Nhịp sống số

Facebook vs Google: Ai sẽ là bá chủ internet?

Facebook vs Google: Ai sẽ là bá chủ internet?
class="MsoNormal" align="justify">Trong lịch sử ngành công nghệ, hiếm có khi nào chúng ta được chứng kiến một cuộc chiến khốc liệt như cuộc chiến của Google và Facebook hiện nay. Cả 2 hãng đều sẵn sàng đấu tranh để giành được nhiều nhất có thể sự quan tâm của người dùng, và những đồng đô la của các hãng quảng cáo. Trước đây, ít khi người ta nhắc đến những sự kiện như cuộc chiến giữa Oracle và HP, hay việc Microsoft đánh bại Netscape, tuy nhiên ảnh hưởng của những sự kiện này là vô cùng to lớn. Chúng có vai trò quyết định tới việc hình thành thế giới Web ngày nay, tới cái cách mà người dùng giao tiếp, tìm hiểu thông tin và mua bán. Vì vậy hiển nhiên có thể coi cuộc chiến giữa Google và Facebook và kết quả của nó sẽ là những điểm nhấn quan trọng có thể làm thay đổi thế giới của chúng ta trong tương lai.

  • Facebook và Google chung tay chống nạn “tự tử”
  • Google, Apple, Facebook: Việc làm mơ ước của những người trẻ
  • Zuckerberg: Google đang xây dựng “phiên bản Facebook thu nhỏ”
  • HP: Google và Facebook đau đầu vì thiếu hụt bộ nhớ lưu trữ
  • Ấn Độ yêu cầu Facebook, Google loại bỏ nội dung phỉ báng
 
Một bên là Facebook, nhà vô địch trong thế giới mạng xã hội. Kẻ đang củng cố vị trí của một người sở hữu những thông tin cá nhân của gần 1 tỉ người. Bên kia là Google, một hãng khổng lồ có khả năng sắp xếp thông tin của mọi thứ trên đời, và chỉ cho chúng ta cách làm thế nào để tìm được chúng.
 
Tuy có cùng một mục tiêu để hướng tới, nhưng 2 hãng này lại có những quan điểm rất khác nhau trong cách tiến hành. Về cơ bản, Google và trang web của hãng có thành phần quan trọng nhất, đó là nút “Search”. Người dùng lên đây để tìm thông tin về đôi giầy họ thích, ngôi sao mà họ thần tượng. Họ có thể nghiên cứu mọi thứ trên thế giới và Google cùng thuật toán của hãng cung cấp những kết quả gần như hoàn hảo. Nhưng tại thế giới của Facebook, thay vì tìm kiếm thì người dùng lại được nghe ngóng thông tin từ bạn bè, ví như: “Tôi thích cái quần này”, “Pizza ở đây ngon tuyệt” hay “Đây là một trong những bộ phim đáng xem trong năm nay”. Nói tóm lại, với Google, người dùng đi tìm thông tin còn với Facebook, thông tin tự tìm đến với họ.
 
 


Một điểm mạnh nữa của Facebook chính là việc nó đang trở thành cái rốn của vũ trụ. Người dùng lên mạng nói chuyện và chia sẻ qua Facebook. Các ứng dụng và game cũng thi nhau tìm đến miền đất hứa này để phát triển. Trong khi đó Google chỉ lại một trang web tìm kiếm tẻ nhạt và khó có thể khiến người dùng lưu luyến.
 
Nguyên do của cuộc chiến
 
Nhưng vì lý do nào mà Google, một hãng được coi là con quỷ khổng lồ trên Internet đang nhúng tay vào gần như mọi ngành kinh doanh công nghệ lại phải lao vào ganh đua với Facebook, một mạng xã hội không hơn không kém. Là bởi vì mạng xã hội này đang chạm vào miếng bánh rất lớn mà Google đang gặm nhấm từng năm qua: Quảng cáo. Mọi từ khóa, kết quả mà người dùng tìm kiếm trên Google sẽ được lưu lại và trao cho các nhà quảng cáo. Còn trên Facebook, mỗi khi người dùng Like một cái giầy, đăng một status tỏ lòng ngưỡng mộ một khu du lịch nào đó thì đấy cũng là thông tin mà các nhà quảng cáo cảm thấy hứng thú.
 
