Đánh giá laptop

Đánh giá HP TouchSmart 520-1070, AIO và hơn thế

Đánh giá HP TouchSmart 520-1070, AIO và hơn thế
Giá bán lẻ 1400$ của TouchSmart 520 có lẽ vẫn hơi cao nếu trong bối cảnh kinh tế suy thoái hiện nay, người ta thích tìm các sản phẩm PC với cấu hình tiệm cận với giá thành hơn. Thông qua các đại lý bạn có thể đạt được mức giá tầm hơn 1200$. Tuy nhiên, với chúng tôi, 1400$ cũng vẫn xứng đáng với một thiết bị rất “ổn” như thế này.

  • Màn hình và máy tính AIO hỗ trợ 3D mới của HP
  • 10 máy tính AIO tốt nhất
  • Máy tính AIO IdeaCentre B300 đơn giản

 

Cảm nhận ban đầu

Gần đây xuất hiện nhiều tin đồn rằng “Thời của PC đã qua”, “PC đang chết dần”, vvv...vv, kèm theo đó là rất nhiều đồn đoán, không phải về việc điều đó có đúng không (người ta mặc nhiên coi đó là điều tất nhiên) mà là, nếu PC chết, thì cái gì sẽ thay thế nó: một chiếc máy tính bảng, một chiếc điện thoại, hay là một chiếc máy tính xách tay mà ngay cả tương lai của nó rồi cũng đang bị đặt dấu hỏi lớn trước sự phát triển như vũ bão của các thiết bị di động khác. Thời gian sẽ cho câu trả lời, nhưng PC, với tư cách là những cỗ máy mạnh mẽ nhất mà người sử dụng bình thường có thể sở hữu, không dễ dàng từ bỏ vai trò của mình. Để tồn tại, ngoài việc tăng cường sức mạnh phần cứng vượt trội so với các nền tảng khác, việc thay đổi để hướng đến bắt kịp xu hướng của giới công nghệ là điều cần thiết.
 
 
HP là một nhà sản xuất máy tính lớn, nếu không muốn nói là hàng đầu thế giới. Nhưng ngay cả họ cũng đã từng băn khoăn về việc có nên tiếp tục sản xuất PC, một thiết bị đã bị định sẵn “một kết cục chết chóc”, bằng chứng là năm vừa rồi, họ đã định bán mảng sản xuất và kinh doanh PC của mình. Nhưng cuối cùng, quyết định này cũng không được đưa ra, và chúng ta cùng hy vọng vào những sản phẩm đổi mới mang tên HP. Dòng HP TouchSmart all-in-one mang đến hy vọng về những sản phẩm như thế, không đơn thuần là gia tăng sức mạnh phần cứng, mà là đổi mới trong thiết kế và tính năng. Trong bài viết này chúng ta sẽ cùng đến 1 sản phẩm trong dòng thiết bị này của HP, TouchSmart 520-1070.

Xin nhắc lại, TouchSmart 520-1070 là một sản phẩm trong dòng TouchSmart của HP, nên nó thừa kế hầu hết các đặc điểm của dòng này: đó là một cấu hình phần cứng cao cấp gói gọn trong một màn hình cảm ứng 23 inch, và một điểm nổi bật là hệ thống loa tích hợp được trang bị công nghệ của Beast Audio (hãng đã được HP mua lại), và tất nhiên là đi kèm với những phần mềm chuyên dụng được thiết kế để tận dụng tối đa các đặc tả phần cứng này. Dưới đây là cấu hình chi tiêt của 520:
  • VXL : Intel Core i7 2600S (2.80GHz) quad-core CPU
  • RAM: 8GB RAM DDR3 1333Mhz
  • Card màn hình HD6450A
  • HDD : 2TB 5400rpm
  • Đầu đọc thẻ nhớ 6 trong 1
  • Đầu ghi Blueray dạng nuốt đĩa
  • Khả năng điều  khiển thông qua cổng hồng ngoại
  • HD Webcam
  • Các cổng giao tiếp: 4 cổng USB 2.0, 2 cổng USB 3.0, cổng xuất HDMI, giắc cắm tai nghe + mic, giắc RJ45 (mạng LAN), Bluetooth..
  • Các phần cứng khác: TV Tuner, bàn phím và chuột không dây (đi kèm)
  • HĐH: Windows 7 Home Premium (64-bit)

 

