Máy tính để bàn

Fractal Design Core 3000: Thùng máy cực đỉnh dành cho game thủ

Fractal Design Core 3000: Thùng máy cực đỉnh dành cho game thủ

Đối với game thủ, có thể nói thùng máy là linh hồn của toàn bộ hệ thống, thể hiện cá tính của người sử dụng nó. Nếu đang đi tìm một bộ chiến giáp đơn giản, lạnh lùng và thiết kế tinh tế, Fractal Design chính là câu trả lời cho bạn.

<>
Fractal Design là một thương hiệu vỏ case rất được đánh giá cao thị trường Châu Âu và Mỹ. Hãng luôn biết cách làm người tiêu dùng thèm thuồng và móc hầu bao khi tung ra các model hấp dẫn từ hình thức, thiết kế cho đến giá cả hấp dẫn. Chiếc Core 3000 trong tay tôi là sản phẩm mẫu, hiện được bán trên thị trường với số lượng hạn chế. Theo anh Tiến – nhân viên kinh doanh của Ha Noi Computer, dự kiến sản phẩm sẽ có giá chính thức khoảng 1.900.000 VNĐ trong thời gian sắp tới. Như vậy, đây sẽ là đối thủ trực tiếp của Cooler Master Storm Scout và 690 II Plus – 2 sản phẩm đang làm mưa làm gió ở phân khúc này.
 
Thông số kỹ thuật & đặc điểm đáng chú ý
 
- Mặt trước dạng lưới.
- Có thể gắn tới 7 quạt thông gió: 1x 120 mm + 1x 140 mm ở mặt trước, 2x 120/140 mm ở nóc, 1x 120 mm ở đáy, 1x 120 mm ở mặt sau và 1x 120/140 mm ở cạnh bên.
- Có 3 quạt gắn sẵn đi kèm case: 1 quạt 140 mm ở mặt trước, 1 quạt 120 mm ở mặt sau và 1 quạt 140 mm ở nóc.
- 6 khay HDD 3,5 inch chia làm 2 khoang, tương thích với ổ SSD. Có thể xoay ngang hoặc tháo bỏ khoang phía trên.
- 2 khay 5,25 inch.
- 4 cổng USB, 1 cổng phone và 1 cổng mic ở mặt case.
- 7 PCI slot.
- Tương thích bo mạch chủ chuẩn ATX và micro ATX.
- Hỗ trợ card đồ họa chiều dài tối đa 270 mm khi không gỡ bỏ khoang HDD phía trên; 420 mm khi gỡ bỏ khoang này.
- Hỗ trợ tản nhiệt chip xử lý chiều cao tối đa 160 mm.
- Chỉ có thể gắn quạt 120 mm ở phía đáy nếu bộ nguồn có chiều dài không quá 160 mm.
- Kích thước: 200 x 430 x 480 (rộng x cao x dài).
- Khối lượng: 7,1 kg.
 
Ấn tượng đầu tiên làm tôi hứng thú nhất ở chiếc thùng máy này chính là khả năng lắp đặt tới 7 quạt gió và vẻ ngoài đẹp nhưng không cầu kỳ của nó. Tuy nhiên Core 3000 chắc chắn sẽ không làm hài lòng các game thủ thích giải pháp tản nhiệt khí hầm hố cho CPU khi chỉ hỗ trợ chiều cao tản nhiệt tối đa 160 mm và không có cửa sổ mica khoe hàng
 
Hình ảnh, nhận xét và đánh giá sơ bộ
 
 


Vỏ hộp bằng bìa rất đơn giản, hoàn toàn không có gì đặc biệt. Ở bên trong, thùng máy được bọc trong một túi plastic, được bảo vệ bởi 2 thanh xốp ở 2 bên giúp chống va đập khi vận chuyển.
 
 


Phụ kiện đi kèm gồm một quyển sách, một túi ốc. Đặc biệt còn có một bộ điều tốc cho 3 quạt đi kèm. Điều này đem lại cảm giác hãng sản xuất chăm chút rất cẩn thận cho sản phẩm này.
 

Core 3000 sở hữu tông đen từ đầu đến chân, theo nhận xét của tôi là khá đẹp với phong cách đơn giản không cầu kỳ, phù hợp với thị hiếu đa số người dùng. Phần vỏ được làm bằng thép, sờ có cảm giác nhám tay. Rất may là không có logo vô duyên xuất hiện trên mặt trước như nhiều thùng máy của các hãng khác (Aero Cool chẳng hạn).
 

Xoay ngang case ra, ta có thể thấy một lưới tổ ong ở phần hông, hỗ trợ lắp quạt kích thước 120 hoặc 140 mm, cung cấp trực tiếp khí mát cho card đồ họa.
 

