Doanh nghiệp

Tuyên bố chi 8,6 tỷ USD mua máy bay, đến nay FLC có gì?

Tuyên bố chi 8,6 tỷ USD mua máy bay, đến nay FLC có gì?

"Tôi có thể khẳng định 99% Bamboo Airways sẽ cất cánh ngay trong năm 2018 này", ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC khẳng định với VTV ngay tại nhà máy của Boeing mới đây.

Vị này cũng khẳng định đơn vị đã chuẩn bị tất cả về hạ tầng, nhân sự để có thể cất cánh trong tháng 10 tới.

Công bố lương phi công cao hơn Vietnam Airlines và Vietjet Air

Tuần vừa qua, lãnh đạo Tập đoàn FLC đã có mặt tại trụ sở của hãng Boeing tại Mỹ để ký kết hợp đồng mua mới 20 tàu bay Boeing 787-9 Dreamliner với tổng trị giá hợp đồng lên tới 5,6 tỷ USD. Dự kiến các máy bay thân rộng này bắt đầu được bàn giao từ tháng 4/2020.

Thương vụ này được Washington Post dẫn lời các chuyên gia quốc tế là "bất thường", "tự tin đến kiêu ngạo" và "đầy rủi ro" khi một hãng hàng không startup chưa thử bay đã ký những hợp đồng lớn. 

Trước đó, vào tháng 3, tập đoàn này cũng đã ký hợp đồng trị giá 3 tỷ USD mua 24 máy bay A321 NEO của hãng Airbus. Thời gian bàn giao số máy bay này cũng sẽ được thực hiện từ năm 2019 đến 2023.

Như vậy, với tổng giá trị hợp đồng mua lên tới 8,6 tỷ USD, theo đúng kế hoạch, Bamboo Airways sẽ sở hữu 44 tàu bay vào năm 2023, con số tương đối lớn so với lượng tàu bay mà 3 hãng hàng không Việt đang sở hữu hiện nay.

Để chuẩn bị cất cánh ngay trong năm nay khi các đơn hàng chưa về, FLC cũng đã có kế hoạch sẽ thuê khoảng 10 tàu bay để hoạt động. Còn các năm sau sẽ đưa vào khai thác thêm khoảng 10 máy bay mỗi năm.

Dù Bamboo Airways chưa được cấp phép, đại gia Trịnh Văn Quyết vẫn quả quyết sẽ bắt đầu khai thác bay trong năm 2018. Ảnh: FLC.

Tháng 4 vừa qua, hãng này cũng đã đăng tuyển gần 600 nhân sự ở nhiều vị trí khác nhau như an ninh, kỹ thuật, bảo dưỡng, phi công, tiếp viên… Không lâu sau, hãng tiếp tục đăng tuyển thêm 150 tiếp viên hàng không, 60 kỹ sư và thợ bảo dưỡng tàu bay. Các tiêu chí với những ứng viên cũng được đặt ra khá khắt khe từ ngoại hình, chiều cao cho tới trình độ học vấn, ngoại ngữ…

Trước đó, Bamboo Airways cũng đã duyệt bảng thu nhập dành cho phi công và mức lương bình quân tại đây sẽ đạt mức trên 200 triệu đồng/tháng, cao hơn các hãng hàng không đang hoạt động để thu hút nhân sự. (Năm 2017 thu nhập bình quân của các phi công Vietnam Airlines vào khoảng 121 triệu đồng/tháng trong khi tại Vietjet Air là 180 triệu đồng/người/tháng).

Trao đổi với Zing.vn mới đây, ông Đặng Tất Thắng, Tổng giám đốc Bamboo Airways, cũng cho biết so với mặt bằng chung của thị trường, chế độ cho nhân viên của đơn vị tương đối tốt và đây sẽ là lợi thế cạnh tranh của công ty so với các hãng hàng không khác trên thị trường.

Vẫn chờ giấy phép bay

Hầu hết bước đã hoàn thành nhưng thủ tục quan trọng nhất để một hãng hàng không được cất cánh chính là giấy phép bay thì Bamboo Airways vẫn chưa có. Hiện hãng này vẫn trong thời gian chờ phê duyệt giấy phép bay từ cơ quan chức năng.

