Laptop

Zenbook: Sát thủ Macbook Air hay kẻ thất bại tiếp theo?

Zenbook: Sát thủ Macbook Air hay kẻ thất bại tiếp theo?
Cách đây 3 năm, tại MacWorld 2008, Steve Jobs và Apple đã thực sự làm chấn động thế giới với việc cho ra mắt dòng laptop mỏng đến không tưởng: Macbook Air. So sánh về tính di động, trọng lượng và kích thước, các đối thủ khác đều chỉ đóng một vai trò duy nhất: làm trò cười cho Apple. Và trong suốt khoảng thời gian 3 năm vừa qua (cho đến khoảng tháng 6 năm nay), chưa có một đối thủ xứng tầm với Apple tại phân khúc laptop siêu mỏng. Tất nhiên, các đối thủ của Apple không thể nào bỏ qua một thị trường rộng lớn, đầy tiềm năng và màu mỡ đến vậy. Trong khoảng cuối năm nay, các hãng sản xuất laptop trên thế giới đua nhau tung ra những mẫu laptop siêu mỏng siêu nhẹ, cấu hình tương đối để cạnh trạnh với Macbook Air. Hôm nay, chúng tôi đã có cơ hội được trải nghiệm với một trong số chúng: Ultrabook của Asus: Zenbook. Liệu sản phẩm của Asus có thể trở thành sát thủ của Macbook Air hay sẽ nối bước Samsung Series 9 và hàng loạt Ultrabook khác trở thành "kẻ thất bại tiếp theo"?.
 

 
* Phiên bản chúng tôi thử nghiệm là Zenbook UX21, màn hình 11", cấu hình cơ bản nhất.
 
Thông tin cơ bản
 
Thiết kế

Thường thì trong một bài review hay đánh giá laptop, tôi thường thích đặt cấu hình lên trước nhưng thiết nghĩ, riêng với những sản phẩm như Zenbook, yếu tố thiết kế mới là điều đầu tiên mà bất cứ ai quyết định bỏ tiền ra mua chúng quan tâm. Vì vậy, chúng tôi sẽ bắt đầu với ngoại hình của sản phẩm này.
 
Tổng quan
 
Ngay khi nhìn trực tiếp chiếc ultrabook của Asus, câu hỏi đầu tiên hiện lên trong đầu tôi phải chăng đây là một chiếc Mac Book Air màu đen? Thực vậy, ngoại hình Zenbook về căn bản cực giống Macbook Air: từ kiểu vát thân, cho đến cách bố trí các cổng USB trên thân máy. Ngẫm lại một chút mới thấy thiết kế mà Apple sáng tạo ra cách đây 3 năm dường như vẫn là cách hoàn hảo nhất để làm một chiếc laptop siêu mỏng. Đến khi tra lại kích thước chính xác của Zenbook tôi mới dám khẳng định cảm nhận của mình là hoàn toàn đúng: Zenbook có độ mỏng gần như y hệt Macbook Air: 0.3 cm ở điểm mỏng nhất và 1,7 ở điểm dày nhất. Tất nhiên, Zenbook có một số điểm khá khác biệt với Macbook Air (nếu không chắc chắn Asus đã bị Apple lôi ra tòa giống như Samsung).
 

 
Về trọng lượng, theo như công bố của Asus, UX21 có cân nặng khoảng 2.43 pounds (khoảng 1.1 cân nghĩa là tương đương Macbook Air 11") nhưng Zenbook cầm lại có cảm giác nặng hơn Mac Air khá nhiều. Ngay cả khi so sánh với Mac Air 13" mà tôi đang sở hữu, UX21, có lẽ với thiết kế của mình, tạo cảm giác nặng hơn tương đối. Tuy nhiên, đây không phải là một vấn đề là vì cảm giác chỉ là cảm giác và dù sao nó vẫn rất nhẹ. Ngoài ra, một điểm đáng lưu ý nữa là mặt nắp máy được trang trí bằng những đường vân trông khá lạ mắt.
 

Build quality
 
Một điểm cộng cho chất lượng thân máy của Zenbook. Phần vỏ máy được làm hoàn toàn bằng kim loại tạo cảm giác cực kỳ chắc chắn cho sản phẩm của Asus. Chúng tôi không dám thử nghiệm thực tế sức chịu đựng của sản phẩm nhưng thiết kế thân máy đem lại cảm giác an toàn và chắc chắn cho người sử dụng.
 

