Nhịp sống số

Facebook, Google đang bán rẻ danh dự để quay lại Trung Quốc?

Facebook, Google đang bán rẻ danh dự để quay lại Trung Quốc?

Là đại diện cho ngành công nghệ của Mỹ, luôn đặt ra những nguyên tắc đề cao sự tự do và dân chủ. Nhưng dường như Google, Facebook đang dần từ bỏ những nguyên tắc này để tiếp cận Trung Quốc.

Tuyên ngôn của Google từ ngày đầu: "Don't be evil"

Trong giới công nghệ, có lẽ không có câu khẩu hiệu nào độc đáo như “Don’t be evil” của Google, có thể dịch là “đừng trở thành cái ác”. Câu nói này được Google đưa vào cáo bạch IPO năm 2004, và vẫn nằm trong tài liệu Quy tắc ứng xử của công ty cho tới tận tháng 5/2018.

Trong khoảng thời gian đó, nhiều lần Google đã hành xử đúng như những phát biểu của mình. Tháng 1/2010, sau 4 năm hoạt động tại Trung Quốc với các quy tắc kiểm duyệt gắt gao, họ tuyên bố sẽ không còn kiểm duyệt kết quả tìm kiếm nữa.

Chỉ vài tháng sau, dưới áp lực của chính quyền Trung Quốc, Google chính thức ngừng dịch vụ tìm kiếm tại nước này.

Google từng từ bỏ thị trường Trung Quốc với tiềm năng khổng lồ để giữ trọn giá trị của mình, nhưng đó là chuyện của quá khứ. Ảnh: Financial Times.

Đó là một bước đi ít người ngờ tới, bởi một thị trường với cả tỷ người dùng tiềm năng là quá hấp dẫn với bất kỳ công ty nào. Vào thời điểm đó, Google vẫn đang chiếm khoảng 30% thị phần quảng cáo trực tuyến tại Trung Quốc, theo số liệu từ Financial Times. Nhưng Google vẫn rút khỏi Trung Quốc, thể hiện đúng với những giá trị của họ.

Nhưng dưới sức ép phát triển thị trường cùng với việc các đối thủ như Facebook, Apple... liên tục ve vãn Trung Quốc, Google không thể mãi đứng nhìn. Thực tế, họ đã chấp nhận "nhúng chàm" với dự án bí mật mới.  

Dự án Dragonfly gây tranh cãi

8 năm sau, Google vẫn là công ty tìm kiếm hàng đầu nhưng giá trị đã tăng gần 6 lần. Trung Quốc vẫn được biết đến với "Vạn lý tường lửa" (great firewall), chặn và kiểm duyệt thông tin gắt gao hơn nhiều lần so với năm 2010.

Nhưng dường như Google của năm 2018 không còn giữ nguyên quan điểm với Trung Quốc. Họ đang thử nghiệm một công cụ tìm kiếm có sự thoả hiệp, tích hợp tính năng giúp chính phủ theo dõi công dân tại Trung Quốc.

8 năm sau khi chính thức rời Trung Quốc, Google đang tìm đường trở lại, với cách làm đi ngược lại các giá trị của mình.

Thông tin về công cụ tìm kiếm Dragonfly của Google chỉ bị lộ ra khi một nhân viên nằm trong kế hoạch tiết lộ cho tờ The Intercept. Được thiết kế cho smartphone chạy hệ điều hành Android, công cụ này có thể kiểm duyệt và loại bỏ những từ khóa như “nhân quyền”, “sinh viên biểu tình” hay “giải Nobel” trong tiếng Hoa. Các yêu cầu tìm kiếm về thời tiết và ô nhiễm cũng sẽ nhận được thông tin từ một nguồn tại Bắc Kinh.