Theo Nghị định 92 về các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không, Cục Hàng không sẽ là đơn vị nhận hồ sơ xin cấp phép bay của doanh nghiệp và tổ chức thẩm định sau đó báo cáo với Bộ Giao thông vận tải (GTVT). Bộ GTVT sẽ báo cáo Chính phủ xin chủ trương cấp giấy phép nếu hồ sơ đủ điều kiện.

Tuy nhiên, theo Luật Đầu tư, riêng ngành hàng không có 2 lĩnh lực phải xin chủ trương đầu tư của Chính phủ gồm đầu tư xây dựng cảng hàng không sân bay và giấy phép vận chuyển hàng không. Doanh nghiệp sẽ phải thực hiện theo Luật Đầu tư trước sau đó mới đến Luật Hàng không và Nghị định 92.

Ông Đặng Tất Thắng, Tổng giám đốc Bamboo Airways. Ảnh: Việt Linh.

Theo Kinh tế & Tiêu dùng, khi Bamboo Airways nộp hồ sơ xin cấp phép, Bộ Tài chính đã xác nhận số dư hơn 700 tỷ đồng trong tài khoản của công ty này ứng với vốn điều lệ. Nhưng lại yêu cầu đơn vị chứng minh vốn lưu động, tính khả thi của phương án kinh doanh. Theo đó, với quy mô vốn cố định 700 tỷ, Bamboo không có vốn lưu động, lỗ hai năm đầu (2019-2020) trên 4 triệu USD thì công ty sẽ không thể đủ điều kiện hoạt động kinh doanh hàng không.

Điều này không đáp ứng được điều kiện về mức vốn tối thiểu để thành lập và duy trì hoạt động vận tải. Theo đó, Bộ yêu cầu hãng này phải bổ sung thuyết minh về khả năng đáp ứng quy định về mức vốn tối thiểu để thành lập và duy trì hoạt động.

Bộ này cũng cho rằng mục đích chính hoạt động của Bamboo là để vận chuyển khách du lịch, hàng hoá đến/đi các điểm du lịch của FLC trong nước. Như vậy, kết quả kinh doanh của hãng sẽ phụ thuộc vào kế hoạch và kết quả kinh doanh của FLC.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Thắng cho hay Bamboo Airways sẽ hoạt động độc lập và có hiệu quả của một hãng hàng không. Nhưng công ty sẽ nhận được sự tương hỗ rất lớn của FLC trong thời gian đầu. Vì vậy trong 2 năm đầu tiên công ty sẽ không có lợi nhuận.

“Việc tương hỗ này cũng chính là tiền đề để chúng tôi tự tin về hàng không. Dĩ nhiên trong tương lai, chúng tôi vẫn phải vận hành độc lập. Hàng không vẫn là công ty thành viên của FLC, vẫn có sự phối hợp của 2 bên, nhưng lúc ấy thì là hợp tác”, vị tổng giám đốc khẳng định.

Đến nay Bamboo Airways vẫn chưa chính thức được cấp phép hoạt động bay tại Việt Nam. Ảnh minh họa: FLC.

Mới đây nhất, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã có ý kiến yêu cầu Bộ KH&ĐT chuẩn bị dự thảo quyết định của Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư dự án vận tải hàng không Bamboo Airways theo đúng quy định của Luật Đầu tư.

Bộ này đánh giá hồ sơ dự án của Bamboo Airways cơ bản hội đủ các thủ tục pháp lý cần thiết, quy mô đầu tư phù hợp với quy định tại Nghị định 92/2015/NĐ-CP về số lượng tàu bay duy trì tối thiểu trong suốt quá trình kinh doanh vận tải hàng không (3 tàu bay), thỏa mãn yêu cầu về vốn chủ sở hữu, vốn lưu động thường xuyên phục vụ hoạt động kinh doanh trong giai đoạn đầu gia nhập thị trường và các giai đoạn tiếp theo.

Theo: zing.vn

 

“Đột nhập” máy bay riêng của dàn siêu sao bóng đá thế giới: Ronaldo hay Messi khủng hơn?

(Techz.vn) “Đột nhập” máy bay riêng của dàn siêu sao bóng đá thế giới: Ronaldo hay Messi khủng hơn?