 
Tuy nhiên, một điểm thất vọng khá lớn và là một điểm trừ tương đối nặng cho UX21 là phần bản lề của máy. Bản lề của UX21 khá yếu, giống như rất nhiều sản phẩm siêu mỏng khác. Chỉ cần mở hơi quá góc vuông so với mặt bàn phím một chút, màn hình máy sẽ có xu hướng "oãi" ra một cách từ từ. Điều này tạo sự khó chịu không nhỏ cho quá trình sử dụng. Điều này cộng thêm màn hình mỏng khiến cho bạn chỉ cần rung nhẹ mặt bàn là đã cảm thấy "bất an" cho chiếc laptop thân yêu của mình. Tuy nhiên, do sản phẩm chúng tôi sử dụng không phải là máy mới 100% nên đây có thể chỉ là do máy đã qua sử dụng.
 
 
Một điểm nữa khiến tôi thất vọng là nắp máy, cụ thể hơn là phần được Asus thiết kế để giúp người dùng mở ra. Nếu như chưa có "kinh nghiệm", bạn sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi mở nắp máy Zenbook nhất là bằng một tay. Không phải vô cớ mà ngay cả chủ tịch Asus cũng gặp nhiều rắc rối trong vấn đề mở nắp máy sản phẩm ngay trong bài keynote ra mắt Zenbook cách đây không lâu. Ngoài ra, lực phân bổ trong quá trình mở máy không đều (rất nặng khi mở nhưng sau đó quá nhẹ) tạo cảm giác hụt hẫng và hoàn toàn thua xa cách thiết kế phân bố lực cực đều và hợp lý của nắp Macbook Air.
 
 
Bàn phím
 
Điểm tồi nhất của Zenbook chính là bàn phím. Nếu là một người sử dụng bàn phím liên tục và thường xuyên (với các công việc như viết bài của tôi chẳng hạn) thì tốt nhất bạn nên quên ngay sản phẩm của Asus đi. Bàn phím của máy không đến mức là một thảm họa kinh khủng nhưng với ngay cả những người dễ tính nhất cũng khó mà hài lòng với những gì Asus dành cho người dùng.
 

 
UX21" chỉ có màn hình 11" vì vậy không ngạc nhiên khi máy không có bàn phím số và thực ra, về quan điểm cá nhân tôi việc đưa bàn phím số lên một chiếc laptop dưới 17" là một ý tưởng khá ngu ngốc. UX21 sử dụng bàn phím kiểu iso late với khoảng cách giữa các phím tương đối lớn và rõ ràng. Các phím có bề mặt rộng, dẹt và tương đối lớn nếu nhớ rằng màn hình của máy chỉ có kích thước 11" (trừ các phím mũi tên di chuyển hơi nhỏ). Nghe đến đây bạn sẽ thắc mắc tại sao ở phía trên tôi lại chê bàn phím của UX21 đến như vậy. Nguyên nhân khiến cho bàn phím UX21 có lẽ chỉ nhận được thang điểm 3/10 nằm ở việc các phím bấm gần như không có hành trình và gần như không tạo cảm giác cho người gõ. Phím gần như không có độ nảy và đương nhiên, không tạo cảm giác cho người gõ. Điều này khiến cho bạn rất hay bị gõ nhầm.
 

 
Thử nghiệm thực tế bằng trang web speedtest, tôi với bàn phím Dell SK 8815 (fake) đạt tốc độ gõ tiếng việt trung bình khoảng 70 WPM với ít hơn 3 lỗi gõ sai trong một lần thử, con số này gần tương đương khi sử dụng bàn phím Macbook Air 13". Tuy nhiên, khi sang sử dụng Zenbook, dù cố gắng như nào đi nữa kết quả của tôi cũng chỉ dao động ở khoảng trên dưới 60 WPM với khoảng 10 lỗi gõ sai.
 
Ngoài ra, một điểm trừ nữa của Zenbook là bàn phím không có đèn backlit. Theo Asus, do máy nhỏ, ánh sáng màn hình là đủ dùng tuy nhiên theo cảm nhận của tôi, nếu trong bóng tối bật màn hình lên độ sáng sáng nhất để sử dụng bàn phím thì kể cũng khá đau mắt còn nếu không, bạn sẽ hơi khó để tìm kiếm các phím trong bóng đêm.
 

 
Touchpad
 
Sở hữu một touchpad lớn, cảm ứng đa điểm hoạt động khá mượt mà và chính xác. Các chức năng đa điểm được thiết kế khá hợp lý. Nói chung, về căn bản đây là một touchpad tốt. Tuy nhiên, nó vẫn chưa đánh bại được touchpad của Macbook Air, sản phẩm của Apple vẫn vượt trội trong tiêu chí này.
 