The Intercept còn tiết lộ Google sẽ có một đối tác tại Trung Quốc, có nhiệm vụ cập nhật thường xuyên những từ khóa bị chặn. Không dừng lại ở đó, ứng dụng này còn có thể tiết lộ thông tin về số điện thoại và liên kết với lượt tìm kiếm được thực hiện. Cũng không ai biết những dữ liệu được Google lưu trữ tại Trung Quốc có thoát khỏi bàn tay của chính quyền hay không.

Dự án Dragonfly khiến nhiều người lo ngại Google sẽ trở thành một công cụ khác của Bắc Kinh để kiểm soát người dân của mình. Ảnh: Fortune.

Tất cả những thông tin trên đã làm dấy lên lo ngại về việc Dragonfly sẽ trở thành một công cụ giúp chính quyền Trung Quốc theo dõi người dân. Dù vậy, đứng trước những câu hỏi về Dragonfly, đại diện Google chỉ đưa ra những câu trả lời mang tính đối phó.

CEO Sundar Pichai, trong một cuộc họp nội bộ, khẳng định Google rất quan tâm tới thị trường Trung Quốc, nhưng kế hoạch trở lại với dịch vụ tìm kiếm thì “còn rất mơ hồ”. Những người phát ngôn của Google cũng chỉ trả lời báo chí rằng các nỗ lực đều “mang tính thăm dò”.

Thái độ của Google trước Trung Quốc khác hoàn toàn những gì họ thể hiện tại Mỹ. Cách đây 2 tuần, những lãnh đạo cấp cao của Twitter và Facebook đã có mặt tại phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ. Larry Page, CEO của công ty mẹ Alphabet được mời đích danh, nhưng ông từ chối. CEO Google cũng không hề xuất hiện.

Dù vậy, phản ứng của chính những nhân viên Google thì không mơ hồ chút nào. Khi thông tin về Dragonfly mới xuất hiện, khoảng 1.000 nhân viên đã lên tiếng phản đối. 7 kỹ sư của dự án này đã nghỉ việc vì bất đồng.

2 tuần trước, Larry Page lẫn Sundar Pichai đều từ chối xuất hiện trước Quốc hội Mỹ. Ảnh: Bloomberg.

Thực chất, Dragonfly không phải là nỗ lực duy nhất của Google để kết nối với thị trường Trung Quốc. Sau khi CEO Sundar Pichai nhận nhiệm vụ vào năm 2016, Google đã có nhiều hoạt động đầu tư, bao gồm cả việc mở một phòng nghiên cứu AI tại Bắc Kinh.

Nhiều người nhận định hoàn cảnh và cách nhìn của Sundar Pichai khác hẳn Larry Page hay Sergey Brin, do vậy vị CEO gốc Ấn Độ không nhìn thấy hi sinh các giá trị để trở lại Trung Quốc là một vấn đề lớn.

Có thể Google đang nỗ lực không chỉ để mang dịch vụ tìm kiếm trở lại Trung Quốc, mà còn giúp cho đất nước này trở nên tốt đẹp hơn bằng các công cụ của mình.

Thế nhưng, như nhận định trong một bài viết của The New York Times, công ty này dường như đang thất bại. Google đã cố gắng thay đổi Trung Quốc, nhưng cuối cùng lại đánh mất chính mình trước đất nước này.

Facebook hai mặt, ve vãn Trung Quốc không giấu diếm

Không như Google, Facebook được Mark Zuckerberg phát triển và lãnh đạo từ những ngày đầu. Tỷ phú trẻ tuổi này biết thừa sự quan trọng của số lượng người dùng, do đó Facebook vẫn luôn thèm muốn thị trường rộng lớn của Trung Quốc kể từ khi mạng xã hội bị chặn năm 2009.

Khác với những vị lãnh đạo Google, Mark Zuckerberg dường như chỉ nhìn Trung Quốc như một thị trường tiềm năng, không hề quan tâm đến các khía cạnh khác. Ảnh: Getty.

