Đời sống

Em ruột ít được nhắc đến của Hòa Thân: Là công thần Càn Long trọng dụng, chống lưng cho anh trai

Em ruột ít được nhắc đến của Hòa Thân: Là công thần Càn Long trọng dụng, chống lưng cho anh trai

Hòa Thân có thể lộng quyền phần nhờ ơn Càn Long, phần vì được em trai chống lưng cho. 

Không thể phủ nhận rằng, Hòa Thân (1750 – 1799) là người thông minh, tài trí, khéo léo hơn người mới có thể leo lên vị trí cao trong triều đình nhà Thanh. Ngoài sự tín nhiệm của Càn Long thì "đệ nhất tham quan" có dễ dàng bành trướng thế lực, tham ô, lộng quyền nhờ có em trai ruột Hòa Lâm chống lưng cho. 

Hòa Thân có người em ruột tên Hòa Lâm 

Hòa Lâm (1753 – 1796) năm 24 tuổi đã được bổ nhiệm làm Bút thiếp thức của Lại bộ, sau đó lại điều sang Công bộ trong cùng 1 năm. Em ruột Hòa Thân thăng tiến không ngừng, lần lượt giữ các chức: Lang trung của Công bộ, Chức tạo Hàng Châu (1786), Hồ Quảng đạo Giám sát Ngự sử (1787), Lại bộ Cấp sự trung (1790), Phó Đô thống Hán quân Chính Lam kỳ, hàm Đô thống, Trú tàng Bạn sự Đại thần, Công bộ Thượng thư, Đô thống Hán quân Tương Bạch kỳ,...

Trong suốt sự nghiệp làm quan của mình, Hòa Lâm nhiều lần lập công lớn và được trọng thưởng. Ông từng tố cáo Hồ Bắc án sát sứ Lý Thiên Bồi lén chở gỗ bằng thuyền chở lương, và bắt được thư nhờ vả mua sắm của Lưỡng Quảng Tổng đốc Phúc Khang An; Cùng Phúc An Khang chống Khuếch Nhĩ Khách xâm lược Tây Tạng; Trấn áp khởi nghĩa người Miêu;... Chính vì vậy mà khi Phúc Khang An mất, em ruột Hòa Thân đã thay thế vị trí Đốc biện Quân vụ.

Hòa Lâm nhiều lần lập công lớn cho triều đình

Là tướng lĩnh tài giỏi, nhiều công lao, nắm binh quyền lớn nên vua Càn Long hay Gia Khánh đều rất nể trọng Hòa Lâm. Hòa Thân và anh ruột cũng được hưởng lây, vị trí càng thêm chắc chắn. Sự tồn tại của Hòa Lâm giống như "kim bài miễn tử" thứ hai của Hòa Thân (sau Càn Long). Tuy nhiên, năm 1796, Hòa Lâm trong lúc tiến vây Bình lũng thì bị bệnh nặng, qua đời ngay tại doanh trại.

Chân dung vua Gia Khánh

Sau khi qua đời, ông được  tấn tặng Nhất đẳng Tuyên Dũng công, thụy là Trung Tráng, ban lễ Tế táng, đưa bài vị vào Thái Miếu, thờ cúng ở các từ Chiêu trung, Hiền lương. Con trai của ông là Phong Thân Nghi Miên được kế tự công tước. Tuy nhiên, năm 1799, sau khi Càn Long qua đời thì Gia Khánh đã xuống tay xử tử Hòa Thân, tịch thu gia sản. Hòa Lâm dù đã qua đời cũng bị vạ lây, triều thần cho rằng ông ăn theo Phúc An Khang giành công, Gia Khánh cũng đồng tình nên đã rút bỏ bài vị của Hòa Lâm ở Thái Miếu và hạ xuống tước vị Tam đẳng Khinh xa Đô úy.