Tỉnh duy nhất Việt Nam chưa từng sáp nhập, đổi tên hàng trăm năm qua, nơi sản sinh nhiều bậc minh quân
Đây được xem là vùng đất địa linh nhân kiệt, hàng trăm năm qua đã sản sinh ra nhiều bậc minh quân, anh hùng dân tộc, nơi phát tích của các triều đại lớn trong lịch sử.
Ngày 12/6, Quốc hội thông qua Nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành chính và các đơn vị hành chính mới đã chính thức đi vào hoạt động từ 1/7/2025.
Trước thời điểm sáp nhập này, Việt Nam có 2 tỉnh được thành lập từ thời phong kiến, chưa từng được sáp nhập hoặc chia tách đó là Thái Bình và Thanh Hóa.
Song, sau khi sắp xếp lại đơn vị hành chính, Thái Bình được sáp nhập với Hưng Yên và thành tỉnh Hưng Yên (mới).
Như vậy, hiện nay chỉ còn Thanh Hóa là tỉnh chưa từng được sáp nhập, đổi tên hàng trăm năm qua.
Thanh Hóa có diện tích lớn thứ 5 Việt Nam trước khi sáp nhập tỉnh.
Theo Cổng thông tin điện tử tỉnh Thanh Hóa, từ đầu triều đại nhà Lý 1009 đến 1028, lúc đầu Lý Thái tổ đặt tên gọi Thanh Hóa ngày nay là Trại Ái Châu.
Năm 1029, dưới triều vua Lý Thái Tông, năm Thiên Thành thứ hai đặt tên Phủ Thanh Hóa. Từ đó các triều đại tiếp theo lúc gọi phủ, lúc gọi lộ, lúc gọi trấn và gọi là tỉnh Thanh Hóa vào thời nhà Nguyễn.
Tên Hóa có lúc lại đổi thành Hoa, rồi lại trở lại Hóa; đến đời vua Thiệu Trị, triều đại nhà Nguyễn (1841), nhà vua có một chỉ dụ đại ý nói: Thanh Hóa là một tên cổ, do các triều đại trước đã định danh, vì vậy không có lý do gì đổi tên này, mà phải giữ nguyên tên gọi tỉnh Thanh Hóa.
Thanh Hóa được mệnh danh là "quê vua, đất chúa" vì đây là nơi sản sinh ra nhiều vị vua nhất trong lịch sử Việt Nam, bao gồm 44 vị vua từ 4 triều đại: Nhà Tiền Lê (2 vị), Nhà Hồ (2 vị), Nhà Hậu Lê (27 vị) và Nhà Nguyễn (13 vị), cùng với hai dòng chúa Trịnh và chúa Nguyễn.
Tượng đài anh hùng dân tộc Lê Lợi ở Thanh Hóa.
Thanh Hóa có lịch sử lâu dài và phong phú, là nơi lưu giữ nhiều di tích gắn liền với các triều đại phong kiến Việt Nam, mang đậm giá trị văn hóa, lịch sử và kiến trúc nghệ thuật như: Di sản Văn hóa thế giới Thành nhà Hồ, Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt Lam Kinh, Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt đền Bà Triệu…
Sau sắp xếp đơn vị hành chính, tỉnh Thanh Hóa có 166 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 147 xã và 19 phường. Trong đó có 126 xã, 19 phường hình thành sau sắp xếp và 21 xã không thực hiện sắp xếp.