Vụ lật tàu du lịch đau thương ở vịnh Hạ Long, Quảng Ninh: 'Trách nhiệm không thể chìm theo xác tàu'
4 nạn nhân trong vụ lật tàu ở Quảng Ninh vẫn chưa tìm thấy tung tích. Nhiều người đặt ra câu hỏi, sau khi câu chuyện đau lòng này kết thúc, trách nhiệm pháp lý thuộc về ai?
12h55 chiều ngày 19/7, con tàu du lịch Vịnh Xanh 58 (QN-7105) rời cảng Tuần Châu (Quảng Ninh), chở theo 49 người bao gồm 46 hành khách và 3 thuyền viên thực hiện hành trình tham quan tuyến số 2 trên vịnh Hạ Long.
Đến 13h30 cùng ngày, chiếc tàu bất ngờ gặp giông gió mạnh và sau đó bị lật úp. Lúc này, phần lớn bị mắc kẹt trong cabin hoặc khoang máy. Một số người còn lại may mắn kịp mặc áo phao và nhảy xuống biển. Vào lúc 14h05, tàu mất tín hiệu định vị, đánh dấu thời điểm xảy ra tai nạn.
Cơ quan chức năng có mặt tại hiện trường
Khi nhận được thông tin, công tác cứu hộ, cứu nạn sau đó được triển khai khẩn trương với sự tham gia của gần 1.000 người thuộc các lực lượng vũ trang và hơn 500 ngư dân địa phương. Đến chiều 20/7, theo ghi nhận có 35 người thiệt mạng, 4 người mất tích và chỉ 10 người sống sót. Chiếc tàu bị nạn đã được trục vớt, lai dắt về cảng Cái Lân phục vụ điều tra.
Được biết, chiếc tàu Vịnh Xanh 58 có số đăng ký QN-7105 với công dụng là tàu du lịch. Tàu được đăng kiểm lần gần nhất vào ngày 10/1/2025 tại Trạm Đăng kiểm phương tiện thủy nội địa Sở GTVT Quảng Ninh. Tàu có hạn đăng kiểm đến ngày 4/2/2026.
Trách nhiệm không thể chìm theo xác tàu
Theo thông tin từ báo Kinh tế & Đô thị, trợ lý Luật sư trưởng Phạm Thị Thúy Nga - Hãng luật MKLaw nhận định: "Trách nhiệm pháp lý trong vụ việc này không thể dừng lại ở việc chia buồn. Vụ án này cần được khởi tố để làm rõ các dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng pháp luật hình sự, dân sự và hành chính - nếu có".
Theo bà Nga, vụ lật tàu ở vịnh Hạ long có dấu hiệu tội phạm hình sự dù thuyền trưởng đã tử vong. Cụ thể, theo Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2025), hành vi điều khiển phương tiện giao thông đường thủy mà vi phạm quy định an toàn, gây hậu quả nghiêm trọng có thể cấu thành tội phạm.
Lật lại thông tin, các nạn nhân sống xót cho biết, lúc thấy mưa giông nhiều hành khác đã nhiều lần đề nghị quay về nhưng ông Đoàn Văn Trinh (trú tại phường Hà An, thị xã Quảng Yên (cũ), tỉnh Quảng Ninh) - là thuyền trưởng, đồng thời là chủ tàu vẫn quyết định tiếp tục tiến về địa điểm tham quan. Nếu sự thật đúng như vậy thì đây là quyết định mang tính chủ quan, dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Mặt khác, dù tàu có thể đã trang bị áo phao, nhưng câu hỏi pháp lý quan trọng đặt ra: vì sao hành khách không được yêu cầu mặc áo phao? Ai chịu trách nhiệm khi không triển khai quy trình an toàn cơ bản trong điều kiện rủi ro cao?
