Nên xem xét tạm đình chỉ danh hiệu NSND, NSƯT, yêu cầu xin lỗi công khai khi vi phạm quảng cáo
Việc có nhiều NSND, NSƯT quảng cáo thẩm mỹ gắn mác phong thủy khiến dư luận nhức nhối. Liệu có nên đề ra chế tài hành chính như phạt tiền, gỡ nội dung, yêu cầu xin lỗi công khai hay bổ sung thêm các hình thức kỷ luật nghề nghiệp, đặc biệt là với các nghệ sĩ mang danh hiệu do Nhà nước phong tặng?
Sự gia tăng các quảng cáo dịch vụ thẩm mỹ gắn mác phong thủy với sự góp mặt của hàng loạt nghệ sĩ nổi tiếng đang gây ra nhiều tranh cãi trong dư luận. Theo chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long, hiện tượng này không chỉ là một trào lưu nhất thời mà còn phần nào hợp thức hóa những quan niệm phi khoa học, đánh vào tâm lý bất an và niềm tin mù quáng của công chúng.
Khi nghệ sĩ “mượn uy tín” để hợp pháp hóa mê tín
Trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Ngọc Long cho rằng, việc các nghệ sĩ sử dụng danh tiếng cá nhân, đặc biệt là danh hiệu NSND, NSƯT – vốn là sự ghi nhận của Nhà nước dành cho cống hiến nghệ thuật để quảng bá các dịch vụ thẩm mỹ phong thủy là hành vi khai thác niềm tin tâm linh một cách có chủ đích. Những lời hứa như “sửa mũi mở cung tài lộc”, “độn cằm thay đổi vận mệnh” hoàn toàn không có cơ sở khoa học nhưng lại được tiếp nhận dễ dàng nhờ vào sự bảo chứng từ người nổi tiếng.
“Từ góc độ truyền thông, đây là minh chứng rõ ràng cho sự thương mại hóa hình ảnh nghệ sĩ một cách thiếu chọn lọc và vô trách nhiệm. Khi lợi nhuận đặt lên trên trách nhiệm xã hội, nghệ sĩ vô tình trở thành mắt xích trong chuỗi truyền thông lệch chuẩn, ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng đến nhóm công chúng trẻ hoặc yếu thế”, ông Long nhận định.
Không chỉ tạo ra ngộ nhận về mối quan hệ giữa ngoại hình và số mệnh, hiện tượng này còn làm xói mòn giá trị của các danh hiệu nghệ thuật. Khi danh xưng NSND, NSƯT bị gắn liền với các hoạt động mang tính mê tín, công chúng dần hoài nghi về ranh giới giữa người nghệ sĩ chân chính và người nổi tiếng chạy theo mục đích thương mại.
Việc các nghệ sĩ nổi tiếng quảng bá dịch vụ làm đẹp phong thủy không chỉ là hành vi vi phạm đạo đức nghề nghiệp mà còn tiềm ẩn rủi ro nghiêm trọng với người tiêu dùng. Theo ông Long, nhiều người vì tin tưởng vào hình ảnh nghệ sĩ đã bỏ tiền, thậm chí đi vay để thực hiện các ca phẫu thuật “cải vận”. Nếu thất bại, họ không chỉ mất mát tài chính mà còn đối mặt với các vấn đề tâm lý, trầm cảm, mất phương hướng.
Về lâu dài, nó còn tạo ra hệ giá trị sai lệch trong xã hội, khi ngoại hình được gắn liền với thành công thay vì tri thức, đạo đức hay nỗ lực. Đây là mối nguy đặc biệt với giới trẻ - nhóm đang trong quá trình định hình nhân cách và niềm tin xã hội.
Ngoài ra, ông cho rằng sự nhập nhằng giữa quảng cáo và “chia sẻ trải nghiệm cá nhân” đang khiến việc xử lý vi phạm trở nên khó khăn. Nhiều nghệ sĩ lợi dụng kẽ hở pháp lý để né tránh trách nhiệm, trong khi các mức phạt hành chính hiện tại lại không đủ sức răn đe.
Cần tạm đình chỉ danh hiệu nghệ sĩ nếu vi phạm đạo đức truyền thông
Để ngăn chặn tình trạng này, chuyên gia Nguyễn Ngọc Long đề xuất một loạt giải pháp mạnh mẽ. Trước hết, cần hoàn thiện khung pháp lý về quảng cáo cá nhân, quy định rõ trách nhiệm của người nổi tiếng, đặc biệt là những người sở hữu danh hiệu do Nhà nước trao tặng. Ngoài phạt tiền và gỡ bỏ nội dung vi phạm, cần tính đến các chế tài nghề nghiệp như tạm đình chỉ danh hiệu NSND, NSƯT nếu nghệ sĩ sử dụng hình ảnh bản thân vào mục đích quảng bá sai lệch, tiếp tay cho mê tín hoặc các dịch vụ tiềm ẩn nguy cơ gây hại cho cộng đồng.
Song song đó, ông Long cũng nhấn mạnh đến vai trò của một bộ quy tắc đạo đức truyền thông cá nhân dành cho giới nghệ sĩ, không mang tính cưỡng chế pháp lý nhưng đóng vai trò như một tiêu chuẩn nghề nghiệp giúp bảo vệ uy tín chung của ngành nghệ thuật.
Theo ông Long, trong bối cảnh nghệ sĩ quảng cáo tràn lan từ thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, bất động sản cho tới thẩm mỹ phong thủy, điều đáng lo ngại nhất là sự thiếu vắng một cơ chế giám sát độc lập, mang tính chuyên môn và xã hội dân sự. Ở nhiều quốc gia, các hội đồng đạo đức quảng cáo hoạt động như một cơ quan phản biện và hậu kiểm mạnh mẽ. Việt Nam hiện vẫn chưa có mô hình tương tự.
Thực tế, khung pháp lý hiện tại như Luật Quảng cáo, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vẫn có nhiều kẽ hở, chưa cụ thể hóa được trách nhiệm của cá nhân nổi tiếng khi quảng cáo. Nhiều trường hợp nghệ sĩ chỉ "chia sẻ trải nghiệm cá nhân" thay vì "quảng cáo có hợp đồng" để né tránh trách nhiệm pháp lý. Sự lập lờ đó khiến các cơ quan chức năng lúng túng trong xử lý, người tiêu dùng thì chịu thiệt.
Với mức xử phạt hiện tại được chuyên gia đánh giá là không tương xứng với mức độ ảnh hưởng của người nổi tiếng. Một nghệ sĩ kiếm hàng tỷ đồng với hợp đồng quảng cáo nhưng chỉ bị phạt vài chục triệu là không đáng bao nhiêu. Theo ông Long, khi hình phạt không đủ răn đe, nghệ sĩ sẽ vẫn tiếp tục nhận quảng cáo vì lợi nhuận trước mắt, bất chấp rủi ro hoặc hậu quả xã hội.
“Về lâu dài, cần xây dựng một giải pháp tổng thể gồm ba trụ cột: pháp luật chặt chẽ - truyền thông trách nhiệm - và cơ chế kiểm soát xã hội độc lập. Khi ba yếu tố này phối hợp nhuần nhuyễn, nghệ sĩ sẽ không thể dễ dàng ‘lách luật’ hay tùy tiện sử dụng uy tín cá nhân cho các chiến dịch quảng cáo gây hiểu lầm, trục lợi hay gây hại cộng đồng. Và chính khi bị ràng buộc bởi các chuẩn mực này, hình ảnh người nghệ sĩ mới thực sự trở nên đáng tin, đáng kính và có giá trị bền vững trong lòng công chúng”, ông Long kết luận.