Có lẽ độ tuổi cũng như hoàn cảnh lớn lên của Mark rất khác Sergey Brin hay Larry Page, nên Facebook cũng không đề cao những giá trị tự do như Google.

Thứ duy nhất luôn ám ảnh Mark là sự tăng trưởng của Facebook, hay nói cách khác là làm thế nào để có nhiều người dùng hơn.

Facebook đã đạt sự tăng trưởng mạnh về số lượng người dùng trong nhiều năm qua, nhưng họ không đặt được chân vào Trung Quốc sau năm 2009. Không ngạc nhiên khi Mark Zuckerberg muốn trở lại đây.

Tuy nhiên, cách CEO Facebook “ve vãn” Trung Quốc trong gần 10 năm qua có phần tội nghiệp và khôi hài. Từ việc gợi ý Chủ tịch Tập Cận Bình đặt tên tiếng Trung cho con của mình và bị từ chối, phát biểu bằng tiếng Trung tại đại học Thanh Hoa đến chạy bộ tại Thiên An Môn...ý định của Mark Zuckerberg rất rõ ràng: Trung Quốc là giấc mơ của Facebook.

Năm 2016, Facebook thậm chí đã chấp nhận các chính sách kiểm duyệt của Trung Quốc, tạo ra một công cụ có thể chặn các nội dung gây tranh cãi tại một số khu vực nhất định. Sau đó, công cụ này không được triển khai, và Facebook vẫn bị chặn ở Trung Quốc.

Đến nỗ lực mở công ty con để “hỗ trợ khởi nghiệp” của Facebook cũng bị Trung Quốc từ chối. Ảnh: Getty.

Tới cuối tháng 7 vừa qua, Facebook tưởng như đã được trở lại Trung Quốc khi họ thành lập một công ty con ở đây. Nhưng chỉ sau 1 ngày, công ty này đã bị rút giấy phép, và “giấc mộng Trung Hoa” của Facebook tiếp tục bị trì hoãn.

Facebook "giữ giá” đến đâu?

Chưa khi nào giá trị, lòng tin và hình ảnh của Facebook bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến vậy. Đầu 2018, mạng xã hội này đối mặt với scandal Cambridge Analytica rò rỉ 87 triệu dữ liệu người dùng Facebook, kéo theo vụ đầu độc chính trị lớn nhất trong lịch sử, góp phần gây ảnh hưởng đến kết quả bầu cử Mỹ 2016. 

Khi đó, CEO Mark Zuckerberg phải ra điều trần trước Thượng viện và Hạ viện Mỹ, nhận lỗi trước truyền thông. Chưa hết, Facebook còn bị doạ phạt nhiều nơi trên thế giới vì không có trách nhiệm với dữ liệu của người dùng. Tất cả hành động đó không thể giấu được 1 điều cơ bản: hàng chục triệu dữ liệu người dùng đã rò rỉ không thể lấy lại. 

Scandal trên cùng với cáo buộc dung túng cho tin giả (fake news) lan tràn toàn cầu cùng với việc không thể kiểm soát các phát ngôn thù hằn, gây chia rẽ, xung đột ở Myanmar, đã kéo hình ảnh của Facebook xuống mức rất thấp. 

Trong phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ vừa qua, Giám đốc vận hành của Facebook đã được hỏi về cách hoạt động của công ty tại các quốc gia. Bà Sandberg khẳng định Facebook “chỉ hoạt động ở những quốc gia mà chúng tôi có thể giữ được những giá trị của mình”, kể cả tại Trung Quốc

Bà Sandberg khẳng định Facebook sẽ chỉ hoạt động nếu giữ được các giá trị, nhưng lời nói của bà dường như mâu thuẫn với hành động của Mark Zuckerberg khi liên tục ve vãn Trung Quốc. 

