Tư vấn

Lựa chọn máy ảnh compact như thế nào? (Kỳ 1)

Lựa chọn máy ảnh compact như thế nào? (Kỳ 1)

So với vài năm trước đây, hiện tại, những chiếc máy ảnh nhỏ gọn (compact – hay Point and Shoot) đã kém phổ biến đi rất nhiều. Người ta giờ đây có xu hướng lựa chọn tách biệt hẳn: nếu muốn chất lượng cao cấp, sẽ lựa chọn những dòng máy như DSLR với khả năng thay đổi ống kính đa dạng, nhiều phụ kiện; còn nếu chỉ cần một chiếc máy cho hình lưu niệm, dễ dàng mang đi khắp mọi nơi, người ta sẽ chọn mang theo những chiếc smartphone với chất lượng hình ảnh ngày càng đáng nể.

Lựa chọn máy ảnh compact như thế nào? (Kỳ 1)-image-1394010527677

Camera trên smartphone đang đẩy máy ảnh compact tới bờ vực thẳm

Dù vậy, cho tới thời điểm này, những chiếc máy ảnh nhỏ gọn vẫn tìm được hướng đi riêng cho mình, bằng việc cố gắng càng ngày càng nâng cao chất lượng hình ảnh, đồng thời “nhồi nhét” thêm nhiều tính năng thời thượng để không thua kém quá xa những chiếc smartphone.

Và dưới đây là những lưu ý quan trọng nhất khi bạn lựa chọn cho mình một chiếc máy ảnh compact ở thời điểm này.

Kích thước cảm biến

Lại một lần nữa chúng tôi muốn nhắc nhở bạn đọc, mặc dù chắc hẳn nhiều người đã rõ về vấn đề này: con số “chấm”, hay độ phân giải của máy ảnh kh&ocirocirc;ng phải là một thước đo quan trọng khi đi shopping. Với tuyệt đại đa số các máy ảnh compact hiện nay, chúng đều có độ phân giải ít nhất từ 12  - 13 mpx (triệu điểm ảnh). Hầu hết ảnh chụp ngày nay đều chỉ để “post” lên mạng xã hội hoặc in ấn với kích thước rất hạn chế, do đó độ phân giải này là quá thừa thãi. Khi mua bất kỳ loại máy ảnh nào bạn cũng không cần chú ý tới vấn đề này nữa.

Lựa chọn máy ảnh compact như thế nào? (Kỳ 1)-image-1394010533281

So sánh các kích cỡ cảm biến phổ dụng

Trái lại, kích thước cảm biến lại là một điều vô cùng quan trọng, quyết định nhất đến chất lượng hình ảnh. Đa phần máy ảnh compact cỡ phổ thông đều có kích thước cảm biển ở vào khoảng 1/ 2.3 inch, do đó chênh lệch về mặt chất lượng hình ảnh (độ “no” màu, khả năng “cứu” chi tiết vùng sáng, vùng tối) đều tương tự nhau. Những mẫu máy được trang bị cảm biến lớn hơn đều được xếp vào phân khúc cao cấp và có chất lượng hơn hẳn, khả năng chụp trong các điều kiện ánh sáng yếu cũng nổi trội hơn.

Ví dụ như cảm biến của chiếc Fujifilm X10 đạt mức 2/3 inch. Kích thước này, cộng với lưới lọc màu sắc độc quyền của Fujifilm cho chất lượng hình ảnh rất khá, đặc biệt là khả năng tái tạo nhiễu ở các độ nhạy sáng cao đậm chất máy phim.

Lựa chọn máy ảnh compact như thế nào? (Kỳ 1)-image-1394010537119

G1X với cảm biến 1.5 inch, thuộc hàng lớn nhất trong số những chiếc máy ảnh compact

Hay như những chiếc G1X hay G1X Mark II của Canon cũng rất nổi tiếng với cảm biến ảnh 1.5inch, chỉ nhỏ hơn không đáng kể những chiếc máy ảnh DSLR. Điều này khiến chất lượng hình ảnh của chúng không thua kém là bao so với các mẫu máy đàn anh với kích thước và trọng lượng lớn hơn nhiều.

Ống kính

Trong thế giới máy ảnh DSLR, ống kính quan trọng thế nào thì với máy ảnh compact, thành phần này thậm chí còn quan trọng hơn. Tại sao ư? Vì với máy compact, bạn phải “đời đời” gắn bó với ống kính mà nhà sản xuất đã lắp đặt, không có khái niệm tráo đổi sang loại ống kính khác tốt hơn. Độ sắc nét, độ tương phản, khả năng khắc phục quang sai của ống kính sẽ không đổi, cho tới khi bạn thay hẳn sang một chiếc máy khác.

Lựa chọn máy ảnh compact như thế nào? (Kỳ 1)-image-1394010541088

Khoảng zoom phổ biến của những ống kính chất lượng nhất chỉ vào tầm 4x

Do đó, để thuận tiện cho khách hàng, với các máy ảnh compact, các nhà sản xuất thường tích hợp các ống kính zoom quang, với dải zoom phổ biến từ 4x (với các máy kích thước nhỏ) tới hàng trăm x (ở các máy siêu zoom). Nhưng cũng như trên ống kính của máy DSLR, khoảng zoom càng lớn thì càng khó để những nhà sản xuất tạo ra các ống kính tốt trên toàn dải tiêu cự. Tất nhiên, nếu có thì chúng cũng sẽ khiến giá thành đội lên rất nhiều.