 
Video quảng cáo về TouchSmart và các tính năng của giao diện Magic Canvas:
 
 
Một số hình ảnh trong quá trình thử nghiệm máy
 
 
Toàn bộ máy và phụ kiện đi kèm sau khi "unbox"
 
 
 
Màn hình chính
 
Thiết kế

HP đã giới thiệu dòng TouchSmart nói chung và TouchSmart 520-1070 nói riêng như những sản phẩm hướng tới tiêu chí “mỏng, nhẹ và thời trang”. Tuy nhiên, dẫu cho phiên bản này thực sự đã “mỏng”, “nhẹ” hơn các phiên bản trước, nhưng đó là so với những chiếc máy tính để bàn thông thường, còn nếu vạn muốn thường xuyên “di động” chiếc máy này e rằng không phải ý kiến hay, vì dù sao cân năng của nó cũng lên tới gần 12kg. Tất nhiên, máy để bàn (PC) thì vẫn là máy để bàn, và không nên kỳ vọng chiếc máy này sẽ thay thế chiếc Zenbook hay chiếc iPad sành điệu mà bạn có thể mang đi khắp mọi nơi - LOL.

Các bạn đừng ngạc nhiên về cân nặng lên tới 12 kg của máy, vì so với các dòng máy tính AIO khác, thì sản phẩm của HP thực sự hãy còn là một trong những thiết bị tương đối “mảnh dẻ”.
 
Màn hình Full HD
 
Thiết kế của máy có vẻ gì đó nhẹ nhàng và tinh tế, sử dụng chất liệu nhựa cứng thông thường, thay vì khoác một lớp gương lên bề mặt như nhiều tablet hay thậm chí nhiều máy AIO khác đã thực hiện. Điều này khiến nó trông có vẻ không bóng bẩy, nhưng thực sự vẫn khá vừa mắt, thích hợp với bất kỳ không gian phòng khách nào của khách hàng.

Đường gờ kim loại bao viền quanh màn hình và kéo dài xuống dưới, tạo thành một giá đỡ, cũng được làm tù chất liệu nhựa, nhưng được phủ một lớp sơn màu bạc, đem đến tone màu khá “mô đen”. Nó cho phép màn hình có thể nghiêng đi trong một giới hạn (theo chúng tôi thử nghiệm là từ -5 cho đến 30 độ), điều này cho phép bạn có thể điều chỉnh góc độ của màn hình sao cho phù hợp nhất với tầm nhìn của mình. Ngoài ra, giá đỡ này cũng thể hiện sự chắc chắn và ổn định của mình trong những thao tác sử dụng của người dùng trên màn hình cảm ứng : không hề bị nghiêng đi hay lắc lư. Điều này được lý giải có lẽ từ trọng lượng của máy tạo nên một hệ cân bằng lực khá tốt, giúp máy “đầm” hơn.
 
Màn hình 23-inch với đèn nền LED, cho độ phân giải đạt chuẩn Full HD 1920x1080, độ sáng 250nit, khả năng đáp ứng 5ms, hỗ trợ độ tương phản lên cao nhất 1000:1, và như chúng tôi đã nói ở trên, hỗ trợ cảm ứng đa điểm. Các thông số này không phải ấn tượng, ngay cả khi so với màn hình của các thiết bị di động chứ chưa nói đến các TV hay màn hình cao cấp, điều này thể hiện rất rõ trong quá trình chúng tôi thử nghiệm : nó không đem đến góc nhìn siêu rộng hay khả năng tái tạo màu chính xác như trên màn hình với tấm nền IPS, cũng không có độ sáng đặc biệt tốt để có thể làm việc ngoài ánh sáng mặt trời, nhưng có lẽ đủ dùng. Tại sao chúng tôi nói như vậy? Với các thiết bị di động, độ sáng và độ tương phản là yếu tố quan tâm hàng đầu, khi mà công việc của chúng ta nhiều khi phải thực hiện ở ngoài ánh sáng mạnh, mà một màn hình với độ sáng không tốt rất có thể khiến chúng ta hoàn toàn không theo dõi được nội dung đang được hiển thị. Còn với máy tính AIO nói chung và 520 nói riêng, môi trường làm việc của nó là ở đâu: đó là ở trong nhà với các nguồn sáng khá ít và khá yếu, và hoàn toàn không cần di chuyển. Thế cho nên, các thông số như trên là “đủ dùng” cho chúng ta trong các công việc đơn thuần, hay kể cả xem phim Blueray từ đầu đọc của máy. 
 
