Điện thoại

Cần hiểu thế nào về quy định thu hồi điện thoại và tablet tại VN?

Cần hiểu thế nào về quy định thu hồi điện thoại và tablet tại VN?

Mấy ngày trở lại đây, giới công nghệ tại Việt Nam đang truyền tay nhau thông tin về một quy định mới của Thủ tướng Chính phủ, theo đó toàn bộ smartphone và máy tính bảng hết hạn sử dụng tại Việt Nam sẽ bị thu hồi kể từ đầu năm sau. Thông tin này đã khiến nhiều người bất ngờ và băn khoăn về việc, đâu sẽ là đối tượng áp dụng của quy định này, và liệu khi đi vào hiệu lực, quy định này có ảnh hưởng gì đến những người sử dụng các sản phẩm công nghệ tại Việt Nam.

Nên hiểu sao cho đúng?

Theo tìm hiểu của Techz, dù mới rộ lên và nhận được sự quan tâm lớn của cộng đồng trong khoảng vài ngày trở lại đây, tuy nhiên đây hoàn toàn không phải là một quy định mới. Theo những thông tin được công bố trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ, quy định số 50/2013/QĐ-TTg về thu hồi và xử lý sản phẩm loại bỏ được ký duyệt và ban hành kể từ ngày 9/8/2013 và bắt đầu có hiệu lực kể từ thời điểm ngày 25/9/2013.

Quy định về việc loại bỏ các sản phẩm điện thoại di động và máy tính bảng hết hạn thu hút sự quan tâm chú ý lớn từ phía người dùng điện thoại tại Việt Nam (Ảnh: Internet)

Trong danh mục sản phẩm được liệt kê trong quy định này, bên cạnh điện thoại di động và máy tính bảng, còn có rất nhiều các sản phẩm khác cũng chịu sự áp dụng của quy định này như ắc quy, pin, máy vi tính, bóng đèn huỳnh quang, bóng đèn compact và các loại thiết bị điện tử gia dụng thông thường khác như tivi, tủ lạnh…

Đối tượng áp dụng của quy định này sẽ là các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu, người tiêu dùng và các tổ chức cá nhân liên quan đến hoạt động thu hồi và xử lý sản phẩm loại bỏ trên lãnh thổ Việt Nam.

Theo định nghĩa trong quy định, sản phẩm loại bỏ là sản phẩm đã hết hạn sử dụng hoặc sản phẩm đã bị thải loại ra sau quá trình lâu dài sử dụng. Thu hồi sản phẩm loại bỏ là việc doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu thu lại sản phẩm đã hết thời hạn sử dụng hoặc sản phẩm được thải ra sau quá trình sử dụng.

Danh mục các sản phẩm được áp dụng quy định này và thời điểm thu hồi, xử lý được chính phủ quy định (Nguồn: Cổng thông tin điện tử Chính phủ)

Như vậy có thể hiểu nôm na rằng quy định số 50/2013/QĐ-TTg về thu hồi và xử lý sản phẩm loại bỏ là một quy định được đưa ra nhằm ràng buộc về mặt pháp lý đối với các doanh nghiệp đang sản xuất và kinh doanh tại thị trường Việt Nam. Theo đó, các doanh nghiệp này sẽ phải có nghĩa vụ xử lý và thu hồi các sản phẩm đã quá hạn sử dụng và bị thải loại ra môi trường.

Các linh kiện có mặt trong rác thải điện tử thường có chứa hàm lượng chì, thiếc và các loại kim loại nặng khá cao. Khi được thải loại ra môi trường không qua xử lý, các chất kim loại nặng này sẽ có thể lẫn vào trong môi trường đất, nước và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người

Điều này là rất cần thiết bởi các linh kiện có mặt trong rác thải điện tử thường có chứa hàm lượng chì, thiếc và các loại kim loại nặng khá cao. Khi được thải loại ra môi trường không qua xử lý, các chất kim loại nặng này sẽ có thể lẫn vào trong môi trường đất, nước và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người, gây ra các bệnh về ung thư, tim mạch…

Với người tiêu dùng, bổn phận của người sử dụng các sản phẩm trên là phải chuyển giao các sản phẩm hết hạn sử dụng hoặc không còn giá trị sử dụng đến các địa điểm thu hồi để tiến hành tái chế và xử lý, trách việc xả thải trực tiếp ra môi trường.

Trong thực tế, người sử dụng không nên quá lo lắng về quy định này (Ảnh: Internet)

Điện thoại sẽ bị tịch thu? Người tiêu dùng có nên lo lắng?

Với những lo ngại về việc người tiêu dùng sẽ phải tiến hành giao nộp các thiết bị đã đến kỳ đáo hạn, điều này không cần phải quá bận tâm bởi các thiết bị điện tử phổ biến như điện thoại di động và máy tính bảng thường không có thời hạn sử dụng rõ ràng. Quy định về thời hạn sử dụng này có lẽ phù hợp hơn với các sản phẩm khác cũng nằm trong danh mục xử lý kể trên như các loại hóa chất, chất bảo vệ thực vật hay các dụng cụ dùng cho y tế…

Nếu chiếc điện thoại hay máy tính bảng của bạn vẫn đang sử dụng bình thường, sẽ chẳng có ai đến gõ cửa nhà và ép các bạn phải tiến hành tiêu hủy các thiết bị đó cả.

Do vậy, nếu chiếc điện thoại hay máy tính bảng của bạn vẫn đang sử dụng bình thường, sẽ chẳng có ai đến gõ cửa nhà và ép các bạn phải tiến hành tiêu hủy các thiết bị đó cả. Chỉ có điều, khi có ý định bỏ đi một sản phẩm điện tử, hóa chất hay các đồ dùng được làm từ hóa chất, hãy đem các sản phẩm đó đến những trung tâm thu hồi và xử lý của nhà sản xuất để họ tiến hành tiêu hủy và tái chế theo đúng quy định của nhà nước, tránh việc thải loại trực tiếp ra môi trường gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của những người xung quanh.

 

Từ 2015, sẽ thu hồi điện thoại, máy tính bảng hết hạn sử dụng

(Techz.vn) Quy trình thu hồi và thải bỏ này tại nước ta sẽ áp dụng trên điện thoại di động, máy tính, máy tính bảng,… sau đó tiến tới xe máy, ô tô và các thiết bị điện tử dân dụng khác.