Đời sống

Hình ảnh hiện trường tan hoang sau ảnh hưởng của bão Wipha: Nhà tốc mái, cây cổ thụ bật gốc

Ảnh hưởng hoàn lưu bão số 3 (bão Wipha) đã gây ra mưa dông diện rộng tại nhiều tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), làm sập và tốc mái hàng trăm căn nhà, phá hủy hoa màu, cây ăn trái của người dân. Tổng thiệt hại tài sản ước tính hơn 4,6 tỷ đồng.

Theo báo cáo ngày 22/7 từ Chi cục Thủy lợi tỉnh An Giang, chỉ trong hai ngày 20 và 21/7, dông lốc đã làm hư hại 99 căn nhà tại 22 xã, phường, đặc khu trong tỉnh. Trong đó, 11 căn bị sập hoàn toàn, 88 căn bị tốc mái. Xã Nhơn Mỹ là địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất với 19 căn nhà hư hỏng, kế đến là xã Tân Hiệp với 10 căn.

Hình ảnh ngôi nhà bị đổ sập tại An Giang. Ảnh: Báo Dân trsi 

Đáng chú ý, tại Đặc khu Phú Quốc, một tàu cá đã bị chìm do dông lốc, gây thiệt hại tài sản ước tính ban đầu khoảng 3,6 tỷ đồng. Tại Đồng Tháp, Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh cho biết, trong hai ngày qua, dông lốc khiến 26 căn nhà và một chuồng trại bị hư hại. Trong số này, có một căn nhà bị sập hoàn toàn, 25 căn còn lại bị tốc mái.

Ngoài ra, tại xã Phú Hựu và xã Tân Nhuận Đông, khoảng 6 ha cây ăn trái của 15 hộ dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhiều trụ điện bị gãy đổ, thiệt hại ước tính khoảng 600 triệu đồng.

Ảnh hưởng của mưa bão khiến cây cối đổ rạp 

Riêng tại TP Cần Thơ, mưa dông trong hai ngày 20 và 21/7 đã gây hư hại nhiều nhà dân và đường dây điện 220kV. Báo cáo cho biết có 27 hộ dân bị ảnh hưởng, trong đó 1 căn nhà sập hoàn toàn, 26 căn khác bị tốc mái hoặc hư hỏng một phần. Hai người bị thương nhẹ, tổng thiệt hại gần 400 triệu đồng.

Thông tin mới về bão Wipha: Đang tiến gần về Thanh Hoá, sẽ suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
Ảnh: Hệ thống giám sát thiên tai

Hiện các địa phương đã huy động lực lượng phòng chống thiên tai hỗ trợ người dân chằng chống, dựng lại nhà cửa. UBND các tỉnh, thành cùng Ban chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn đã trực tiếp xuống hiện trường để thăm hỏi và chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả. Các đội xung kích vẫn đang túc trực 24/24 để sẵn sàng ứng phó với diễn biến thời tiết bất thường.