Blog công nghệ

Những điều cần biết về NFC Tag

Những điều cần biết về NFC Tag

Với những ưu điểm là giá rẻ và hỗ trợ nhiều ứng dụng khác nhau, thẻ NFC ra đời với mục đích giúp cuộc sống trở nên thuận tiện và đễ dàng hơn.

Hiện nay, công nghệ giao tiếp tầm ngắn NFC đã trở nên phổ biến hơn rất nhiều và được áp dụng trên hầu hết các smartphone đời mới. Công nghệ NFC có thể sử dụng hữu hiệu trong việc hỗ trợ thanh toán các giao dịch bán lẻ, trao đổi thông tin và những hình thức trao đổi kĩ thuật số khác. Các thẻ có thể lưu trữ phạm vi rộng các thông tin từ một văn bản ngắn, địa chỉ, danh bạ cho đến các ứng dụng trên Play store chẳng hạn. Và để tìm hiểu sâu hơn về cách thức hoạt động cũng như những ưu điểm của thẻ NFC, Techz xin gửi đến bạn đọc một số thông tin hữu ích về công nghệ này.

NFC là gì ?

NFC (Near-Field Communications) là công nghệ kết nối không dây phạm vi tầm ngắn trong khoảng cách 4 cm, sử dụng cảm ứng từ trường để thực hiện kết nối giữa các thiết bị khi có sự tiếp xúc trực tiếp hay để gần nhau. NFC được phát triển dựa trên nguyên lý nhận dạng bằng tín hiệu tần số vô tuyến (Radio-frequency identification - RFID), hoạt động ở dải băng tần 13.56 MHz và tốc độ truyền tải dữ liệu tối đa 424 Kbps.

Do khoảng cách truyền dữ liệu khá ngắn nên giao dịch qua công nghệ NFC được xem là an toàn.Thiết bị được trang bị NFC thường là điện thoại di động, có thể giao tiếp với các thẻ thông minh, đầu đọc thẻ hoặc thiết bị NFC tương thích khác. Ngoài ra, NFC còn được kết hợp nhiều công nghệ sử dụng trong các hệ thống công cộng như bán vé, thanh toán hóa đơn…

Thẻ NFC hoạt động như thế nào ?

Thẻ NFC được xem là thiết bị thụ động, có nghĩa là chúng không cần một nguồn cung cấp năng lượng nào cho riêng mình mà dựa vào một thiết bị đang hoạt động trước khi chúng được kích hoạt như một chiếc smartphone chẳng hạn. Để NFC hoạt động, chúng ta buộc phải có 2 thiết bị, 1 là thiết bị khởi tạo (initiator) và thiết bị thứ 2 là mục tiêu (target). Bí mật của NFC nằm ở đây, initiator sẽ chủ động tạo ra những trường sóng radio (bản chất là bức xạ điện từ) đủ để cung cấp năng lượng cho target vốn hoạt động ở chế độ bị động. Target của NFC sẽ không cần điện năng, năng lượng để nó hoạt động lấy từ thiết bị initiator. Điều này rất giống với các kỹ thuật sử dụng cho công nghệ sạc không dây chẳng hạn như Qi hoặc A4WP.

Cấu tạo vô cùng đơn giản của thẻ NFC

Các thiết bị khởi tạo như điện thoại thông minh có nhiệm vụ tạo ra từ trường. Từ trường được tạo ra từ một cuộn dây và có phương vuông góc với dòng điện trong dây dẫn. Độ lớn của từ trường có thể được điều chỉnh bằng cách thay đổi số vòng trong cuộn dây đó hoặc tăng dòng điện chạy qua dây dẫn. Chúng ta vẫn có thể dùng giao tiếp này cho một khoảng cách xa hơn nhưng sẽ rất tốn năng lượng, điều đó không hề tốt chút nào cho một thiết bị di động, và NFC chỉ cho phép hoạt động trên một khoảng cách rất ngắn cũng vì lý do này. Các thiết bị mục tiêu cũng hoạt động giống như các thiết bị khởi tạo nhưng là ngược lại. Các mạch trong hai thiết bị đều được điều chỉnh phù hợp với một tần số nhất định làm tăng độ nhạy và cho phép chuyển giao năng lượng tối đa qua không khí giúp cho dữ liệu được bảo toàn.

Phân loại thẻ NFC

Thẻ NFC giao tiếp bằng các sử dụng tiêu chuẩn không dây ISO 14443 loại A và B, đây là 2 tiêu chuẩn không dây dành cho thẻ thông minh không tiếp xúc (Contactless Smartcard) được sử dụng trên nhiều hệ thống giao thông công cộng ở nước ngoài (tuy nhiên ở Việt Nam những thiết bị như thế này vẫn đang còn rất hạn chế). Đây là lý do tại sao các thiết bị NFC có thể được sử dụng chung với nhiều công nghệ không tiếp xúc hiện tại chẳng hạn như như điểm thanh toán thẻ.

NFC có nhiều loại thẻ khác nhau, cung cấp nhiều mức độ lưu trữ và tốc độ truyền khác nhau. Các loại thẻ 1 và 2 đi kèm với sức tải chỉ 48 byte đến cao nhất là 2 KB dữ liệu và có thể truyền thông tin với tốc độ chỉ 106 kbit/s. Mặc dù có vẻ như khá nhỏ so với thẻ nhớ của bạn nhưng đó là dung lượng vừa đủ để chứa dữ liệu cho một số thông tin đơn giản chẳng hạn như một URL của trang Web, và đó là một trong những thẻ NFC cơ bản nhất. Bạn có thể tái sử dụng những thẻ này khi bạn muốn thay đổi dữ liệu trên nó.

Thẻ NFC có thể chứa URL một trang Web để người dùng có thể truy cập nhanh

Loại 3 sử dụng một tiêu chuẩn khác đó là Sony Felica có thể truyền dữ liệu nhanh hơn một chút là 212kbit/s nhưng dung lượng không thay đổi so với loại 2 nhưng thật tiếc những thông tin trên loại 3 không thể thay thế được. Loại 4 cũng vậy. thông tin trên nó chỉ dùng để đọc nhưng lại có một dung lượng lên đến 32 Kb và tốc độ truyền linh động từ 106 kbit/s đến tối đa là 424 kbit/s. Thẻ loại 4 làm việc với cả 2 loại A và B của tiêu chuẩn ISO 14443.

Rẻ mà hiệu quả

Có lẽ đây là lợi thế của NFC so với công nghệ giao tiếp khác, các thẻ NFC có giá cực rẻ để triển khai duy trì nhưng lại có thể sử dụng với nhiều ứng dụng khác nhau. Với các thành phần cấu tạo mạch đơn giản, các thẻ NFC được sản xuất hàng loại với một chi phí rất thấp.

NFC Tag được sản xuất rất nhiều với chi phí rất rẻ 

Bên cạnh chi phí thấp, NFC còn giúp bạn giao tiếp với các thiết bị thông minh khác nhau một cách nhanh chóng. Từ ứng dụng khởi chạy, trao đổi địa chỉ Web, mua vé cũng như xem thông tin cần biết về một địa điểm nào đó hay lấy thông tin từ một poster trên tường bằng một cú chạm nhẹ. NFC ra đời nhằm giúp cuộc sống trở nên tiện nghi hơn bằng cách sử dụng chính chiếc điện thoại của bạn. Và đừng ngạc nhiên nếu trong vài năm tới Giao tiếp trường ngắn trở nên thông dụng và các thẻ NFC sẽ tràn ngập những con phố.

Đọc thêm : NFC - Công Nghệ Cho Một Thế Giới Hiện Đại

Tuấn Việt