Nhịp sống số

ASEAN sẽ miễn phí roaming giữa các thành viên

ASEAN sẽ miễn phí roaming giữa các thành viên

Bộ trưởng CNTT và Truyền thông các nước ASEAN đang thảo luận về chính sách miễn cước chuyển vùng (roaming), để tạo điều kiện thuận lợi cho liên lạc qua vệ tinh và thoại.

 

 

 Chính sách này có thể mở rộng áp dụng cho các dịch vụ kết nối khác trong khu vực. “Các Bộ trưởng đã thống nhất về nguyên tắc. Chúng tôi hiện đang thảo luận về vấn đề kĩ thuật, đặc biệt về các nhà mạng”, Bộ trưởng CNTT và Truyền thông Indonesia Tifatul Sembiring phát biểu tại Bali (Indonesia).

“Mục tiêu là công dân ASEAN không cần phải trả phí chuyển vùng, khi thực hiện cuộc gọi trong phạm vi các nước ASEAN nữa”, ông nói thêm. Theo Bộ trưởng, chính sách sẽ làm lợi cho người dân ASEAN nhờ chi phí liên lạc rẻ hơn.

Giảm cước chuyển vùng sẽ làm lợi cho người dân ASEAN - Ảnh minh họa.

Tháo gỡ rào cản về phí chuyển vùng là vấn đề được đặt ra từ khá lâu và cũng được ông Sembiring nhắc tới, trong một sự kiện hồi năm 2012. Vào thời điểm đó, ông hi vọng phí chuyển vùng có thể bị xóa bỏ trong “hai năm tới”, tức là năm 2014. Tuy nhiên, đại diện nhà mạng StarHub (Singapore) cho rằng, còn quá sớm để đánh giá tính khả thi của đề nghị này và “chưa có tiền lệ về việc miễn phí cước chuyển vùng trên thế giới”. Đồng tình với quan điểm của StarHub, Markus Steingrover – Giám đốc hãng nghiên cứu Detecon Châu Á – Thái Bình Dương chia sẻ, mục tiêu như vậy là “quá tham vọng”, ngay cả những nước châu Âu cũng chưa đưa ra yêu cầu nào như vậy.

Còn theo Nicole McCormick, nhà phân tích cao cấp tại hãng nghiên cứu Ovum, dù lý thuyết về khu vực ASEAN miễn cước roaming đáng hoan nghênh, thực tế phải mất nhiều năm mới có thể hiện thực hóa. Úc và New Zealand đã nhiều năm thảo luận về vấn đề tương tự song tới giờ vẫn chưa thành công.

Nhà mạng Telkom Indonesia tỏ ra lạc quan hơn, khi bày tỏ một khu vực miễn phí cước chuyển vùng có thể được tạo ra, song cần thêm thời gian vì liên quan tới nhiều bên như nhà mạng trong nước, nhà mạng quốc tế và luật pháp. Điều đó chỉ hoàn thành, một khi chính phủ các nước giải quyết được các vấn đề kĩ thuật nổi bật.

Một trong những khu vực tiên phong trong giảm, miễn cước chuyển vùng trong khu vực là Liên minh châu Âu (EU). EU đã thực thi nhiều chính sách nhằm đạt được mục tiêu hạ thấp mức cước chuyển vùng khu vực, ngang bằng phí chuyển vùng nội địa kể từ năm 2005.

Luật pháp EU buộc các nhà mạng phải giảm cả cước bán buôn lẫn bán lẻ, sau khi những yêu cầu và hô hào của nhà chức trách bị bỏ qua. Mới đây nhất, từ 1/7/2013, EU điều chỉnh cước gọi điện thoại quốc tế giảm ít nhất 17% một phút, trong khi phí nhận cuộc gọi giảm 12% một phút, phí gửi tin nhắn giảm 11%. Ngoài ra, sớm nhất từ 1/7/2014, việc hủy bỏ phí roaming trên toàn châu Âu sẽ có hiệu lực, dù một số nhà quan sát cho rằng phải tới năm 2015 hay thậm chí là năm 2017, chính sách mới được giải quyết triệt để.

Nhưng cũng rất khó để dự án này thành hiện thực

Những gì EU đang làm có thể áp dụng tại Đông Nam Á, nếu mỗi thành viên trong khu vực thêm vào khung thời gian định trước vào luật. Mỗi nhà mạng phải tuân thủ theo lộ trình cắt giảm cước chuyển vùng trong từng năm.

Thực tế, các nhà mạng ít có động lực để miễn phí cước chuyển vùng, vì đây là nguồn thu to lớn. Tuy nhiên, phí chuyển vùng giảm, lại tạo hiệu ứng tích cực như đẩy lượng sử dụng dữ liệu lên cao. Hiện tại, người dùng có xu hướng tắt các tính năng chuyển vùng dữ liệu và di động khi ra nước ngoài để tránh bị “sốc” hóa đơn điện thoại. Với mức phí giảm, mọi người có khuynh hướng sử dụng dịch vụ dữ liệu nhiều hơn, là cơ hội giúp nhà mạng tăng doanh thu.

Mời bạn đọc thêm: Thực hư quanh chuyện nhà mạng Việt Nam chặn Google mở đường cho Cốc cốc

 

Công Thành