Đời sống

Loại trà chỉ ngon khi lá trà tươi bị bọ cắn, ở Việt Nam chỉ có vài tỉnh thành trồng được

Loại trà chỉ ngon khi lá trà tươi bị bọ cắn, ở Việt Nam chỉ có vài tỉnh thành trồng được

Trong khi bà con trồng chè rất sợ sâu bệnh thì người dân ở Phja Đén (đọc là Phia Đén), xã Thành Công, huyện Nguyên Bình, Cao Bằng lại xem rầy xanh là loài tạo nên hương vị thơm ngon cho loại trà đặc biệt có tên Đông phương mỹ nhân.

Con rầy xanh

Loại trà này bắt nguồn từ Trung Quốc, những năm cuối của thế kỷ 19, một người nông dân vì tiếc công chăm chè mà quyết tâm chế biến những lá chè bị rầy cắn. Không ngờ thứ trà làm từ những lá chè tươi không nguyên vẹn đó lại có mùi thơm dịu nhẹ vô cùng quyến rũ. Một thương nhân tên John Dodd đã mang loại trà này về nước Anh và dâng lên cho hoàng gia Anh. Nữ hoàng Elizabeth II sau khi thưởng thức vị thơm dịu và ngắm nhìn những cánh trà như vũ nữ nhảy múa đã đặt tên cho nó là "Đông phương Mỹ nhân" (Oriental Beauty).

Lá trà bị rầy xanh cắn có hương vị thơm đặc biệt

Mỗi năm, để sản xuất ra loại trà đặc sản này, người ta chỉ có thể hái lá chè trước và sau tiết Đoan Ngọ. Đáng chú ý, để thu hoạch chè tươi chất lượng cao thì nơi trồng chè phải không có gió ẩm, đủ nắng, trong lành, không ô nhiễm. Lá chè ngon nhất là "nhất tâm nhị diệp" có vết cắn của "tiểu lục hiệp thiền" (búp chè bị rầy xanh cắn). Theo khoa học thì khi rầy xanh cắn lá chè tươi, nó sẽ hút đi một phần nhựa và cây tự sản sinh ra chất chữa lành vết cắn nên lá trà sau khi chế biến sẽ không bị quá đắng, quá chát, vô cùng dịu nhẹ và thơm. 

Trà Đông Phương mỹ nhân đem lại nhiều lợi ích cho sức khoẻ, như với phái đẹp, nó mang đến một làn da tươi trẻ và làm chậm quá trình lão hóa. Uống trà thường xuyên giúp làm giảm mệt mỏi, tốt cho tim mạch, kiểm soát hàm lượng Cholesterol xấu giúp ngăn ngừa bệnh tiểu đường, béo phì và đột quỵ và đặc biệt có lợi cho đường tiêu hóa.

Chính vì sự cầu kì khi sản xuất mà loại trà này có giá cao gấp 13 lần trà Ô long thường. Thậm chí có thời điểm 15kg trà Đông Phương mỹ nhân trị giá bằng cả căn nhà. Ở Việt Nam hiện nay chỉ có một số vùng trồng thành công như Phja Đén, Lâm Đồng, Mộc Châu – Sơn La…, tuy nhiên sản lượng không quá nhiều.