Theo ước tính thì doanh thu từ quảng cáo trên mạng của Google đang chiếm khoảng 41% trong số 31 tỉ USD riêng trên đất Mỹ. Nhưng tốc độ tăng trưởng đang chậm lại dần do sự xuất hiện của Facebook, với 800 triệu người dùng và rất nhiều trong số này dành nhiều thời gian của họ trên mạng xã hội hơn là trên trang của Google. Cũng theo ước tính, trong năm vừa rồi doanh thu của Facebook vào khoảng trên 4 tỉ USD, gấp đôi so với năm 2010. Tuy doanh số này chả là gì so với Google nhưng cái mà hãng tìm kiếm này cảm thấy lo ngại chính là tốc độ tăng trưởng của Facebook là cực cao, trong khi của Google đang có dấu hiệu chậm lại.
 
 
 


Cũng giống như Bill Gates ngày xưa, Larry Page (nhà đồng sáng lập của Google) đã sớm nhận thấy sự đe dọa cho vị thế của họ trong thế giới Web. Và công việc đầu tiên mà ông làm sau khi nhận vị trí CEO chính là tổng động viên toàn bộ nhân viên, gom góp tài chính và phát động mạng xã hội Google+. Đây không phải là mạng xã hội đầu tiên của Google, nhưng những nỗ lực trước kia của hãng như Orkut, Open Social và Buzz chỉ là trò cười cho thiên hạ. Theo các thông tin được công bố Google+ đã đạt được 40 triệu người dùng sau 4 tháng. Không quá khó để nhận thấy Google+ được sinh ra chỉ để đánh vào Facebook, mạng xã hội này có đầy đủ các tính năng mạnh và tránh hoàn toàn các điểm yếu tồn tại trên Facebook. Nó có trang home, trang cá nhân, tính năng up ảnh, game và tất nhiên là viết status, +1 cũng là nút tương tự Like, Circles có cơ chế làm việc tiện lợi hơn hẳn so với Friends. Kể từ ngày ra đời, Google+ đã công bố tới hơn 100 tính năng, và vẫn còn nhiều đang đợi được ra mắt.
 
 


Bên kia chiến tuyến, Mark Zuckerberg chắc chắn không thể làm ngơ. Tỉ phú trẻ tuổi này lập tức đặt cả công ty trong tình trạng báo động. Mùa hè năm 2010, sau khi những tin đồn về một địch thủ đáng gờm sắp ra mắt, Mark Zuckerberg gom một lượng lớn các nhân viên để làm việc ngày đêm, kể cả các ngày nghỉ để mài dũa lại các tính năng về ảnh, nhóm và sự kiện. Tại sự kiện F8 vào tháng 9 năm 2011, Mark Zuckerberg công bố Timeline và miêu tả tính năng này như một cuốn nhật ký và người dùng có thể lật lại những trang giấy kể từ ngày họ đăng ký trên Facebook. Tính năng Group cũng là lời đáp trả cho khả năng chia sẻ theo nhóm mà Google+ đã khai thác.
 
 


Thậm chí Mark Zuckerberg còn tính chơi cả những “đòn bẩn” như việc thuê một nhà PR danh tiếng có tên Burson-Marsteller để bôi xấu tên tuổi của Google. Tuy nhiên “gậy ông đập lưng ông” khi mà các nhà báo đã phát hiện ra mối quan hệ bí mật giữa Burson và Facebook. Thế mới biết Facebook đang sợ Google+ đến thế nào. Cũng phải kể thêm một trong những bước đi quan trọng nhất của Facebook tại F8 chính là việc liên kết với các dịch vụ như Netflix và Spotify. Người dùng các dịch vụ này sẽ đăng ký tài khoản bằng tài khoản của Facebook. Và đây cũng là cách mới để khai thác thêm thông tin.
 