 
Loa
 
Một điểm cộng lớn cho UX21 ở tiêu chí đánh giá này. Sử dụng công nghệ âm thanh nổi của Asus và loa Bang & Olufsen, UX21 có chất lượng âm thanh tuyệt vời, nhất là xét ở điểm nó chỉ có màn hình 11". Loa của UX21 cho âm thanh to, rõ, ấm. Máy thể hiện âm thanh cực kỳ rõ ràng, không có hiện tượng lẫn âm như ở đa phần các loa laptop khác. Tuy nhiên, khi nghe ở mức âm thanh lớn nhất, máy vẫn có hiện tượng vỡ âm nhưng rất nhỏ và ít ảnh hưởng.

Về âm lượng, dù có màn hình 11" và kích thước nhỏ gọn, UX 21 vẫn rất "to mồm" đặc biệt khi sử dụng trong không gian hẹp. Giả sử nếu bạn có buổi party nho nhỏ khoảng 4 - 5 người tại nhà, UX21 hoàn toàn đáp ứng đủ nhu cầu thưởng thức âm nhạc của tất cả. Ngay cả trong những không gian lớn như văn phòng, loa ngoài của máy vẫn đặc biệt tốt.
 
Tuy nhiên, một điểm yếu của dàn loa này là nó khá ngốn pin. Thử nghiệm cho thấy, khi bật max, bộ loa ngày sẽ chiếm khoảng 1/3 điện năng tiêu thụ của máy.
 
Cấu hình
 
Thật ra, theo cá nhân tôi thì cấu hình không phải là điều quá đáng lưu tâm với những mẫu máy đã được liệt vào dạng ultrabook như Zenbook. Chúng đều thừa đủ đáp ứng những nhu cầu thông thường từ làm việc đến giải trí của người dùng. Với UX21, máy sử dụng chip Core i5 2467M, 4 GB RAM - quá thừa mứa cho những nhu cầu cần có của một chiếc ultra book. Thực tế, máy đáp ứng khá tốt các nhu cầu cơ bản: duyệt web, xem video... Ngay cả những game tương đối nặng nề như Street Fighter IV máy cũng có thể "gánh" cho dù không được thực sự mượt mà cho lắm. Ngoài ra, không thể không nhắc đến việc máy sử dụng ổ SSD tốc độ cao, điều này sẽ mang lại nhiều lợi ích chúng tôi sẽ đề cập ở phần sau của bài viết.
 
Nói thêm một chút về Core i5 2467. Đây là con chip dành cho thiết bị thuộc dòng Sandy Bridge. Đặc điểm nổi trội của Core i5 2467 là việc nó chỉ tiêu tốn 17W điện, điều này khiến cho Zenbook có thời lượng pin khá ấn tượng mà vẫn đảm bảo hiệu năng ở mức khá.
 
Màn hình
 
Một điểm trừ tiếp theo dành cho sản phẩm của Asus. UX21 có màn hình 11" độ phân giải 1366 x 768. Đây là độ phân giải thích hợp nếu không muốn nói là khá cao với kích thước màn hình 11", điểm này cộng với độ sáng ở mức 450 nit khiến chất lượng hình ảnh trên UX21 khá tốt.
 

 
Tuy nhiên, một điểm đáng buồn là bạn chỉ có thể thưởng thức trọn vẹn điều này nếu ánh nhìn của bạn vuông góc với màn hình. Thực tế, góc nhìn của UX21 là không tốt nếu không muốn nói là quá tồi. Chỉ cần bạn dịch lên trên, xuống dưới hoặc sang hai bên một chút, chất lượng hình ảnh đã giảm đi cực kỳ nhanh chóng. Và khi "đạt" đến góc khoảng 45 độ so với màn hình, gần như chắc chắn bạn sẽ không nhìn thấy gì. Nếu như góc nhìn theo chiều ngang chỉ ảnh hưởng nhiều khi bạn dùng chung với người khác thì góc nhìn trên dưới sẽ khiến quá trình làm việc của bạn không thoải mái hay dễ chịu cho lắm. Điểm trừ này lại càng lớn do màn hình của máy luôn có xu hướng "oãi" ra dễ thấy (do ảnh hưởng của bản lề).
 
Có độ sáng khá cao nhưng màn hình của UX21 lại không thể hiện được nhiều trong điều kiện ánh sáng ngoài trời. Trong thời gian chúng tôi test UX21, trời không có ánh sáng quá mạnh tuy nhiên ngay cả khi test dưới ánh sáng yếu, màn hình của máy đã bị lóa rất rõ ràng.
 