Cơ quan điều tra vẫn cần khởi tố vụ án để làm rõ trách nhiệm hình sự của các bên liên quan (nếu có). Việc điều tra cần tập trung vào các dấu hiệu vi phạm sau: trách nhiệm của đơn vị quản lý cảng Tuần Châu, nếu để tàu rời bến mà không có hệ thống cảnh báo thời tiết cập nhật theo thời gian thực; trách nhiệm của cơ quan cấp phép, nếu có hành vi buông lỏng trong công tác kiểm tra an toàn kỹ thuật của phương tiện trước khi cho xuất bến; hành vi hợp thức hóa hồ sơ hoặc sai phạm trong hồ sơ đăng kiểm, nếu có dấu hiệu làm giả, gian lận hoặc bỏ qua các tiêu chuẩn kỹ thuật.

Về trách nhiệm dân sự, bao gồm quyền khởi kiện của nạn nhân và thân nhân, bà Phạm Thị Thúy Nga cho hay, theo Điều 584 và 591 Bộ luật Dân sự 2015, gia đình các nạn nhân có quyền khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại gồm: chi phí mai táng, tổn thất tinh thần, cấp dưỡng người phụ thuộc và bồi thường sức khỏe với người bị thương.
Dù người gây thiệt hại đã tử vong, nghĩa vụ bồi thường không chấm dứt mà có thể được chuyển giao cho người thừa kế hoặc doanh nghiệp bảo hiểm nếu có hợp đồng bảo hiểm dân sự liên quan.
Trong trường hợp chủ tàu không có khả năng bồi thường, chính quyền có thể hỗ trợ thông qua các quỹ phòng chống thiên tai hoặc chính sách nhân đạo - nhưng đây là chính sách an sinh, không thể thay thế trách nhiệm dân sự.
Bảo hiểm trách nhiệm dân sự: quy định bắt buộc, không thể bỏ qua
Bà Phạm Thị Thúy Nga cho biết, theo Luật Giao thông đường thủy nội địa năm 2004 (sửa đổi, bổ sung 2014), tàu chở khách bắt buộc phải tham gia bảo hiểm trách nhiệm dân sự đối với hành khách. Nếu tàu Vịnh Xanh 58 không có loại bảo hiểm này, đây là vi phạm pháp luật nghiêm trọng.
Bà Nga khẳng định: "Không thể dùng sự chia sẻ xã hội để thay thế trách nhiệm pháp lý đã được luật định". Mặc dù hiện tại các cấp chính quyền, doanh nghiệp, đoàn thể đã hỗ trợ tài chính, miễn viện phí cho nạn nhân,
Ngoài ra, để ngăn chặn những thảm họa tương tự, luật sư Phạm Thị Thúy Nga kiến nghị cần thiết lập một cơ chế ứng phó chủ động và phòng ngừa hiệu quả hơn, cụ thể như: liên thông dữ liệu thời tiết - cảng vụ - đơn vị điều hành tàu; bắt buộc thuyền viên phải hướng dẫn hành khách mặc áo phao khi lên tàu; tăng cường kiểm tra đột xuất tàu du lịch, nhất là trong mùa mưa bão; chuẩn hóa quy trình ứng cứu, thoát hiểm, huấn luyện bắt buộc cho toàn bộ nhân viên.

Tai nạn của tàu Vịnh Xanh 58 không phải là tai nạn đơn lẻ - mà là minh chứng đau xót cho hậu quả của sự chủ quan, lỏng lẻo trong quản lý và thiếu hụt ý thức pháp lý. "Trách nhiệm pháp lý - nếu có - không thể bị nhấn chìm theo con tàu, cũng không thể lặng sóng trong nước mắt của người thân các nạn nhân", bà Phạm Thị Thúy Nga nhấn mạnh.
Trong ngành du lịch đường thủy, nơi mỗi chuyến đi là cuộc hành trình mang theo sinh mạng con người, thì mọi quyết định sai lầm giữa giông bão đều có thể là dấu chấm hết cho một cuộc đời. Nếu bạn là du khách, đừng ngần ngại yêu cầu được phát áo phao, được hướng dẫn thoát hiểm. Nếu bạn là người tổ chức tour, hãy nhớ rằng mỗi hành khách là một sinh mạng - không có lý do nào để đánh đổi.