Nhịp sống số

Apple “Phạt” cắt hàng iPhone 13 Series của nhà bán lẻ hàng đầu Việt Nam

Apple “Phạt” cắt hàng iPhone 13 Series của nhà bán lẻ hàng đầu Việt Nam

Sau khi Apple chính thức công bố loạt iPhone 13 mới, nhiều nhà bán lẻ tại Việt Nam đã bắt đầu triển khai các chương trình quảng bá, mời gọi khách hàng “đặt cọc” các mẫu iPhone 13 mới ra mắt mà không được sự cho phép của Apple và sau đó một nhà bán lẻ di động lớn tại Việt Nam đã bị cắt một phần nguồn hàng iPhone 13 do vi phạm chính sách bán hàng của Apple. Điều này cho thấy mặc dù không có sự hiện diện rõ ràng tại Việt Nam, nhưng Apple vẫn theo rất sát những động thái từ thị trường.

Quy định về đặt hàng iPhone của Apple

Khi một hệ thống bán lẻ phân phối smartphone của một hãng nào đó, hệ thống bán lẻ đó sẽ phải tuân thủ rất nhiều yêu cầu khắt khe do phía đối tác đưa ra. Một trong số đó là khâu tổ chức các chương trình pre-order (đặt hàng sản phẩm).

Ví dụ với Samsung một hãng smartphone lớn tại Việt Nam, hãng này cho phép các nhà bán lẻ có thể tổ chức chương trình “đặt cọc” ngay cả khi sản phẩm chưa ra mắt. Tuy nhiên, các nhà bán lẻ không được phép gọi tên chính xác của sản phẩm, ví dụ như “Galaxy S21”, mà bắt buộc phải gọi tên chiếc máy này là “Galaxy S mới” hoặc “Galaxy S 2021”. Đương nhiên, các nhà bán lẻ cũng không được phép tung ra các thông số kỹ thuật và tính năng của sản phẩm sắp ra mắt.

photo-1-1632107908715934386902
Một Banner quảng cáo củ một đơn vị bán lẻ, khi triển khai chương trình nhận “đặt gạch” Samsung Galaxy S21

Thêm một quy định nữa mà Samsung đặt ra là các nhà bán lẻ không được phép bán “phá giá” và phải treo theo giá niêm yết mà Samsung đưa ra trong thời gian đầu, tránh tình trạng “loạn giá” ảnh hưởng hình ảnh thương hiệu của Samsung trong mắt người tiêu dùng .

Apple thì hoàn toàn ngược lại, hãng này khá thoải mái về chính sách giá bán, khách hàng có thể dễ dàng thấy iPhone 13 được bán với nhiều giá niêm yết khác ở từng đại lý. Tuy nhiên, việc triển khai các chương trình nhận đặt hàng iPhone mới thì Apple kiểm soát rất chặt chẽ. Các nhà bán lẻ không được phép tự ý chạy chương trình đặt hàng khi chưa có sự cho phép của Apple, kể cả khi sản phẩm đã được ra mắt. Ngoài ra, một việc tối kỵ khác mà Apple ngăn cấm là nhận tiền cọc của khách hàng.

Sở dĩ hãng phải kiểm soát rất chặt chẽ khâu đặt hàng là do Apple lo sợ là hình ảnh của mình trong mắt khách hàng. Apple cho rằng nếu khách hàng cọc tiền nhưng không có được máy sớm sẽ khiến cho họ có tâm lý bực tức, từ đó gây ảnh hưởng tới hình ảnh thương hiệu Apple.

Việt Nam không nằm trong danh sách những quốc gia được Apple ưu tiên mở bán iPhone sớm, vậy nên lượng hàng về Việt Nam bị phụ thuộc vào các thị trường khác. Do nguồn cung iPhone 13 dành cho Việt Nam là chưa chắc chắn, vậy nên Apple cũng chưa cho phép các nhà bán lẻ đặt hàng hay đặt cọc. Thay vào đó, các nhà bán lẻ chỉ được phép mở các trang “đăng ký nhận thông tin” như một cách để báo hiệu rằng hàng chính hãng sắp cập bến.