 
Cổng kết nối
 
Đây là điểm chúng tôi đánh giá UX21 cao hơn Macbook Air, ít nhất là với những nhu cầu thông thường hiện nay. Máy sở hữu 1 cổng kết nối USB 2.0, micro HDMI, miniVGA, audio Jack và đặc biệt là cổng USB 3.0 - điều mà các phiên bản Macbook Air đang thiếu. Phiên bản 11" chúng tôi thử nghiệm các cổng được bố trí như ảnh dưới. Các cổng kết nối được bố trí khá hợp lý, không gây nhiều khó khăn trong quá trình sử dụng trừ việc không có hai cổng USB bố trí gần nhau và cùng một bên để sử dụng những thiết bị yêu cầu 2 cổng USB. Tuy nhiên, đây là điều hiển nhiên với một ultra book.
 

 
Nói chung, nếu so sánh con số, chắc chắn Thunder Bolt nghe sẽ hấp dẫn hơn nhưng thực tế hiện giờ hầu như chưa có thiết bị nào phổ biến sử dụng cổng kết nối này hoặc tận dụng hết sức mạnh khổng lồ của nó. Một cổng USB 3.0 sẽ hiệu quả hơn vì thực tế, đến thời điểm này số lượng thiết bị sử dụng kết nối USB 3.0 đã rất nhiều, phổ biến và có mức giá chấp nhận được. Ngoài ra, hai cổng micro HDMI và miniVGA cũng khá hữu dụng.
 
Hiệu năng
 
Tôi đồ rằng sẽ hiếm người mua Zenbook hay bất cứ một mẫu Ultrabook nào về để chơi game hạng nặng vì vậy những bài test về cấu hình, khung hình chơi game tôi xin phép được bỏ qua. Trong phần hiệu năng này, tôi sẽ tập trung nhiều vào các con số có nhiều ý nghĩa với người sử dụng phổ thông hơn.
 
Pin
 
Chắc hẳn con số mà nhiều người quan tâm ở một chiếc laptop nói chung là thời lượng pin. Điều này lại càng đúng với những sản phẩm siêu di động như Zenbook. Nói chung, về căn bản do những đặc điểm về cấu hình kể trên, UX21 có thời lượng pin ở mức khá tốt. Máy sử dụng pin dung lượng 35Wh, theo nhà sản xuất cho thời lượng sử dụng lên đến khoảng 5h.
 

 
Theo thử nghiệm thực tế của chúng tôi, UX21 sạc đầy pin lướt web bằng Wifi liên tục được 4h35 phút (tính đến khi máy tự động tắt). Phép thử này chỉ sử dụng các tác vụ web đơn thuần, không xem video, không download và cũng không có ứng dụng chạy nền nào khác (ngoài những thứ mặc định của Windows). Thời gian tương đương của Mac Air MC965 là 7h20 phút (đây là mẫu 13").
 
Thử nghiệm với nhu cầu xem video, chúng tôi sử dụng video Victoria Secret Fashion Show 2011 1080p dài 45 phút làm phép thử. Xem video ở mức sáng màn hình lớn nhất, loa max bằng trình xem phim mặc định của máy UX21 "chịu" được khoảng 1h40p - một kết quả tương đối thất vọng vì thời gian này chỉ đủ để bạn xem một bộ phim full HD.
 
Nghi ngờ kết quả bị ảnh hưởng nhiều bởi loa, chúng tôi tiến hành thêm một phép thử khác. Bật video tương tự, độ sáng màn hình trung bình và tắt loa. UX21 chịu được 3 lần chạy video trên tương đương khoảng hơn 2 giờ. Kết quả tuy có khá hơn nhưng vẫn đem lại nhiều hụt hẫng.
 
Một điểm trừ lớn nữa của UX21 là thời gian sạc pin quá lâu. Không rõ có phải do phiên bản thử nghiệm có vấn đề hay không nhưng lần sạc đầu tiên (trong bài test của chúng tôi chứ không phải lần đầu tiên của máy). Thời gian cần để lên từ 91% lên 100 lên đến tận... 2 giờ. Lần sạc sau đó, UX21 ngốn của tôi hơn 4h để sạc đầy. Không rõ đây là lỗi của sản phẩm test, phần mềm hay tất cả Zenbook đều như vậy. Chúng tôi sẽ sớm liên lạc với Asus để có câu trả lời chính thức về vấn đề này.
 
Ổ cứng: Tuyệt vời SSD
 
Thú thật là trước nay tôi hầu như đã rất hài lòng với chiếc HDD của mình về mọi mặt nhưng từ khi có cơ hội tiếp cận và sử dụng ổ SSD, tôi mới thấy được sức mạnh và sự đáng tiền của linh kiện này. Và ổ SSD của Zenbook thực sự là một điều tuyệt vời.
 
