Khám phá mới

Phát hiện hóa thạch của khủng long bạo chúa, trong dạ dày vẫn còn sót lại bữa ăn cuối cùng

Phát hiện hóa thạch của khủng long bạo chúa, trong dạ dày vẫn còn sót lại bữa ăn cuối cùng

Sau nhiều năm, cuối cùng các nhà khoa học cũng đã lần đầu phát hiện ra bữa ăn cuối cùng còn sót lại trong dạ dày của một con khủng long bạo chúa non. Cụ thể, trong quá trình nghiên cứu, các chuyên gia đã tìm thấy hóa thạch của một con Gorgosaurus - loài nằm trong một chi khủng long chân thú thuộc họ Tyrannosauridae sống vào thời kỳ Creta muộn tại nơi ngày nay là miền tây Bắc Mỹ (khoảng từ 76,6 tới 75,1 triệu năm trước). 

Theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí Science Advances, những con khủng long bạo chúa non có thể đã săn những con khủng long nhỏ, như khủng long thuộc chi Caenagnathidae chẳng hạn, cho đến khi chúng lớn hơn và bắt đầu săn những con khủng long lớn hơn. 

Francois Therrien và Darla Zelenitsky chụp cùng hóa thạch khủng long Gorgosaurus 

 

Dựa vào việc chỉ tìm thấy chi sau của con mồi trong bụng khủng long bạo chúa, các nhà khoa học cho rằng có thể chúng không "nuốt chửng" con mồi mà xé nhỏ ra và ăn từng phần một. Việc xương của con mồi vẫn mắc trong dạ dày của khủng long bạo chúa cũng cho thấy loài ăn thịt khổng lồ này ăn và tiêu xóa xương chứ không nhả ra. Cả hai con khủng long caenagnathid trong bụng khủng long bạo chúa đều là những con non mới sinh, chỉ nặng từ 19 đến 26 pound. Theo nghiên cứu, khủng long bạo chúa trưởng thành sẽ không chọn những con khủng long này để ăn vì chúng có kích thước nhỏ và giá trị năng lượng thấp.

 

Chia sẻ với CBS qua email, Darla K. Zelenitsky, người tham gia nghiên cứu, cho biết hóa thạch là "bằng chứng trực tiếp đầu tiên về hành vi kiếm ăn hoặc chế độ ăn uống ở loài khủng long bạo chúa chưa trưởng thành". "Từ hóa thạch chúng tôi đã phát hiện ra rằng những con khủng long bạo chúa non có lẽ thích săn những con mồi nhỏ, non và nhanh nhẹn, trong khi những con trưởng thành sẽ săn những con khủng long ăn cỏ lớn di chuyển theo đàn", cô cho biết thêm. 

Zelenitsky cho biết điều này có ý nghĩa lớn bởi vì "những con khủng long bạo chúa còn non có thể chất rất khác so với những con khủng long bạo chúa trưởng thành: Chúng có hàm răng giống như lưỡi dao, hộp sọ nhẹ, chân dài và nhanh nhẹn hơn nhiều so với những con khủng long bạo chúa trưởng thành, có cơ thể to lớn". "Nói cách khác, từ cơ thể tương ứng của chúng, khủng long bạo chúa trưởng thành được trang bị tốt hơn nhiều để săn lùng những con mồi rất lớn, trong khi khủng long bạo chúa non chỉ có thể đuổi theo những con mồi nhỏ, nhanh nhẹn", cô chia sẻ.

 

3 kho báu 3.000 tuổi vừa được tìm thấy ở Đức, thêm bằng chứng về cuộc sống của người châu Âu cổ xưa

Hàng loạt cổ vật quý giá được tìm thấy, đem lại cái nhìn sâu sắc hơn về cuộc sống thời xa xưa của người châu Âu cổ.