Loa của 520 được bố trí thành một thanh chạy dọc ở phía dưới màn hình (màn hình hay là case-màn hình?). Khi sử dụng ở chế độ bình thường, có lẽ bạn sẽ thắc mắc tại sao sản phẩm này lại có thể được gắn mác Beast Audio (hơn nữa, còn là một biểu tượng khá nổi bật): âm thanh thu được tệ, chưa kể còn rất nhỏ, cho dù có để mức âm lượng max đi chăng nữa. Đó là tất cả những gì có thể nói về chất lượng âm thanh của 520, nhưng, đó là TRƯỚC KHI bạn kích hoạt chế độ Beast Audio bằng một nút trên bàn phím không  dây đi kèm với máy. Ở chế độ này, bạn có tất cả những gì cần ở một hệ thống loa cho máy tính để bàn: nó cho phép bạn tùy chỉnh được âm thanh ở mức rất chi tiết thông qua việc điều chỉnh các chế độ EQ. Âm thanh thu được lúc này thực sự đầy, giàu nhạc cảm và phải nói là khó để có thể tìm thấy trên các hệ thống âm thanh tích hợp. Nó chưa đủ sức để cho những hệ thống âm thanh cao cấp (nếu có) trị giá hành nghìn đô la của bạn “về vườn”, nhưng sẽ là một trải nghiệm thực sự thú vị trong góc làm việc của bạn, với âm thanh “đẹp”, phù hợp cho xem phim, chơi game và thậm chí là nhu cầu nghe nhạc nghe nhạc (tất nhiên ngoại trừ khi bạn là một audiophile) - m/.
 
Dàn loa "hàng hiệu" có công nghệ của Beast Audio
 
Phía sau của màn hình - case bạn có thể tìm thấy một cơ số các cổng kết nối mà chúng tôi đã liệt kê ở trên bảng mô tả cấu hình của máy: cổng USB 2.0, cổng mạng LAN gigabit, một cổng ghép nối với cáp truyền hình (dành cho bộ thu TV tích hợp, cổng hồng ngoại, các cổng xuất âm thanh qua loa và tai nghe,..
 
Các cổng kết nối ở mặt sau
 
Trên cạnh phải của màn hình là ổ đĩa Blueray dạng nuốt đĩa, đặc biệt là ổ đĩa này có khả năng ghi chứ không đơn thuần là đọc. Với sự ra mắt của ngày càng nhiều tựa phim với độ nét cao, dung lượng lớn mà chỉ có thể lưu trữ trên Blueray thì đây thực sự là một trang bị đáng giá cho HP 520. Ở cạnh phải bạn cũng tìm thấy 4 phím vật lý để tùy chỉnh các thông số của màn hình.

Phía dưới các nút bấm này, bạn có thể tìm thấy một cổng input HDMI (lưu ý là chỉ input) . Mặc dù giao tiếp HDMI ngày nay đã trở thành một tiêu chuẩn cho các thiết bị hiển thị, nhưng nó vẫn làm chúng ta ngạc nhiên với khả năng của mình: bạn có thể kết nối nó tới các thiết bị như Xbox hay PS3 để biến màn hình của TouchSmart thành một màn hình TV, trình diễn các nội dung và game trên các thiết bị giải trí này, có thể kết nối tới các thiết bị di động như camera, máy ảnh, tablet, điện thoại (tất nhiên là nếu các thiết bị này hỗ trợ cổng xuất HDMI) để thưởng thức một video mới quay, hay một bức ảnh mới chụp cùng người thân. Điều này rất hẫu ích, nhất là cho những người không thể có đủ không gian để bố trí được một TV màn hình rộng trong góc làm việc/giải trí của mình.

Trên cạnh trái của máy, ở phía trên, bạn có thể thấy đầu đọc thẻ nhớ 6 trong 1, với 2 cổng USB 3.0 “đón đầu”, một đầu cắm mic/headphone. Số lượng cổng giao tiếp của HP 520 không phải là quá ấn tượng, nhưng hơi đáng tiếc vì vẫn thiếu đi cổng eSATA, vốn cũng đã khá thông dụng trong thời gian gần đây, hay đặc biệt là khả năng xuất HDMI ra các màn hình lớn hơn (không có khả năng output, mặc dù card màn hình của 520 hoàn toàn cho phép điều này). Dù sao, thì với ngần ấy khả năng kết nối, 520 vẫn có thể được coi là một đại diện sáng giá cho dòng máy tính AIO.
 