Nhà bán lẻ Việt Nam “lách luật”

Mặc dù chưa chính thức được Apple cho phép, nhưng nhà bán lẻ này đã bắt đầu khởi động chương trình đặt hàng ngay sau khi Apple công bố iPhone 13. Thậm chí, theo nhiều nguồn tin khác, nhà bán lẻ này còn chạy chương trình nhận “đạt gạch” iPhone mới trước khi hãng công bố sản phẩm và nhận cọc của khách hàng với số tiền là 1 triệu đồng/máy, dù không thể đưa ra được thời điểm chính xác máy sẽ đến tay khách hàng.

screen-shot-2021-09-20-at-93607-am-1632110408398504362364
Nhân viên tư vấn của nhà bán lẻ báo số tiên nhận đặt cọc iPhone.

Để “lách luật”, thay vì trực tiếp đề cập tới iPhone 13, nhà bán lẻ này lại sử dụng tên gọi “Siêu Phone”, “Phone mới” hay “Siêu phẩm 2021”. Các phiên bản của iPhone 13 lần lượt được nhà bán lẻ này gọi là “Siêu phẩm 2021 mini”, “Siêu phẩm 2021 mới”, “Siêu phẩm 2021 Pro” và “Siêu phẩm 2021 Pro Max”. Không khó để thấy đây là một chiêu trò được nhà bán lẻ này vận dụng sau nhiều năm hợp tác với Samsung.

2421309819835301521912033011558396741979172n-1632110139571341459643
Nhà bán lẻ sử dụng nhiều từ ngữ “lách luật” để người dùng liên tưởng đến iPhone mới.

Ngoài ra, trong các tài liệu quảng cáo, thay vì sử dụng hình ảnh của iPhone 13, nhà bán lẻ này cũng sử dụng các hình ảnh mang tính chất tượng trưng, nhưng khiến người dùng dễ dàng liên tưởng tới những chiếc iPhone mới.

Vi phạm chính sách khiến nhà bán lẻ Việt bị cắt nguồn hàng

Với những vi phạm như trên, Apple sẽ cắt 50% lượng hàng trong đợt mở bán đầu tiên đối với những nhà bán lẻ vi phạm. Ngoài ra, nhà bán lẻ này cũng bị nhận một “gậy” cảnh cáo từ Apple. Việc vi phạm quá nhiều lần có thể khiến cho một nhà bán lẻ bị giáng hạng, trong đó hậu quả lớn nhất là bị Apple rút giấy phép phân phối.

Hiện tại, nhà bán lẻ này đã dừng nhận cọc từ khách hàng. Website và các tài liệu quảng bá của đơn vị này đã được cập nhật để thay thế chương trình đặt hàng bằng “nhận thông tin”. Các tư vấn viên cũng không còn đề cập về chương trình đặt hàng hay mức tiền cọc.

screen-shot-2021-09-20-at-104608-am-1632109630160904429846
Hiện tại trang đặt hàng của “nhà bán lẻ lớn nhất tại Việt Nam” đã chuyển sang trại thái tiếp nhận thông tin.

Thực tế, đây không phải là lần đầu tiên mà một nhà bán lẻ Việt Nam vi phạm chính sách của Apple. Ngay hồi năm ngoái, một nhà bán lẻ khác cũng đã vi phạm những chính sách tương tự. Nhà bán lẻ này sau đó đã gặp nhiều khó khăn trong việc trả hàng iPhone 12, đặc biệt là hai model cao cấp là iPhone 12 Pro và iPhone 12 Pro Max. Một số khách hàng đã phải chờ đợi hơn 2 tháng mới được trên tay mẫu iPhone mà mình đặt.

Theo dự kiến, iPhone 13 chính hãng VN/A sẽ được mở bán trong khoảng nửa cuối tháng 10. Ở thời điểm bài viết (20/9), Apple vẫn chưa cho phép các nhà bán lẻ được phép đặt hàng hay đặt cọc. Thời điểm các nhà bán lẻ được phép mở đặt hàng iPhone 13 hiện chưa được xác định.