Nga có tuyên bố chấn động khi Mỹ tiếp tục viện trợ vũ khí cho Ukraine, cảnh báo việc Kiev bị phá hủy
Sau khi Tổng thống Trump cho biết Mỹ sẽ nối lại viện trợ quân sự cho Ukraine, Bộ Ngoại giao Nga đã lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ.
Vào ngày 9/7, Bộ Ngoại giao Nga đã lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ việc Mỹ tiếp tục viện trợ vũ khí cho Ukraine, cho rằng hành động này sẽ không làm thay đổi mục tiêu của chiến dịch quân sự đặc biệt mà chỉ củng cố thêm quyết tâm của Moscow.

Tại buổi họp báo, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nhấn mạnh: “Những quyết định như vậy sẽ không ảnh hưởng đến mục tiêu của chiến dịch quân sự đặc biệt, mà sẽ chỉ củng cố thêm mục tiêu phi quân sự hóa và phi phát xít hóa Ukraine của chúng tôi”.
Bà Zakharova cho rằng các chính phủ phương Tây đang che đậy hành động viện trợ vũ khí bằng tuyên bố ủng hộ độc lập và chủ quyền của Ukraine. Tuy nhiên, theo bà, thực tế những hành động đó đang “phá hủy Ukraine và cướp đi sinh mạng của người dân Ukraine”.
Tuyên bố cứng rắn từ Moscow được đưa ra trong bối cảnh Mỹ bất ngờ nối lại hoạt động chuyển giao vũ khí cho Kiev. Trước đó, Lầu Năm Góc thông báo tạm ngừng chuyển một số vũ khí quan trọng. Tuy nhiên, Tổng thống Trump sau đó lại xác nhận Mỹ sẽ tiếp tục viện trợ.
“Chúng tôi sẽ gửi thêm một số vũ khí. Chủ yếu là vũ khí phòng thủ. Chúng tôi buộc phải làm vậy. Họ cần có khả năng tự vệ. Họ đang bị tấn công rất dữ dội”, ông Trump phát biểu.

Một số nguồn tin cho biết Tổng thống Trump đã phê chuẩn việc nối lại viện trợ, bao gồm cả hệ thống phòng không Patriot (khí tài được đánh giá là có hiệu quả cao trong việc đánh chặn tên lửa của Nga).
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết nước này cần ít nhất 25 khẩu đội Patriot để bảo vệ không phận, trong khi hiện chỉ có 6 khẩu đội, trong đó 2 đang được sửa chữa.
Cùng với hệ thống Patriot, hai quan chức Mỹ giấu tên tiết lộ Washington đang chuyển giao thêm đạn pháo và tên lửa cho Ukraine, trong đó có đạn pháo 155mm và tên lửa dẫn đường GMLRS. Tuy nhiên, chi tiết về số lượng và thời điểm bàn giao không được công bố.
Kể từ khi xung đột nổ ra vào tháng 2/2022, Mỹ đã viện trợ quân sự hàng chục tỷ USD cho Ukraine. Tuy vậy, một số đồng minh của Tổng thống Trump trong Quốc hội vẫn bày tỏ nghi ngờ về việc tiếp tục hỗ trợ Kiev.

Trong khi đó, các nghị sĩ Dân chủ, một số nghị sĩ Cộng hòa và nhiều quốc gia châu Âu cảnh báo rằng việc Mỹ rút lui khỏi cam kết viện trợ có thể khiến Nga giành được lợi thế đáng kể trên chiến trường.
Động thái nối lại viện trợ diễn ra trong bối cảnh Nga đẩy mạnh các cuộc tấn công quy mô lớn nhằm vào thủ đô Kiev và nhiều thành phố khác của Ukraine. Giới phân tích nhận định các đòn tấn công này phản ánh sức mạnh quân sự gia tăng cũng như sự tự tin của Moscow về ưu thế chiến thuật.
Các đợt không kích liên tiếp của Nga đang đặt ra nhiều thách thức cho Ukraine, đặc biệt trong bối cảnh năng lực phòng không của nước này đang gặp hạn chế.