Các cổng kết nối ở 2 bên cạnh
 
Các máy tính all-in-one (và nói chung là các dạng máy tính không phải PC truyền thống) không phải là những cỗ máy thân thiện và dễ dàng cho người sử dụng trong việc “lục lọi” vào phần cứng bên trong, ít nhất là các nhà sản xuất thường có ý muốn như vậy, vì họ muốn các thiết bị này hướng đến việc hoạt động ổn định, hơn là thường xuyên nhận kêu ca, phàn nàn của khách hàng về các vấn đề về xung đột phần cứng mà hầu hết do người dùng “táy máy”. Thế nhưng, thật ngạc nhiên là điều này có thể thực hiện trên HP TouchSmart 520 một cách tương đối dễ dàng. Có một tấm panel nhựa ở mặt sau, khi tháo ra sẽ giúp bạn có thể tháo 1 trong 3 ốc ít cố định nắp lưng của chiếc máy. Tất cả việc bạn cần làm là tháo 3 con ốc này ra (con con ốc còn lại nằm ở góc dưới đó một chút), gỡ bỏ nắp lưng, và dễ dàng nhìn thấy “nội tạng” của TouchSmart ( bạn có thể theo dõi hình ở trên). Đừng lo lắng nếu bạn sợ sẽ bất cẩn để đánh rơi 3 con ốc này: chúng không thể được tháo ra hoàn toàn. Sau đó thì bạn hoàn toàn có thể thay thế và tự “upgrade” phần cứng cao cấp hơn cho chiếc máy của mình, như RAM hoặc ổ đĩa cứng chẳng hạn. Bạn cũng có thể muốn nâng cấp card đồ họa của máy, nhưng chúng tôi khuyến cáo không nên làm như vậy, vì bộ nguồn gắn trong của TouchSmart chỉ cung cấp một nguồn điện ở muwcs180W, không thể đòi hỏi gì hơn một card màn hình phổ thông như HD6450 mà HP đã trang bi.
 
"Nội tạng" dễ dàng bị lộ ra
Thử nghiệm hiệu năng

Trước tiên, chúng tôi tiến hành thử nghiệm hệ thống với các bộ phần mềm đến từ Futuremark, đo khả năng tổng thể và hiệu năng đồ họa
 
PCMark Vantage

Phần mềm PCMark Vantage giúp đánh giá hiệu năng tổng thể. Thử nghiệm này đánh giá khả năng thực tế của hệ thống trong các công việc hàng ngày bằng cách giả lập chạy các ứng dụng này: xem phim HD, nén nhạc, chỉnh sửa ảnh, chơi game,... Hầu như tất cả các ứng dụng đều hỗ trợ xử lý đa luồng, nên có thể tận dụng tốt và đánh giá đúng sức mạnh của các bộ xử lý đa nhân hiện tại nói chung, cũng như bộ xử lý Core i7 trên TouchSmart 520 nói riêng.
 
 
PCMark 7

Tiếp đến là một trình thử nghiệm mới hơn cũng từ Futuremark, PCMark 7, cũng lại là một tập hợp các phần mềm để test hiệu năng chung của hệ thống. Như chúng tôi kỳ vọng, 520 có thể vượt qua thử nghiệm này khá tốt, mặc dù có đôi chút vấn đề khi chạy trình test tốc độ của ổ đĩa cứng.
 

Về test hiệu năng xử lý đồ họa cũng như test khả năng chơi các game mới, chúng tôi tiến hành bằng các trình test 3DMark.

3DMark Vantage

Nói thêm về trình benchmark này, nó chỉ chạy trên các hệ thống hỗ trợ DirectX 10 trở lên (tức là cũng chỉ chạy trên các hệ thống Vista hoặc Windows 7). Đây không đơn giản là một bản mở rộng của 3DMark06 chạy trên DirectX 10, mà là một trình thử nghiệm hoàn toàn mới, nó thêm vào 2 bài test đồ họa, 2 bài test CPU, cũng như thêm bài test cả cá thành phần khác của hệ thống. Dưới đây là kết quả thử nghiệm:

Một lần nữa, TouchSmart 520 lại giành chiến thắng thuyết phục trước các đối thủ đến từ Asus. Với card màn hình Radeon HD6450A, hiệu năng của 520 gần gấp 3 lần hiệu năng của card đồ họa tích hợp trên VXL Core i3 và hơn gấp rưỡi hiệu năng của card màn hình HD6310 (vốn được tích hợp trên chip E-350APU) cũng của AMD.

