Nhịp sống số

Bphone - 'cú tát mạnh' vào cộng đồng công nghệ Việt

Bphone - 'cú tát mạnh' vào cộng đồng công nghệ Việt

Với sự kiện chuẩn bị ra mắt Bphone, tập đoàn công nghệ Bkav đang tạo nên một cơn địa chấn lớn trong làng công nghệ Việt. Tất cả cùng phải háo hức, bởi kỳ vọng sẽ thấy được một giá trị siêu đỉnh, vượt mọi thành kiến cố hữu, khẳng định tầm vóc công nghệ sáng tạo Việt, như chính ông Nguyễn Tử Quảng, lãnh đạo Bkav từng thổ lộ.

Rất nhiều người đã phải nhận xét rằng, dù Bphone thế nào, thì khả năng lôi cuốn của sản phẩm cũng đã ở mức thượng thừa, khiến tất cả “mồm chữ A mắt chữ O” ngóng đợi. Phải chăng vì đây, là thành tựu đúc kết của vô vàn nhiều ước mơ ấp ủ, đam mê trong làng công nghệ số Việt Nam?

Vượt lên mọi dấu mốc?

Để trả lời câu hỏi này, có thể nhìn lại lịch sử định hình ngành công nghiệp công nghệ số Việt Nam nhiều năm qua, để thấy một thực cảnh không vui. Lấy mốc 1998, khi Internet chính thức khai mở, ngành công nghiệp công nghệ số đã manh nha phát triển. Đến nay, với rất nhiều thương hiệu đã hiện diện rồi có thể lụi tàn, các khía cạnh sản xuất, sáng tạo sản phẩm công nghệ Việt đã lần lượt được phô diễn.

Trong đó, mảng sản xuất chế tạo được xem là nhiều thách thức nhất, bởi rất nhiều áp lực khẳng định và cạnh tranh. Từ những chiếc tivi màn hình màu Tân Bình đầu tiên cho đến những bộ vi tính Thánh Gióng, rồi điện thoại Avi Vinaphone, máy tính bảng Rosa... nền công nghiệp công nghệ Việt đã có quá nhiều thăng trầm biến chuyển.

Nhưng, tất cả sản phẩm ấy, đều bị giới hạn bởi tầm nhìn “sau lưng người khác”. Đại diện tập đoàn Bkav nhìn nhận: “Người Việt mình có thói quen khiêm tốn gần như giả tạo. Mười cô hoa hậu muốn đi thi, thì cả 10 cô đều không dám trả lời em muốn tranh giải nhất, mà chỉ nói là dự thi để học hỏi, để giao lưu. Lựa chọn như thế làm sao quyết tâm hết sức được? Nên mọi cái chúng ta đã sản xuất, cứ thế bè bè, nhàn nhàn, tầm tầm”.

Sáng tạo Việt với quan điểm ấy, chưa bao giờ tự hào dám đặt trước thế giới câu hỏi “tôi là ai”. Khi bất kỳ sản phẩm, dịch vụ nào của người Việt đưa ra, cũng vấp phải sự dò xét, so sánh, rằng đã có ai làm vậy chưa. Nếu có, cộng đồng sẽ dè bỉu nhái theo, bắt chước. Nếu không, đám đông xác định là học đòi, chơi nổi. Tầm nhìn công nghệ Việt vì thế mãi đi sau những cái tên nước ngoài, luôn tôn vinh Mỹ - Nhật - Tây - Trung là nhất.

Bphone, vì thế đã là một mốc đánh dấu sự thay đổi trong tâm thế vị trí sáng tạo của con người Việt thời kỹ thuật số!

Một cú tát “big thing”!

Ông Nguyễn Tử Quảng, lãnh đạo Bkav khi đặt câu chuyện sản xuất điện thoại di động ra với tập thể Bkav, đã nhấn mạnh rằng doanh nghiệp sẽ đối mặt rất nhiều thử thách và... lên án. Vì với hướng đi khác biệt này, lần đầu tiên sản xuất sản phẩm cụ thể chứ không còn là phần mềm hay dịch vụ nữa, Bkav phải gánh chịu rất nhiều búa rìu. Thậm chí có người nhìn nhận tập thể này... bất bình thường.