Tuyên bố của bà Sandberg dường như quá mâu thuẫn với cách thể hiện của Zuckerberg trước Trung Quốc. Phải chăng Trung Quốc của bà khác với Trung Quốc của Mark Zuckerberg? Hay những giám đốc của Facebook có thể đơn giản là nói một đằng, và hành động một nẻo? Hay giống như Google, những giá trị của Facebook giờ không còn quan trọng bằng thị trường, lợi nhuận?

Những câu hỏi này vốn không có lời giải. Facebook cho thấy hai bộ mặt rất khác nhau: tỏ ra công chính và đầy phẩm giá ở các phiên điều trần, nhưng sẵn sàng thoả hiệp ngầm ở Trung Quốc để có những lợi ích nhất định.

Đầu tháng 7/2018, trong vụ việc Facebook hiển thị bản đồ sai chủ quyền, gom Trường Sa và Hoàng Sa vào lãnh thổ Trung Quốc, Tiến sĩ Sarah Logan, Trường Luật Đại học New South Wales (Australia) cho rằng đó khó có thể xem là lỗi kỹ thuật. Facebook vẫn có thể bị nghi vấn do đang có những nỗ lực hợp tác với chính quyền Trung Quốc.

“Facebook có lợi ích kinh doanh tại Trung Quốc. Nếu họ có giấy phép cung cấp nội dung Internet (ICP) tại Trung Quốc, họ sẽ chịu sự tác động của luật an ninh mạng Trung Quốc. Thông qua hệ thống chấm điểm xã hội tại Trung Quốc, luật này có thể được sử dụng để tạo áp lực lên các công ty nước ngoài, thiết kế những bản đồ phù hợp với lợi ích nước họ”, bà Sarah Logan đặt nghi vấn.

Trở lại thị trường Trung Quốc, nơi những gã khổng lồ công nghệ như Tencent, Alibaba... ngự trị, Facebook và Google dường như rất khó để "giữ giá". Một cô gái không thể kiêu kỳ khi đang quyến rũ một người không hề quan tâm gì đến mình, khi đó, những chiêu trò và thủ đoạn sẽ xuất hiện.

Trung Quốc đã có sẵn các dịch vụ nội địa chiếm thị phần lớn, nhưng Facebook và Google vẫn tìm cách để trở lại. Ảnh: NYTimes.

"Facebook and Google want China, but China doesn’t want them" (Facebook và Google muốn Trung Quốc, nhưng Trung Quốc chẳng cần họ), tựa đề một bài viết gần nhất trên Tech In Asia đã phản ánh đúng tình trạng hiện tại của hai ông lớn công nghệ. 

Với hệ thống Great Firewall và sự lớn mạnh của các dịch vụ nội địa như WeChat, Weibo... Trung Quốc đã có một thế hệ trẻ lớn lên không cần Facebook, Google. Mọi nhu cầu thường nhật đều đã được các dịch vụ đó đáp ứng. 

"Người trẻ ở Trung Quốc biết rất ít về Google, Twitter hoặc Facebook. Điều này khiến Trung Quốc thành một nơi tách biệt so với thế giới. Những phần mềm và dịch vụ trực tuyến nội địa đã chiếm được cảm tình từ nhóm người trẻ. Họ gần như không quan tâm đến việc thông tin chịu sự kiểm duyệt", theo The New York Times.

Bản thân truyền thông Trung Quốc cũng có những thông điệp khá rõ ràng về tương lai của Google và Facebook ở thị trường tỷ dân. South China Morning Post cho rằng các ông lớn Mỹ không vào được Trung Quốc sẽ mất đi cơ hội xâu xé miếng bánh thương mại điện tử đang do Alibaba, Tencent hay những startup chuyên "bán rác" như Pinduoduo chiếm giữ.

Theo zing.vn

 

Mark Zuckerberg: 'Chưa thể cải tổ xong Facebook trong năm nay'

(Techz.vn) Trong bài chia sẻ mới nhất, CEO Facebook cho biết cần thêm thời gian để "sửa chữa" mạng xã hội lớn nhất thế giới.