Nhịp sống số

Sáp nhập MobiFone và VinaPhone đã “nằm trong lộ trình”

Sáp nhập MobiFone và VinaPhone đã “nằm trong lộ trình”
Sáp nhập hai công ty di động MobiFone và VinaPhone trực thuộc Tập đoàn VNPT nằm trong lộ trình thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 về tái cơ cấu các doanh nghiệp Nhà nước. Vấn đề tái cơ cấu VNPT đang đợi Thủ tướng phê duyệt chính thức.

Đó là trả lời của Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Nguyễn Bắc Son, liên quan đến vấn đề sáp nhập hai công ty di động MobiFone và VinaPhone trực thuộctập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam (VNPT).

Bộ trưởng Bộ khẳng định, đây là vấn đề thuộc lộ trình thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 về tái cơ cấu các doanh nghiệp Nhà nước mà trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty. Theo sự chỉ đạo của Chính phủ và Chỉ thị 03 của Thủ tướng Chính phủ tháng 1/2011, Bộ Thông tin và Truyền thông đang quán triệt triển khai các nhiệm vụ tái cơ cấu các tập đoàn, tổng công ty do Bộ quản lí, trong đó, có tập đoàn VNPT, với hai mạng viễn thông là MobiFone và VinaPhone. Theo Bộ trưởng, đây là yêu cầu cần thiết vì hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty sau thời gian thí điểm vừa qua.

 

Ảnh
Vấn đề sáp nhập Mobifone và Vinaphone đang chờ phê duyệt của Thủ tướng. (Ản: TT)

 

“Vai trò của các tập đoàn, tổng công ty thể hiện rất rõ đóng góp tỉ trọng lớn trong GDP, giải quyết việc làm. Đặc biệt các tập đoàn, tổng công ty đã ứng dụng được khoa học kĩ thuật tiên tiến. Tuy nhiên, không thể phủ nhận, bên cạnh những tích cực đạt được các tập đoàn, tổng công ty của cả nước trong quá trình thí điểm đã bộc lộ những hạn chế, yếu kém trong quá trình tổ chức, đầu tư, quản lí, vận hành hoạt động của mình. Chính vì vậy VNPT như các công ty truyền thông cũng nằm trong đối tượng để tái cấu trúc trong thời gian tới.Bởi đây là quá trình tái cấu trúc rất quan trọng, góp phần tạo nên những “quả đấm thép” của Nhà nước trong điều kiện kinh tế thị trường, góp phần khẳng định vai trò của kinh tế nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Quá trình này cũng phải tuân theo lộ trình, không quá nhanh nhưng cũng không thể để chậm trễ” - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Trước thực trạng số lượng thuê bao di động ngày càng tăng nhưng cũng kéo hệ lụy là tình trạng sim rác ảnh hưởng đến đời sống người dân, gây lãng phí nguồn tài nguyên số, Bộ trưởng nhìn nhận: hiện Việt Nam có 88 triệu dân nhưng có tới 130 triệu thuê bao điện thoại, trong đó có 122 triệu là trả trước, 8 triệu là trả sau. Thực trạng này khá ngược so với thế giới, khi các nước quy định rất chặt chẽ, phức tạp về việc sở hữu sim trả trước. Để cạnh tranh và thu hút thuê bao, thị trường viễn thông đã diễn ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh khi nhà mạng thi nhau hạ giá, lách luật tạo mọi điều kiện để sim “ma” phát triển .

“Nhằm ngăn chặn nạn sim rác, Thông tư do Bộ TT- TT đã ban có hiệu lực từ 1/6 đã quy định rõ, tất cả mọi người muốn sử dụng dịch vụ sim trả trước phải có chứng minh thư nhân dân hoặc hộ chiếu và trong thời hạn 72h mà không kích hoạt thì sim sẽ bị khóa, nghiêm cấm sử dụng chứng minh thư của người khác để mua sim hoặc dùng chứng minh thư của mình mua sim cho người khác…Tuy nhiên, đến thời điểm này vẫn còn không ít nhà mạng và đại lí vi phạm quy định” - Bộ trưởng nói.