3DMark 11

Tuy kết quả không phải là ấn tượng, vì xin nhắc lại, card đồ họa 6450A chỉ đơn giản là một chiếc card phổ thông, nhưng việc có thể hoàn thành được toàn bộ thử nghiệm đã cho chúng ta thấy, các máy tính AIO có thể chưa so sánh được với PC, nhưng hoàn toàn có thể chơi được các tựa game mới, với mức thiết lập thấp.
 
 

SANDRA

Để xác định rõ khả năng của các thành phần hệ thống khác, chúng ta tiến đến với phần mềm của SiSoftware, SANDRA (System ANalyzer, Diagnostic and ReportingAssistant). Chúng tôi tiến hnafh 4 phép thử bao gồm CPU Arithmetic, Multimedia, Memory Bandwidth, Physical Disks.
 
 
 
 
 

Mặc dù đây thực sự là một chiếc máy tính AIO, chứ không phải là một chiếc desktop đến từ Alienware hay một cỗ máy chơi game chuyên nghiệp nào khác, nhưng chính vì thế nên hiệu năng của nó làm chúng tôi (trong quá trình thử nghiệm) nhiều khi phải ngạc nhiên. Điểm số của 520 lại một lần nữa bỏ xa (gần gấp đôi) đối thủ cạnh tranh gần nhất đến từ Asus, chiếc Asus ET2410. Lợi thế này đến từ bộ VXL Core i7 với 4 nhân thực, 8 luồng xử lý và khả năng Turbo Boost từ 2.8 lên 3.8GHz và bộ nhớ cache L3 8MB.

Trước tiên là đến với 2 phép thử Memory và Storage. Hệ thống đến từ HP có thể vượt trội hệ thống của ASUS với cấu hình VXL kém hơn về điểm băng thông bộ nhớ (17.17GBs so với 15.64GBs), nhưng với ổ cứng chậm 5400rpm, nó không thể cạnh tranh với ổ đĩa 7200rpm trên ET2410 (94.38MBs so với 110MBs). Quyết định trang bị ổ cứng này của HP làm chúng tôi rất khó hiểu, vì nó hoàn toàn không phù hợp với cấu hình chung của hệ thống, mặc dù chúng tôi biết giá HDD thời gian qua đã tăng rất nhiều, nhưng nếu so với giá thành của TouchSmart 520 thì nó cũng không đáng để cắt giảm như vậy.

Cinebech

Cinebech R11.5 sử dụng triệt để sức mạnh của cả GPU và CPU (chủ yếu) để tiến hành dựng nội dung 3D, qua đó đánh giá khả năng của các thành phần thiết yếu nhất này. Với CPU, Cinebech tiến hành cho dựng một hình 3D với hơn 300.000 đa giác, có thể tận dụng tới 64 luồng xử lý, tức là vượt xa cả các PC mạnh nhất bây giờ. Phép thử GPU thì sẽ tiến hành đo khả năng đồ họa thông qua việc xử lý gần 1 triệu đa giác với một lượng lớn texture.
 
 
Tiếp tục là một kết quả khá tốt. Với 4 nhân, 8 luồng xử lý, 8GB RAM và một card màn hình phổ thông, hệ thống tỏ ra khá thích hợp cho việc render các nội dung 3D và thậm chí có thể “gánh” một số tác vụ thiết kế như CAD, mặc dù nếu bạn là một người đang tìm kiếm một chiếc máy làm “cần câu cơm” trong lĩnh vực thiết kế, thì có thể TouchSmart hãy còn chưa thỏa mãn được.
 
