn đàn làm YouTube nhận định.

Tạo kênh YouTube 2 phút, bán 1.000 USD

Dù đã hoạt động từ cuối năm 2018, nhưng đến đầu tháng 4/2019, BOTV mới bị cộng đồng lên án vì tung ra chính sách bán kênh YouTube với giá 1.000 USD/kênh.

BOTV cam kết sau 8 tháng, kênh YouTube “trắng” (kênh YouTube mới được tạo, chưa có nội dung) sẽ đạt 50.000 lượt đăng ký, được bật kiếm tiền và sẽ mua lại kênh với giá gấp đôi nếu người đầu tư không muốn tiếp tục quản lý.

Giá kênh tăng dần để tạo hiệu ứng "sợ hãi mất cơ hội" cho nhà đầu tư.

Như vậy, sau 8 tháng, kênh có giá 1.000 USD sẽ được mua lại với giá 2.000 mà không cần quan tâm đến việc người đầu tư đang sở hữu kênh gì, với nội dung ra sao.

Tuy nhiên, theo bản hợp đồng mua bán kênh, việc bật kiếm tiền không được nêu cụ thể là trên YouTube hay ở BOTV. Bên cạnh đó, liên kết (link) kênh YouTube thật sự là gì cũng không được đề cập.

Ngoài ra, BOTV còn "khéo léo" trong việc đưa ra bảng giá kênh. Cụ thể, giá cho 100 kênh đầu tiên là 1.000 USD, những kênh sau đó được bán với giá lên đến 1.500 USD.

“Đây là cách tạo tâm lý FOMO (Fear Of Missing Out - nỗi sợ bị bỏ lỡ một cơ hội) cho nhà đầu tư. Mọi người sẽ cảm thấy lo lắng sẽ bỏ qua một cơ hội làm giàu”, ông Khiêm Vũ, quản trị viên nhóm chuyên về YouTube lớn nhất Việt Nam với 170.000 thành viên nói với Zing.vn.

Mô hình kinh doanh không sinh ra giá trị

Theo các trưởng nhóm của BOTV, một kênh trắng sau 8 tháng sẽ có được 50.000 đăng ký và kiếm được tiền từ YouTube.

Lượng người đăng ký này chủ yếu đến từ cộng đồng mà họ đã xây dựng trước đó. Người tham gia trong hệ thống sẽ phải đi đăng ký kênh của nhau. Tuy vậy, theo Nam Dương, một YouTuber chuyên nghiệp việc sở hữu một kênh YouTube với 50.000 đăng ký nhưng không có nội dung giá trị là hoàn toàn vô nghĩa.

Lượt đăng ký và lượt xem ảo không có giá trị với YouTube.

Ngoài 1.000 đăng ký và 4.000 giờ xem, YouTube cần nhiều yếu tố khác mới xét duyệt kiếm tiền cho YouTuber. Đồng thời việc tăng lượt xem và đăng ký kiểu BOTV  còn vi phạm chính sách về spam của YouTube khi "đẻ" ra những con số không xuất phát từ nhu cầu thực tế của người xem thông thường. 

“Chính vì vậy, 8 tháng sau, chưa chắc gì người đầu tư có thể lấy lại vốn”, ông Hoàng Tùng, một YouTuber cho biết. Vì vậy, hoạt động "cày" lượt xem và lượt đăng ký của BOTV không được xem là một loại sản phẩm

Về mặt nội dung, đa phần những người tham gia đều không có kinh nghiệm và cũng không mấy quan tâm tới việc tạo ra nội dung trên YouTube. "Cái họ quan tâm chỉ là tuyển chọn tuyến dưới và mua kênh thu lãi", ông Khiêm nói thêm. 

Không tạo ra giá trị sản phẩm nhưng thu nhập từ BOTV được cam kết lại rất cao.

Theo ghi nhận của Zing.vn, ứng dụng BOTV trên di động chỉ liên kết với vài nội dung YouTube, chủ yếu dùng để nói về chuỗi đa cấp này. Bên cạnh đó, kênh YouTube chính của BOTV hiện chỉ có chưa đến 20.000 đăng ký, mỗi video chỉ vài trăm lượt xem. "Chính vì vậy, giấc mơ về hàng trăm nghìn kênh YouTube 50.000 lượt đăng ký và lượng lượt xem khủng có vẻ xa vời với mô hình này”, ông Tùng cho biết.

Ngày 24/4, nhiều hội nhóm đã rộ lên phong trào tấn công từ chối dịch vụ (DDoS) các website thuộc BOTV. Theo các thành viên của đợt tấn công này, trang web của BOTV rất sơ sài, yếu đuối. Điều này cho thấy rủi ro của một cuộc tấn công có thể ảnh hưởng đến hàng chục nghìn nhà đầu tư.

Theo: Zing.vn 

 

'Đọ' thu nhập khủng từ YouTube của các streamer hot nhất Việt Nam

(Techz.vn) PewPew, Misthy hay ViruSs kiếm được bao nhiêu tiền từ những kênh YouTube "vạn người mê" của mình?