Để tối ưu cho chất lượng hình ảnh, cũng như cân bằng với chi phí, một chiếc máy ảnh với zoom quang 4x – 6x là lựa chọn tốt nhất. Đặc biệt, nếu mẫu máy được tích hợp khả năng chống rung thì càng là lợi thế, vì ở các tiêu cự lớn nhất, với thiết kế nhỏ gọn của máy compact, sẽ rất khó để giữ chắc máy.

Lựa chọn máy ảnh compact như thế nào? (Kỳ 1)-image-1394010546227

Ống kính Leica, lời khẳng định cho chất lượng hình ảnh

Những dòng ống kính mà bạn hoàn toàn có thể "đặt trọn niềm tin" khi nhìn thấy trên những chiếc máy ảnh compact đó là : Leica trên những chiếc Panasonic LX, Zeiss trên những chiếc Sony RX, hay Fujinon trên những chiếc máy ảnh Fujifilm.

Một số mẫu máy cực kỳ cao cấp, như chiếc X100 của Fujifilm, hay RX1 của Sony sử dụng các ống kính có tiêu cự fix (cố định). Hẳn nhiên, ống kính fix luôn cho chất lượng vượt trội các ống kính zoom, tuy nhiên bạn sẽ phải đánh đổi về giá thành và mức độ tiện dụng. Nếu không đòi hỏi chất lượng chụp hình quá cao, cũng như túi tiền không quá rủng rỉnh, thì có lẽ chưa nên "mơ" về các siêu phẩm này.

Lựa chọn máy ảnh compact như thế nào? (Kỳ 1)-image-1394010551222

RX1 với ống kính fix của Carl Zeiss cho chất lượng tuyệt vời, đi kèm mức giá ngất ngưởng

Bạn cũng không nên để ý tới các quảng cáo về “zoom số” tới hàng trăm x của các nhà sản xuất. Zoom số cho chất lượng vô cùng kém, tới nỗi chỉ nên dùng trong những hoàn cảnh bắt buộc mà thôi!

Hotshoe

Chân cắm Hotshoe là điều bắt buộc nếu bạn thực sự muốn theo đuổi những bức ảnh chất lượng trên máy ảnh (dù là máy ảnh compact). Không chỉ đơn thuần có nhiệm vụ gắn Flash, nhiều nhà sản xuất còn tích hợp khả năng kết nối với các phụ kiện độc đáo như micro, ống ngắm quang, hay thiết bị chỉ thị GPS.

Một vài mẫu máy ảnh có tích hợp hotshoe có thể kể tới là Canon dòng G, Fujifilm dòng X, hay Nikon Coolpix A,…

Lựa chọn máy ảnh compact như thế nào? (Kỳ 1)-image-1394010561271

Hotshoe cho phép cắm nhiều loại phụ kiện chứ không chỉ Flash

Tất nhiên, những dòng máy được trang bị Hotshoe đều là những chiếc máy khá lớn, do đó nếu túi quần của bạn không quá lớn, thì có thể xem xét bỏ tiêu chí này khỏi danh mục chú ý của mình.

Màn hình LCD/ViewFinder

Máy ảnh compact hầu như đều sử dụng LCD làm công cụ để “ngắm” trước bức hình. Đây là một lợi điểm cho những người dùng không chuyên, vì họ có thể dễ dàng thử các cài đặt khác nhau để cho ra bức hình tốt nhất mà không cần quá thấu hiểu các thông số nhiếp ảnh. Nhiều mẫu máy mới đều được trang bị màn hình LCD cảm ứng giúp khả năng điều chỉnh thông số thuận tiện hơn, cũng như tăng độ phân giải màn hình để hình ảnh “review” gần sát với bức ảnh thực khi đổ ra trên máy tính nhất. Đây đều là những tính năng “hay ho”, tuy nhiên chúng lại làm “căng thẳng” thêm vấn đề về pin mà chúng tôi sẽ trình bày trong kỳ sau. Ngoài ra, một số mẫu máy bắt đầu được trang bị màn hình xoay lật, giúp thao tác “tự sướng” trở nên dễ dàng hơn.

Lựa chọn máy ảnh compact như thế nào? (Kỳ 1)-image-1394010565999

Fuji X100 được trang bị ống ngắm quang học, cho cảm giác tương tự các máy DSLR

Nhiều mẫu máy cao cấp trang bị thêm một ống ngắm quang (OVF) hoặc ống ngắm điện tử (EVF), để tái tạo lại sự tiện lợi khi sử dụng các mẫu DSLR. Đây là lựa chọn tuyệt hảo khi gặp các tình huống ánh sáng mạnh, màn hình LCD bị lóa, hoặc khi chụp macro. Nó cũng là giải pháp tốt giúp hạn chế tình trạng rung máy (lúc này, ta sẽ có thêm điểm tựa vào trán, thêm vào điểm tựa vốn có của 2 tay). Một kính ngắm EVF tốt sẽ có độ phân giải từ 1mpx cho tới hơn 2mpx.

(Còn tiếp)

Đọc thêm: Kinh nghiệm cần biết cho những người mua máy ảnh DSLR

Tác Gia