Điểm đầu tiên tôi muốn nhắc đến là tốc độ khởi động. Máy chỉ mất vỏn vẹn 15s sau khi ấn nút nguồn để vào đến màn hình đăng nhập và khoảng 6s từ màn hình đăng nhập vào đến desktop. Thời gian này xấp xỉ Macbook Air và có nghĩa là sản phẩm của Asus chỉ mất có 7s để load Windows - một con số rất ấn tượng, thích hợp cho những người không thích chờ đợi. Ngoài ra, việc bật máy từ chế độ sleep chỉ mất có 2s để máy sẵn sàng.
 
Tốc độ đọc ghi của Zenbook cũng tương đối cao. Thử nghiệm bằng cách nhân đôi một file video 4.97 GB, chúng tôi mất khoảng hơn 50s - đồng nghĩa với tốc độ đọc ghi rơi vào khoảng 100 MB/s - nhanh hơn nhiều so với các ultrabook khác và tất nhiên, vượt trội so với những thiết bị sử dụng HDD. Tuy nhiên, nếu so với Mac Air có tốc độ khoảng 120 MB/s, Zenbook còn phải "cố gắng nhiều".
 
Tốc độ đọc ghi của ổ cứng cùng với các yếu tố khác về cấu hình như chip, ram đã giúp Zenbook đạt hiệu năng rất cao, nhất là so với kích thước của nó. Máy đạt 9857 điểm trong bài test của PcMark Vantage, thấp hơn Macbook Air nhưng vượt trội so với các ultrabook khác (trung bình khoảng 5000).
 
Ngoài ra, với Zenbook, các tác vụ khiến bạn thở ngắn than dài trước đây như cài lại Win, copy file... sẽ "nhẹ gánh" đi khá nhiều. Thử nghiệm thực tế cho thấy thời gian để Zenbook cài xong Windows 7 chỉ rơi vào khoảng dưới 5 phút. Tổng thời gian mà máy cần để cài lại Win, tất cả các phần mềm, driver mặc định đi kèm máy chỉ khoảng dưới 30 phút - một con số cực ấn tượng nếu bạn biết khoảng thời gian này với đa phần các laptop là khoảng 1 đến 2 giờ.

Nhiệt độ
 
Với nhu cầu sử dụng bình, nhiệt độ của máy luôn ở mức ổn định và không có dấu hiệu quá nóng ngay cả ở những vị trí nhạy cảm như bàn phím, vỏ mặt sau máy cũng không hề có dấu hiệu quả nóng. Sử dụng các phần mềm đo cho thấy nhiệt độ bên trong máy luôn ổn định.
 
Giá
 
Sản phẩm của chúng tôi test có giá đề xuất 27 triệu đồng, là phiên bản 11" sử dụng chip Core i5 2467M, RAM 4 GB, HĐH Windows 7 Pro và bộ Office 2010 Starter. Ngoài ra còn có bộ phần mềm hỗ trợ riêng của Asus bao gồm: ASUS Power Wiz gadget (quản lý pin), Asus ToolFolder...
 
Tổng kết
 
Nói chung, về căn bản Zenbook là một sản phẩm khá tốt. Máy có hiệu năng cao, thuận tiện di chuyển, đáp ứng đầy đủ và hoàn hảo các nhu cầu cơ bản. Tuy nhiên, bàn phím của máy sẽ khiến bạn khó chịu. Ngoài ra, mức giá khá cao sẽ là một rào cản lớn đối với Zenbook.
 
Ưu:
 
- Máy mỏng nhẹ, tiện di chuyển
- Pin khá tốt
- Chất lượng âm thanh tuyệt vời
- Chắc chắn
- Trackpad tốt
- Hiệu năng cao
- Có cổng USB 3.0
- Dùng Windows
 
Nhược:
 
- Bàn phím tệ
- Màn hình có góc nhìn quá hẹp
- Góc cạnh quá sắc
- Pin sạc lậu !??
 
Tóm lại, nếu như là người có nhu cầu bình thường, không quá khó tính, bạn sẽ hài lòng với sản phẩm của Asus. Nhưng nếu như xác định sử dụng bàn phím rất nhiều (như tôi chẳng hạn), bạn sẽ không có thiện cảm lắm với sản phẩm này. Ngoài ra, mức giá 27 triệu đồng là rất cao, với tầm tiền này, Macbook Air là một lựa chọn thích hợp hơn. Bản thân tôi cho rằng nếu muốn cạnh tranh với Apple, mức giá nên giảm xuống quanh mức 22 triệu đồng.