Người đàn ông bị cáo buộc sàm sỡ sau khi cứu một cô gái thoát khỏi cơn nguy kịch ngay giữa phố
Sau khi cứu một cô gái thoát khỏi cơn nguy kịch, người đàn ông vấp phải không ít lời chỉ trích từ cư dân mạng.
Vào ngày 12/7, một phụ nữ sống tại thành phố Hành Dương, tỉnh Hồ Nam (Trung Quốc) bất ngờ ngất xỉu khi đang đi trên đường. Ngay khi phát hiện sự việc, một người đàn ông họ Đặng đã nhanh chóng áp dụng phương pháp ép tim ngoài lồng ngực để sơ cứu cho nạn nhân.

Tại thời điểm đó, một người phụ nữ khác cũng tham gia hỗ trợ trong quá trình cấp cứu. Nhờ sự can thiệp kịp thời, nạn nhân đã tỉnh lại và được đưa đến bệnh viện để theo dõi.
Tuy nhiên, hành động cứu người của anh Đặng lại bị một số cư dân mạng bóp méo. Trên mạng xã hội, xuất hiện nhiều ý kiến cáo buộc anh có hành vi “sàm sỡ, lợi dụng nạn nhân” khi tiến hành ấn ngực để sơ cứu. Một số người thậm chí đặt câu hỏi: “Tại sao không để phụ nữ thực hiện thao tác này?”.
Trước làn sóng chỉ trích, nhiều cư dân mạng lại đứng ra bênh vực anh Đặng, cho rằng hành vi của anh hoàn toàn xuất phát từ mong muốn cứu người trong tình huống khẩn cấp. “Nếu một ngày tôi ngất xỉu trên đường, xin những người tốt đừng ngần ngại giúp đỡ, miễn là cứu được tôi”, một cư dân mạng bình luận. Một số người khác chỉ trích những lời lẽ xuyên tạc: “Bệnh nhân không có ý kiến gì, tại sao cư dân mạng lại làm ầm ĩ lên?”, “Nếu ai cũng sợ bị vu oan thì sau này còn ai dám cứu người nữa?”.
Trả lời truyền thông về việc bị chỉ trích, anh Đặng cho biết lúc đó tình huống hết sức cấp bách, bản thân chỉ nghĩ đến việc làm sao để giữ tính mạng cho nạn nhân chứ không có thời gian phân biệt giới tính.
Thực tế, đây không phải lần đầu tiên vấn đề giới tính gây ảnh hưởng đến việc sơ cứu người gặp nạn. Theo một khảo sát từng được Dịch vụ Cấp cứu St John (Anh) công bố, phụ nữ có nguy cơ không được tiến hành hồi sức tim phổi (CPR) khi gặp sự cố sức khỏe nơi công cộng vì người qua đường lo ngại bị cáo buộc quấy rối nếu chạm vào ngực, hoặc sợ làm tổn thương đến cơ thể phụ nữ.
Vụ việc lần này tiếp tục đặt ra câu hỏi về sự hiểu biết và thái độ của cộng đồng đối với các biện pháp sơ cứu khẩn cấp, cũng như những rào cản xã hội đang khiến nhiều người do dự khi đứng trước lựa chọn giúp hay không giúp người gặp nạn.