Phần sau của thùng máy. Bên cạnh khe dành cho các cổng kết nối của bo mạch chủ là một quạt đẩy 120 mm. Ngay phía trên là 2 lỗ đi dây cho tản nhiệt lỏng. Core 3000 thiết kế nguồn đặt dưới. 7 slot PCI card được che bằng các thanh kim loại trắng – có nghĩa người dùng có thể gắn tối đa 3 card đồ họa.
 

Core 3000 hỗ trợ 2 quạt 120/140 mm ở phía trên, với 1 quạt đẩy 140 mm được hãng sản xuất gắn sẵn. Điều làm tôi không hài lòng là không hề có bóng dáng của lưới lọc bụi ở 2 vị trí này. Ở môi trường bụi bặm như Việt Nam, chắc chắn các linh kiện bên trong sẽ nhanh chóng bị bám bụi, làm tăng nhiệt độ hoạt động.
 

Các và các cổng kết nối và 2 nút reset, power được dời lên mặt trước. Đặc biệt 2 nút này có kích thước khá nhỏ, không bao giờ bị vô ý kích hoạt. Ngoài cổng phone và mic ra, có tới 4 cổng USB. Người dùng có thể tha hồ gắn nhiều thiết bị cùng một lúc. Bản thân tôi rất thích thú với điều này khi nhu cầu công việc và học tập yêu cầu gắn rất nhiều thứ như máy ảnh, điện thoại, USB, ổ cứng rời…
 

Toàn cảnh nội thất bên trong. Core 3000 sử dụng thiết kế module (có thể tháo rời) cho các khay ổ cứng và khe chắn PCI card. Bạn sẽ không phải ngậm ngùi chịu các “khe thủng” đằng sau thùng máy khi tháo bỏ thiết bị PCI hay cảnh vất vả bắt ốc khi tháo lắp ổ cứng như các thùng máy thông thường. Đặc biệt, người dùng có thể tháo rời bớt một khoang ổ cứng trong trường hợp card đồ họa quá dài (HD 5970 hoặc HD 6990 chẳng hạn); hoặc xoay ngang khoang này để luồng khí lưu thông từ trước ra sau tốt hơn. Thùng máy hỗ trợ card đồ họa chiều dài tối đa 270 mm khi không gỡ bỏ khoang HDD phía trên và 420 mm khi gỡ bỏ.
Khi cần, bạn có thể bắt ốc sử dụng lại khe chắn PCI card
 
Khoang ổ cứng phía trên có thể tháo lắp thoải mái
 

Giống như các thùng máy tiên tiến hiện nay, Core 3000 được thiết kế một khoang bên cạnh để giấu dây, giúp nội thất bên trong thoáng mắt và lưu thông khí tốt hơn. Khoang này khá rộng rãi, thoải mái trong việc đi dây. Tuy nhiên với chiều rộng vỏn vẹn 200 mm, hệ quả là các tản nhiệt CPU cao hơn 160 mm đều không thể gắn vừa. Với lỗ khoét ở vị trí gắn clip tản nhiệt cho CPU, người dùng không cần phải tháo cả bo mạch chủ mỗi khi cần vệ sinh, thay tản nhiệt hoặc thay chip xử lý. Ngoài ra để ý một chút, ta còn thấy 2 lỗ đi dây cho tản nhiệt lỏng nữa.
 
 
Lỗ khoét ở vị trí bắt clip cho tản nhiệt CPU
 
Hãy chú ý vào ở khoảng trống giữa 2 quạt: có 2 lỗ đi dây cho tản nhiệt lỏng.
 
Với thiết kế nguồn đặt dưới, dĩ nhiên Core 3000 trang bị hẳn một khoang gió với lưới lọc bụi đi kèm để phục vụ bộ nguồn. Ngoài ra người dùng cũng có thể lắp thêm một quạt hút 120 mm để tăng luồng khí lưu thông bên trong – đây là điều không thường thấy ở các vỏ case mid-tower (làm giảm độ vững chắc của thùng máy, khiến phải tăng chiều dày lớp vỏ thép để khắc phục).
 

Tháo mặt nạ phía trước ra, ta có thể thấy một quạt hút 140 mm được gắn sẵn ở mặt trước. Có thể gắn thêm một quạt hút 120 mm nữa ở phía dưới, đưa số quạt hỗ trợ của Core 3000 lên tới con số 7.
 
 
Quạt mặt trước được giữ bằng chốt nhựa chứ không cần bắt ốc.
 