Hiệu năng chơi game

Lost Planet 2

Một game rất mới, tiếp tục câu chuyện trong Lost Planet: Extreme Condition, một game có đồ họa rất đep vào thời điểm ra mắt. Chúng tôi tiến hành thử nghiệm trên cả hai chế độ DX 9 và DX 11 để có thể cho bạn đọc một phép so sánh về khả năng chạy các game đời  mới của TouchSmart. Đó là vì card màn hình 6450A trên 520 có thể chạy được DX 11 (mặc dù chỉ ở mức độ hạn chế, theo khuyến cáo của HP cũng như của AMD).
Như các bạn có thể thấy, với mức thiết lập thấp cùng với chế độ DX9, bạn khá thoải mái trong xoay trở và cảm giác chơi khá “nuột nà”. Nhưng nếu đặt mức thiết lập cao hơn, hay đơn giản là chuyển sang chế độ DX 11 để cho hình ảnh đẹp hơn, thì lập tức khung hình tụt giảm thê thảm. Có lẽ không thể đòi hỏi gì hơn ở một sản phẩm card đồ họa như 6450A.

Left 4 Dead 2

Có lẽ không cần giới thiệu nhiều về game bắn súng online đã quá nổi tiếng này. Chúng tôi sử dụng chế độ Time Demo để tạo ra hàng loạt các cảnh game với rất nhiều hiệu ứng, người và vật thể xuất hiện cùng lúc.
 
 
So với Lost Planet 2, kết quả của 520 khi chạy Left 4 Dead 2 khả quan hơn nhiều. Thậm chí bạn có thể đẩy độ phân giả của game lên mức cao nhất mà màn hình hỗ trợ (Full HD) mà số khung hình/s vẫn đạt được đủ để có cảm giác “smooth”, cho dù có lẽ phải hy sinh một số hiệu ứng hình ảnh. Với các game bậc trung thế này, Hp 520 có thể “chiến” tốt.

Tiêu thụ điện năng

Một xu hướng mới trong việc thiết kế các sản phẩm công nghệ, đó là hướng tới sự thân thiện với môi trường, có thể là không sử dụng các hóa chất gây hại tới môi trường, hay đơn giản hơn là giảm nguồn điện năng tiêu thụ. Về cách thứ nhất thì chúng tôi không có thông tin nào về HP 520 (chúng tôi không nhìn thấy chứng nhận máy tính “xanh” trên bao bì) và cũng rất khó kiểm tra, nên chúng tôi chọn cách kiểm tra mức tiêu thụ điện năng của HP 520.

Chúng tôi sử dụng chương trình Power Angel Power Meter đến từ SeaSonic để đo lượng điện tiêu thụ của máy tính, trong các chế độ idle, có tải và full-load.
Một phần mềm mà có lẽ các bạn cũng đã rất quen để khiến máy chạy Full-load trong thời gian dài, đó là Prime 95. Thực sự thì việc chạy chương trình này trên một máy tính AIO khá mạo hiểm, vì chúng tôi khá lo lắng về tính ổn định của hệ thống, khi mà các giải pháp tản nhiệt không được “hoành tráng” như trên PC truyền thống. Trong quá trình chạy, TouchSmart 520 sử dụng trung bình tầm 130W, một kết quả khá tốt, nếu xét đến mức cao nhất mà bộ nguồn trang bị sẵn có thể đáp ứng được là 180W. Điều đó chúng tỏ rằng tuy không có công suất lớn, nhưng bộ nguồn này đủ sức cung cấp cho máy chạy một cách ổn định trên cấu hình do HP đề xuất. Ở chế độ nghỉ (Idle), máy chỉ tiêu thụ tầm 60W, một con số có thể lớn hơn so với ET2410 (42W), đơn giản vì ET2410 có cấu hình thấp hơn, nhưng thấp hơn hầu hết máy AIO trên thị trường và thậm chí với một số màn hình cỡ lớn.

Tổng kết

Về hiệu năng: Các máy tính AIO không nổi bật vì hiệu năng, nhưng mọi sự đã thay đổi với HP TouchSmart 520-1070. Hiệu năng thông qua điểm số từ các trình benchmark cũng như qua trải nghiệm thực tế của chúng tôi với thiết bị này khiên chúng tôi phải ngạc nhiên và xóa bỏ định kiến là các máy AIO đều không mạnh mẽ. Card màn hình HD6450A của máy có thể không thích hợp với việc chơi các game đời mới với thiết lập cao, nhưng hoàn toàn có thể đáp ứng các nhu cầu giải trí cơ bản và chơi các game online, thậm chí là các game offlien với các mức thiết lập hợp lý.