Nhưng, sau những gì đúc kết và suy nghĩ, cọ xát thực tiễn, Bkav cần một cách làm mới. Đó là điều kiện cần thiết để tập đoàn này thay đổi, theo kịp làn sóng công nghệ thế giới tương lai. Phải làm ra sản phẩm vượt trên tầm nhìn ngắn hạn cố hữu của người Việt. Phải làm ra một đỉnh cao công nghệ sáng tạo mà người Việt có thể chứng minh. Phải phát kiến nên một giá trị “big thing” cho sức mạnh công nghệ nước nhà.

Đó là những điều tâm huyết mà đội ngũ Bkav đã xác lập khi bắt tay vào dự án sản xuất điện thoại di động thông minh Bphone.

“Chúng tôi không so sánh mình với iPhone, như người ta nói. Vì đó là sản phẩm đã có giá trị, đúng thế. Nhưng nhìn góc cạnh khác, đó là sản phẩm đã có, và đầy lỗi. Khi iPhone ra 1 phiên bản mới, ai cũng thấy nó có quá nhiều tệ hại, chê bai không tiếc lời. Nhưng rồi ai cũng ca ngợi, vì tự nghĩ không đủ tầm với tới iPhone. Hóa ra người Việt không giỏi như người Mỹ, công nghệ Việt không thể có sản phẩm hơn iPhone? Nếu cứ nghĩ thế, Apple đã không bao giờ có trên đời.

Nếu cứ ngồi vào ghế thấp lùn, thì Samsung làm sao soán ngôi sản lượng bán ra với Apple? Còn người Việt Nam thì cứ hèn kém và bạc nhược, không dám làm ra cái điện thoại ưng ý cho mình mà chỉ đi crack, unlock, ăn trộm điện thoại nước ngoài về bán giá cắt cổ lại cho nhau và tự hào khoe mình xài đồ đỉnh cao “xách tay”? Bkav muốn chấm dứt những hành động ấy, thì phải tiên phong tạo nên một sản phẩm “của Việt Nam, của chúng tôi và phải nhất thế giới”. Đại diện Bkav nói.

Nhất thế giới ở đây, theo Bkav, không phải là không ai hơn, mà là ý thức tạo nên sự khác biệt, cho chính... dân tộc mình. Khi mà, những quan điểm sản xuất cũ, chỉ dừng lại ở tầm trung giá rẻ, thuê gia công nước ngoài, học mẫu mã đa quốc gia, không dám nói “tôi tự làm ra”, thì Bkav tuyên bố đã có sản phẩm không kém gì các đỉnh cao công nghệ khác, dĩ nhiên đó là sự trái khoáy, một “cái tát” vào chính những tư duy quanh quẩn và sáo mòn.

Chả ai thích “bị tát” cả. Nhưng quả thật cộng đồng công nghệ Việt đang rất cần nhận được cái “tát cho tỉnh”. Rằng dòng giống Lạc Hồng không thể cứ đi dùng đồ ăn cắp, con cháu vua Hùng không thể lẹt đẹt bám theo người ta. Tự động viên mình cố lên, tự vượt qua cái ải tư duy mê muội, thì bị xem là ngạo mạn lố bịch; và khi tự thực lực cũng đã làm được cái giá trị nổi trội, lại bị xem là cuồng mê hoang tưởng; đó là những gì Bkav đang đối mặt ở sản phẩm Bphone.

Nhưng tập thể này đã nói, chúng tôi là người Việt Nam, chúng tôi tạo nên đỉnh cao cho công nghệ Việt Nam, thì có gì đáng xấu hổ? Hay người Việt chúng ta bất chấp tất cả, đi ăn cắp iPhone, bớt xén linh kiện Samsung, nhại sân bay Hồng Kông... thì mới là tự hào dân tộc? Và Bphone có thật sự đáng được nhìn nhận hay không, hãy để ngày 26/5 sẽ đến làm thời điểm chứng minh. Thành công nếu có của Bphone, là một cái “tát cho tỉnh”, thế thôi!

Theo: Gamen.vn

 

Bkav Bphone: Bomb-phone hay Big-phone?

(Techz.vn) Sau nhiều lần ‘số một thế giới’, không ít ý kiến cho rằng Bphone sẽ lại chỉ là một ‘quả bom’ khác của Bkav và Chủ tịch Nguyễn Tử Quảng. Nhưng trên thực tế, đây cũng là sản phẩm nhận được không ít sự tin tưởng cũng như kỳ vọng từ người tiêu dùng Việt Nam.