 Thực tế sử dụng & thử nghiệm nhiệt độ
 
Vậy là đã xong phần hình ảnh và đánh giá, bây giờ tôi bắt đầu bắt tay vào lắp linh kiện và đi dây – công việc lúc nào cũng ngán ngẩm. Sau khoảng nửa giờ vật lộn với Core 3000 (nặng tới 7,1 kg), cuối cùng công đoạn đi dây cũng hoàn thành. Phía bên khoang linh kiện khá gọn gàng, trong khi đó ở bên khoang đi dây là một bãi chiến trường khủng khiếp. Thử tưởng tượng đống dây nhợ lòng thòng này mà nằm bên khoang linh kiện thì sẽ ra sao? Chắc chắn rất mất công bó buộc lại, lại còn cản lưu thông khí trong thùng máy nữa.

 
Bãi chiến trường bên khoang đi dây
 
Trong lúc đi dây, tôi mới phát hiện ra Core 3000 không có lỗ luồn dây ngay phía trên bo mạch chủ. Kết quả là dây cấp nguồn cho CPU phải đi lòng thòng bên trong case do không đủ dài để đi chung lỗ với cáp 24 pin cho bo mạch chủ. Điều này làm tôi cảm thấy khá khó chịu. Một chi tiết quan trọng như vậy mà Fractal Design lại quên được sao?
 
Fractal Design Core 3000 (trái) và Ikonik Optimus 1200+ (phải)
 
Quan sát kĩ hơn một chút, tôi còn phát hiện ra bộ nguồn Seasonic JS750 còn nằm lấn qua vị trí đặt quạt 120 mm. Đúng như hãng cảnh báo, các bộ nguồn có chiều dài lớn hơn 160 mm sẽ không thể sử dụng kết hợp với quạt 120 mm này. Đây là điều đáng tiếc cho người dùng sở hữu cấu hình mạnh bởi nguồn công suất cao thường có kích thước lớn hơn con số này.
 
Core 3000 khi vận hành. Rất đơn giản, không màu mè nhưng vẫn đẹp.
 
 
Cấu hình sử dụng:
Bo mạch chủ: AsRock Z68 Pro3
Bộ xử lý: Intel Core i5-2500K
Tản nhiệt: Zalman CNPS 5X
Bộ nhớ trong: 3x2GB Gskill RIPJAWS 1600 cas 8
Card đồ họa: MSI GTX 560 Ti Twin Frozr II OC
Ổ cứng: WD Caviar Black 500GB
Nguồn: Seasonic JS750
Vào thời điểm thực hiện, nhiệt kế đang chỉ 25 độ C. Đầu tiên, tôi kiểm tra nhiệt độ card đồ họa, kết quả rất khả quan: nhiệt độ lúc rỗi là 30 độ C và Full-load liên tục trong 30 phút là 74 độ C.
Sang đến bộ xử lý, tôi kiểm nghiệm nhiệt độ của i5-2500K ở 3 mức xung: 3,3 GHz (mặc định), 4,0 GHz và 4,5 GHz. Do tản nhiệt tôi đang sử dụng cũng thuộc loại rẻ tiền nên nhiệt độ không được tốt nhưng nhìn chung vẫn chấp nhận được.
 
 
Kết luận
 
Thành thực mà nói, 1.900.000 VNĐ không phải là cái giá thực sự hấp dẫn. Luận về hình thức, Core 3000 rất đẹp, thiết kế module tinh tế nhưng cũng không có gì nổi trội nếu đem so với các thùng máy khác cùng tầm giá như Thermaltake V9, Cooler Master Storm Scout hay 690 II. Trong khi đó, phần kích thước có thể coi là một điểm trừ: bề ngang khá hẹp khiến khả năng hỗ trợ tản nhiệt kém hơn rất nhiều so với các đối thủ. Điểm duy nhất người viết cảm thấy ưng ý là khả năng hỗ trợ đến 7 quạt thông khí, giúp tăng khả năng lưu thông khí bên trong thùng máy lên mức tối đa – điều cực kì quan trọng đối với các hệ thống ép xung cao.
Ưu:
- Hình thức đẹp.
- Có thể lắp đặt tới 7 quạt thông gió, đưa khả năng lưu thông khí lên tối đa.
- Có thể gắn thoải mái các card đồ họa siêu dài như HD 6990 bằng cách tháo bớt một khoang ổ cứng.
- Thiết kế tối ưu cho lưu thông khí. Khoang ổ cứng phía trên có thể xoay ngang hoặc tháo bỏ để hỗ trợ lưu thông khí từ trước ra sau. Khay ổ cứng có đệm chống rung, chống ồn.
- Thiết kế module, dễ dàng tháo lắp tản nhiệt CPU, ổ cứng và các khe chắn PCI card.
- Có khoang giấu dây với chiều rộng khá tốt, dễ dàng đi dây.
 
Khuyết:
- Không có cửa sổ mica "khoe hàng".
- Khó giấu dây cấp nguồn cho chip xử lý.
- Không có lưới lọc bụi ở các vị trí lắp quạt.
- Chỉ hỗ trợ các tản nhiệt CPU có chiều cao không quá 160 mm.