Tất nhiên, chúng ta vẫn có thể đòi hỏi hơn nữa ở một vài tiêu chí : card màn hình mạnh hơn, ổ đĩa cứng nhanh hơn (thậm chí có thể là SSD) và lớn hơn để đáp ứng nhu cầu lưu trữ đang ngày càng gia tăng và cho phép nhiều người dùng trên một máy hơn. Thế nhưng với mức giá 1.340$ của máy thì có lẽ chúng ta không nên đòi hỏi nhiều hơn. Cơ bản mà nói, sức mạnh của cỗ máy này vượt qua hầu hết các máy AIO trên thị trường.
 
 
 
Có lẽ vẫn phải chờ sự ra mắt của Windows 8 mới có thể biết được rằng liệu các máy tính truyền thống được trang bị màn hình cảm ứng có thể được cứu không, hay một cách khác là liệu đế chế Windows mà Microsoft đã cố gắng tạo dựng, gắn liền với hình ảnh những chiếc máy tính mạnh mẽ, có tiếp tục thống trị và tiếp tục xâm chiếm thêm lãnh địa của các thiết bị giống-PC khác không. Thế nhưng, với chiếc máy này, HP đã giải quyết tốt vấn đề cơ bản nhất mà Windows còn thiếu để chạy trên các thiết bị trang bị màn hình cảm ứng: giao diện. Vẫn trên nền Windows 7, với khả năng tiếp cận vô vàn ứng dụng thân thuộc cho người dùng trung thành với Windows, HP đã thêm vào một giao diện mới: Magic Canvas UI. Giao diện này bạn có thể thấy trên đoạn video quảng cáo của HP. Mặc dù các đoạn phim quảng cáo thường phóng đại sự hoàn hảo của các tính năng của sản phẩm, nhưng phải công nhận đây là một giao diện rất bóng bẩy, mượt mà, hoạt động nhanh và rất, rất nhiều tính năng hữu ích thậm chí có thể thay thế phần lớn lớp giao diện vốn có của Windows 7. Nếu bạn thích thao tác chạm-bấm trên màn hình cảm ứng hơn là thao tác với chuột và bàn phím quen thuộc, nhưng lại vẫn muốn sử dụng các ứng dụng chuyên nghiệp chỉ có trên Windows, thì TouchSmart chính là sản phẩm dành cho bạn.

Nếu bạn không phải người như vậy, thì có lẽ 520 nói riêng và các máy AIO nói chung không dành cho bạn. Mặc dù rất mạnh nếu xét với tiêu chuẩn AIO, nhưng thiết bị này có lẽ không có gì đặc biệt về hiệu năng, đặc biệt là về khả năng chơi game so với các PC truyền thống. Ngoài VXL và bộ nhớ RAM có thể nói là “chấp nhận được”, các thành phần cấu hình còn lại đều không có gì đáng nói, đặc biệt là ổ đĩa cứng khá tồi. Mặc dù có màn hình lớn, nhưng bạn không thể thưởng thức các tựa game mới ở độ phân giải cao nhất của nó. Bạn có thể can thiệp vào cấu hình phần cứng dễ hơn các hệ thống đóng khác, nhưng với giới hạn của bộ nguồn 180W thì không thể có bất kỳ một sự đột phá nào về cấu hình của hệ thống.

In this economy, the TouchSmart 520 is a bit steep at $1,400 direct from HP, though it's often marked down several hundred Benjamins via other retailers and HP itself, bringing the price down closer to $1,200. Either way, this is a solid machine for the money and a great example of how to build an all-in-one PC.

Giá bán lẻ 1400$ của TouchSmart 520 có lẽ vẫn hơi cao nếu trong bối cảnh kinh tế suy thoái hiện nay, người ta thích tìm các sản phẩm PC với cấu hình tiệm cận với giá thành hơn. Thông qua các đại lý bạn có thể đạt được mức giá tầm hơn 1200$. Tuy nhiên, với chúng tôi, 1400$ cũng vẫn xứng đáng với một thiết bị rất “ổn” như thế này.

Tốt:

- Cấu hình mạnh so với các đối thủ AIO khác
- Khả năng hiển thị và hỗ trợ hiển thị tốt
- Ổ đĩa cứng tương đối lớn (cho nhu cầu cá nhân)
- Bàn phím và chuột không dây đi kèm
- Giao diện Magic Canvas rất hấp dẫn
- Hệ thống âm thanh “high-end”

Chưa tốt:

- Tốc độ ổ cứng còn chậm
- Chưa đủ sức chơi các game mới trên nền DX11