Tàu Vịnh Xanh bị lật ở Quảng Ninh có nhận được cảnh báo giông lốc trước khi thảm họa xảy ra?
Vụ tai nạn đường thủy đặc biệt nghiêm trọng vừa qua ở vịnh Hạ Long, Quảng Ninh khiến dư luận vô cùng đau xót. Trước khi thảm họa xảy ra, cảnh báo giông lốc đã được phát.
Theo báo Lao Động đưa tin, ông H.V.M – một chủ tàu du lịch hoạt động trên vịnh Hạ Long cho biết vào lúc 13h34 ngày 19/7, các chủ tàu nhận được thông tin cảnh báo giông lốc từ nhóm Zalo liên kết giữa Cảng vụ đường thủy nội địa tỉnh Quảng Ninh và các chủ tàu. Đây là phương thức thường được sử dụng trong những trường hợp cần thông báo nhanh để tàu thuyền chủ động phòng tránh thời tiết nguy hiểm. Trong trường hợp phải về bờ, sẽ có công văn chính thức.
Chỉ khoảng 15 phút sau, vào lúc 13h45, tàu QN-7105 đã không may gặp nạn khi đang di chuyển qua khu vực gần hang Đầu Gỗ. Đây là khu vực trống trải giữa vịnh. Con tàu bị giông lốc quật chìm nhanh chóng. Chủ tàu kiêm thuyền trưởng – ông Đoàn Văn Trình (trú tại phường Hà An, Quảng Ninh) đã thiệt mạng trong vụ việc.

Tàu QN-7105 được cấp lệnh rời cảng vào trưa 19/7, trên cơ sở bản tin dự báo thời tiết được phát đi lúc 10h20 cùng ngày từ Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Quảng Ninh.
Khẳng định về quy trình cảnh báo thời tiết, ông Phạm Thế Thế – Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Quảng Ninh cho biết vào sáng 20/7: "Về quy trình theo dõi thời tiết 24/24, khi phát hiện ổ mây giông, thời tiết nguy hiểm bất thường, Đài Khí tượng Thủy văn Tỉnh Quảng Ninh đã ngay lập tức phát tin cảnh báo, gửi đến các cơ quan chức năng theo quy định, để thực hiện các phương án chỉ đạo, ứng phó".
Các bản tin cảnh báo được ban hành liên tục vào nhiều thời điểm, gồm 15h30 ngày 18/7, 4h30 – 11h45 – và 13h30 ngày 19/7. Trong đó, bản tin lúc 4h30 của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia đã cảnh báo rõ nguy cơ giông lốc, gió giật mạnh. Bản tin 11h45 của Đài Khí tượng Thủy văn Quảng Ninh tiếp tục nhấn mạnh các hiện tượng nguy hiểm như dông, lốc, sét, mưa đá và mưa lớn cục bộ.
Các cảnh báo đều nêu rõ trong mưa giông cần đề phòng lốc, sét, gió giật mạnh và sạt lở đất, có thể làm gãy đổ cây cối, hư hại công trình và đe dọa tính mạng người dân. Mức độ rủi ro thiên tai do lốc, sét, mưa đá được xếp cấp 1. Đề nghị các cơ quan, đơn vị và nhân dân tại khu vực chịu ảnh hưởng cần chú ý theo dõi, chủ động phòng tránh để đảm bảo an toàn.

Thông tin cảnh báo không chỉ được gửi đến Cảng vụ đường thủy nội địa mà còn chuyển tới Văn phòng Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Cảng vụ Hàng hải Quảng Ninh, Báo Quảng Ninh và Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai tìm kiếm cứu nạn tỉnh.
Đây được xem là vụ tai nạn du lịch đường thủy thảm khốc nhất trên vịnh Hạ Long từ trước đến nay, để lại nhiều đau thương và đặt ra câu hỏi lớn về quy trình ứng phó với thiên tai trong hoạt động du lịch trên biển.