Đời sống

'Đệ nhất tham quan' của Trung Quốc 'lắm tài nhiều tật', làm giàu không chỉ nhờ tham ô, ăn hối lộ

'Đệ nhất tham quan' của Trung Quốc 'lắm tài nhiều tật', làm giàu không chỉ nhờ tham ô, ăn hối lộ

Hòa Thân (1750 - 1799) là nhân vật khét tiếng trong triều đại hoàng đế Càn Long với biệt danh "đệ nhất tham quan". Số tiền mà Hòa Thân tham ô, nhận hối lộ được cho là không một quan tham nào trong lịch sử phong kiến và hiện đại có thể vượt qua. Hòa Thân xuất thân từ một gia tộc quân công, 3 tuổi mồ côi mẹ, 9 tuổi mồ côi cha, Hòa Thân và em trai được mẹ kế và một người hầu lâu năm nuôi dưỡng. Ông không có duyên với khoa cử khi thi trượt kì thi năm Càn Long thứ 34 (tức năm 1769) nên quyết định làm thị vệ trong cung. Đến năm 23 tuổi, Hòa Thân được tháp tùng Càn Long sau khi vua chứng kiến tài năng của ông. 

Phục dựng tranh Hòa Thân hồi trẻ, được đánh giá là mỹ nam "vạn người mê"

Là người thông minh, khéo léo lại hòa nhã, Hòa Thân cực kì được lòng vua Càn Long, từ đó con đường quan lộ cũng thăng tiến không ngừng. Người đời chỉ biết Hòa Thân nịnh nọt vua mà quên rằng ông cũng là một vị quan có tài. Mấy ai khi đó có thể thông thạo nhiều thứ tiếng như Mãn, Hán, Mông Cổ, Tây Tạng như Hòa Thân nên vua rất trọng dụng ông, giao cho công việc viết sắc lệnh cho hoàng đế. Dần dần, nhờ tham gia vào nhiều lĩnh vực trọng yếu như ngoại giao, kinh tế… mà thế lực của Hòa Thân cũng ngày càng bành trướng trong triều đình, quyền lực chỉ dưới mỗi vua, tiền bạc cũng từ đó mà đổ về. 

Hình tượng Hòa Thân trên phim truyền hình Trung Quốc

Tài sản của Hòa Thân nhiều đến mức dân gian truyền tai nhau rằng tham quan này giàu có hơn cả vua Càn Long. Khi vua Càn Long qua đời năm 1799, vua Gia Khánh đăng cơ, Hòa Thân là một trong những quan lại bị xử tội. Với 20 tội danh bị công bố toàn thiên hạ, Hòa Thân bị tịch thu toàn bộ khối tài sản trị giá khoảng 1.100 triệu lạng bạc, tương đương với số tiền mà quốc khố của nhà Thanh phải thu trong vòng 15 năm mới được. Chẳng lẽ Hòa Thân chỉ nhờ tham ô, ăn hối lộ mà có thể giàu đến mức độ vậy? Câu trả lời là không. 

Số tiền vơ vét của dân chúng được Hòa Thân sử dụng cho mục đích ăn chơi hưởng lạc, một phần phục vụ công việc kinh doanh riêng. Như đã biết, Hòa Thân là người thông minh và nhanh nhạy, do đó y thừa sức biết đầu tư, buôn bán gì thu được nhiều lợi. Hòa Thân mở các tiệm cầm đồ, cửa hàng lương thực, nhà trọ, cửa hàng đồ cổ, quán rượu, ngân hàng và đầu tư nhiều lĩnh vực, mặt hàng khác nữa. Quy mô kinh doanh của y cũng phải xứng với đẳng cấp, vị thế của bản thân khi chỉ tính riêng tiệm cầm đồ y đã có tới 75 cơ sở. Đặc biệt, Hòa Thân còn ngang nhiên kinh doanh những mặt hàng lớn khác như vũ khí, kiệu (tương đương với ô tô bây giờ), mỏ than, yên ngựa… Có thể nói, Hòa Thân một tay thâu tóm thị trường toàn mặt hàng lớn và thiết yếu của kinh thành. Với tham vọng của mình, Hòa Thân còn vươn rộng địa bàn kinh doanh sang nhiều tỉnh khác ở Trung Quốc thời nhà Thanh.

Tranh vẽ Hòa Thân khi về già

Trong các tài liệu lịch sử có ghi lại rằng, công việc kinh doanh lớn nhất của Hòa Thân chính là mua bán đất đai. Trong thời đại dân chỉ chăm chăm giữ đất, cuộc nổi dậy của chính quyền Bạch Liên giáo những năm cuối thời Càn Long đã khiến cho dân chúng, đặc biệt là các đại địa chủ hoang mang. Họ nghĩ ra cách đổi đất lấy tiền để chạy đến Bắc Kinh - nơi hoàng đế ở - để lánh nạn. Hòa Thân nhanh chóng tận dụng cơ hội này để làm giàu, tổng diện tích đất y sở hữu được ghi nhận là khoảng 32 km2.

Bởi vậy mới thấy, Hòa Thân là kẻ "lắm tài nhiều tật", nếu không vì lòng tham không đáy của mình thì có lẽ cuối đời tham quan này đã không phải chịu kết cục bi thảm lúc cuối đời.

 

Biệt phủ 'đệ nhất tham quan' Trung Quốc: Cột nhà làm từ gỗ quý hiếm, giá mỗi cây gần 9.500 tỷ đồng

Chỉ một cây cột nhà đã được định giá lên đến gần 9.500 tỷ đồng, độ chịu chơi chịu chi của tham quan này có lẽ còn trên cả vua Càn Long.