Cuộc chiến ngày càng khốc liệt
 
Một trong những chiến thuật hiệu quả nhất của chiến tranh chính là làm lung lạc tinh thần binh sĩ đối phương. Nếu nhìn vào danh sách nhân viên của Facebook, có thể nhận thấy rất nhiều người đã từng phục vụ cho Google, điển hình là 4 trong số 11 nhân viên cao cấp nhất công ty. Cuộc chiến này đã bắt đầu từ năm 2007, khi mà Facebook nổi lên như một điểm đến hứa hẹn cho nhân tài, Google đã dùng rất nhiều tiền để chống đỡ sự lôi kéo của đối thủ. Google treo tổng giải thưởng tới 10 triệu USD cho các nhân viên cao cấp nhất nếu họ tiếp tục ở lại và cống hiến. Tuy nhiên đã có những vấn đề phát sinh sau đó, các nhân viên bắt đầu giở những chiêu bài: “Facebook vừa mời chào tôi, anh tăng lương hoặc tôi nghỉ việc.” Điều này đã tạo ra một môi trường làm việc rất xấu tại Google, Facebook phần nào đã đạt được thành công trong việc đánh thẳng vào sào huyệt đối thủ. Sau sự cố này, Google buộc phải áp dụng phương pháp khác. Hãng tăng lương cho toàn bộ nhân viên lên 10%, chưa kể một khoản thưởng kha khá tổng cộng cũng lên tới 15-20% so với lương ban đầu.
 
Nhưng Google cũng có thế mạnh riêng của họ, đó là khả năng lôi kéo người dùng với mạng lưới web cực kỳ mạnh của mình. Trang tìm kiếm, Youtube, Google Maps và Gmail đều có liên kết hướng người dùng tới Google+, chưa kể đến việc tận dụng điện thoại và tablet Android cũng là một phương pháp đầy hiệu quả. Bằng những cách này, Google+ rất có cơ sở để phát triển và cạnh tranh với Facebook. Tất nhiên Mark Zuckerberg cũng phải lo sợ, rất sợ là đằng khác, bởi sức mạnh của Google là cực lớn và hãng này sẵn sàng tung tất cả khả năng để giúp Google+ tiến càng xa càng tốt, trong khi Facebook lại không có đủ nguồn lực. Không tin hãy hỏi những kẻ ngáng đường trước đây của Google thì biết, Google Maps, Gmail, Youtube nào có đối thủ đâu?
 
 


Một cái yếu nữa của Facebook chính là họ thiếu một đồng minh mạnh. Điều này thúc đẩy Mark Zuckerberg tìm đến Apple, địch thủ lớn nhất của Google trên thị trường di động. Hai bên đã rất nhiều lần đàm phán nhưng vẫn chưa thể tìm thấy một tiếng nói chung, có lẽ bởi mối giao hảo của 2 hãng trước đây không mấy tốt đẹp. Ping, một nỗ lực chen chân vào thế giới mạng xã hội của Apple đã bị Facebook đập tơi bời. Tất nhiên điều này khiến cho Steve Jobs chẳng mấy hài lòng, thế là ông quyết định liên minh với Twitter. Tuy nhiên cả Facebook và Apple vẫn chưa chấm dứt việc đàm phán, đó là vì con quỷ Google vẫn đang nhăm nhe ngoài kia, và biết đâu có ngày cả 2 phải đi đến quyết định cuối cùng “liên minh hoặc là chết”.
 
Lời kết
 
Tới đây, chắc hẳn bạn sẽ tự hỏi bên nào sẽ giành phần thắng? Rất tiếc là hiện tại chưa một ai có được câu trả lời chắc chắn. Thực ra Google có 2 mục tiêu trong mạng xã hội. Một là kìm hãm sự phát triển của Facebook. Hai và cũng là mục tiêu mà Google quan tâm hơn, đó dùng Google+ để hỗ trợ các trang tìm kiếm, Youtube, Gmail, Google Maps. Họ muốn Google+ trở thành một dịch vụ đa năng và bổ sung cho những gì mà Google còn thiếu.
 
Để đạt được 2 mục tiêu này, Google+ không nhất thiết phải vượt qua Facebook, nhưng cũng không được phép bị bỏ quá xa. Hãng phải cố gắng tìm ra đường đi riêng để có thể lôi kéo người dùng, bởi Circles đã không còn là tính năng đủ hấp dẫn.
 
Còn về phần Facebook, những thành công mà Google+ có được sẽ khiến họ phải đề cao cảnh giác hơn bao giờ hết. Nếu như trước đây người dùng ca thán về một tính năng hay giao diện của mạng xã hội này, họ cũng chỉ biết tặc lưỡi mà cho qua. Nhưng giờ Google+ đang ở sau lưng và sẵn sàng vượt lên bất cứ lúc nào. Facebook nên hiểu rằng cuộc chiến này sẽ không có chỗ cho những sai lầm.