Điện thoại

Trải nghiệm LG G5: Có đáng bỏ 16 triệu đồng cho chiếc điện thoại này?

Trải nghiệm LG G5: Có đáng bỏ 16 triệu đồng cho chiếc điện thoại này?

Thiết kế và phần cứng

G5 với thiết kế mới của LG

LG đã hướng tới một thiết kế hoàn toàn khác với chiếc G5 so với những phiên bản trước đó. Thiết kế năm nay đã không còn những nút âm lượng đằng sau mặt lưng và xu hướng cong tối ưu. Chiếc máy này có thể tóm lại là một sự kết hợp giữa chiếc Nexus 5X và Nexus 6P. Đây chắc chắn không phải là một chiếc điện thoại tệ, chỉ là cảm giác nó thiếu sự tinh tế từ những mẫu trước đó.

LG đã sử dụng công nghệ bọc vỏ nhôm của máy với một loại sơn kim loại để giấu đi những đường kẻ ăng-ten mà bạn thường thấy ở một chiếc điện thoại vỏ kim loại. Bản chất của nó vẫn là làm bằng kim loại, nhưng bạn sẽ không cảm nhận được điều đó khi cầm trên tay. Ban đầu tôi cứ nghĩ chiếc điện thoại sẽ có cảm giác như những chiếc điện thoại bằng kim loại khác, nhưng càng sử dụng thì càng cảm thấy đây là một chiếc điện thoại vỏ nhựa. Một vài chiếc điện thoại vỏ nhựa cho cảm giác trơn và rẻ tiền, tuy nhiên chiếc G5 lại không như vậy. Nó vẫn khá mịn (hơi trơn) như một chiếc điện thoại vỏ kim loại, nhưng lại không cho bạn cảm giác hơi lạnh của kim loại khi cầm nắm.

Hình ảnh cụm Camera kép của LG G5

Cụm camera đằng sau lưng máy có thiết kế hơi lồi ra, tuy nhiên không nhiều như bạn đang thấy trên ảnh. Thiết kế nghiêng xung quanh camera tạo cho bạn cảm giác như nó đang lồi ra rất nhiều nhưng thực sự nếu nhìn từ cạnh của máy thì nó chỉ hơi nhô ra một chút. Camera cũng có viền xung quanh để giữ cho ống kính không chạm vào bề mặt khi đặt xuống. Nhìn chung thì chiếc G5 cho cảm giác khá tốt trên tay, nhưng không được thoải mái như chiếc Galaxy S7 đến từ đối thủ Samsung.

Thiết kế Module

Hình ảnh G5 khi tiến hành tháo Module pin ra khỏi máy

Rõ ràng là thiết kế Module là một phần quan trọng của chiếc G5. Phần cạnh dưới của chiếc điện thoại có thể trượt ra nhưng hộp đạn của một khẩu súng. Bạn có thể thay một cục pin mới hoặc sử dụng thêm những phụ kiện Module của LG.

Ý tưởng của một chiếc điện thoại Module khá là thú vị và chúng tôi đánh giá cao việc LG đang cố gắng làm điều gì khác biệt, có thể trong tương lai sẽ có nhiều phụ kiện hấp dẫn hơn. Tuy nhiên tại thời điểm hiện tại thì nó chưa thực sự có nhiều tác dụng. Chúng tôi cá là nhiều người thậm chí sẽ chẳng bao giờ trượt phần cạnh dưới của máy ra để thay pin. 

Thiết kế Module này làm việc rất trơn tru. Việc tháo pin ra có thể hơi phức tạp ban đầu nhưng dần dần bạn sẽ quen. Chiếc G5 khởi động khá nhanh sau khi bạn lắp pin vào. Chúng tôi không có cơ hội để đánh giá Module Cam Plus hoặc Module Hifi, nhưng có vẻ chúng chạy tương đối tốt dựa vào những gì LG thể hiện tại triển lãm MWC.

Tóm lại là thiết kế Module sẽ là một thứ gì đó bạn có thể thích hoặc là hoàn toàn không nghĩ đến nó. Những người tận dụng được những phụ kiện Module có thể sẽ thích chiếc G5 này hơn một chút, nhưng đó cũng không phải là lý do bạn tìm kiếm để có một trải nghiệm tốt. Vì về cơ bản G5 thực sự là một chiếc điện thoại tốt.

Những tính năng phụ

Cảm biến vân tay của G5 ở ngay phía dưới cụm camera sau.

Đa số những chiếc điện thoại flagship hiện nay đều có tính năng quét vân tay, nhưng không phải cái nào cũng giống nhau. Chiếc G5 là một trong những điện thoại có bộ phận quét vân tay nhạy nhất và tốt nhất hiện nay. Trải nghiệm tính năng này trên G5 cho kết quả rất nhanh và chính xác, đôi khi bạn còn cảm giác như chưa kịp chạm tay vào máy quét mà màn hình đã mở khóa. Đây là một tính năng mà chiếc G5 vượt trội hơn hẳn so với chiếc S7. Máy quét được đặt ở phần lưng của máy, một số người cho rằng như vậy là khó chịu nhưng cá nhân tôi thấy đây là vị trí rất thích hợp để đặt máy quét.

LG sử dụng cổng USB Type-C, những người mới sử dụng sẽ thích lựa chọn này, nó cao cấp hơn cổng MicroUSB rất nhiều. Bạn không phải lo về việc cắm dây như nào, cũng như tốc độ truyền tải tăng lên rõ rệt. Tuy nhiên đi kèm với những thay đổi này cũng có một số bất tiện. Đó là bạn sẽ không dùng được những chiếc sạc MicroUSB trước đây của mình nữa, nếu có lỡ đánh mất thì bạn đành phải mua cái mới thôi.

Hiển thị

LG vẫn sử dụng màn hình LCD 5.3 inch với độ phân giải QHD

Không có gì phải bàn về hiển thị của những chiếc điện thoại flagship bây giờ nữa, tất cả trông đều lung linh. Chiếc G5 trang bị màn hình LCD 5.3 inch với độ phân giải Quad HD. Nếu so sánh phần hiển thị với chiếc S7 thì màu của chiếc G5 trông thực tế hơn và phần màu đen thì không sâu bằng. Chúng ta không thể chọn LCD hay AMOLED là tốt nhất, cả hai đều có những mặt tốt và không tốt. Quyết định sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào cảm nhận của từng người.

Một tính năng mới của chiếc G5 này là tính năng “luôn hiển thị”. Bạn có thể thấy ngày, giờ, thông báo khi màn hình đã tắt. Phần thông báo chính là tính năng tuyệt nhất ở đây. Khi có một thông báo mới, trên màn hình sẽ hiện thị một biểu tượng lớn trong vài giây sau đó thu nhỏ xuống bên dưới phần đồng hồ. Tính năng này rất tiện dụng so với tính năng “luôn hiển thị” của chiếc S7- chỉ hiển thị ngày và giờ. Mặc dù dùng màn LCD nhưng LG đã điều chỉnh việc ngốn pin là ít nhất khi bật chế độ “luôn hiển thị”.

Tính năng "luôn hiển thị" trên G5 còn hiển thị cả những thông báo

Hiệu năng và pin

Hiệu năng trên chiếc G5 phải nói là rất tốt. LG đã trang bị chip snapdragon 820 và ram 4Gb, và thực sự nó chạy rất nhanh (thậm chí còn nhanh hơn S7). Chúng tôi không gặp bất cứ hiện tượng giật, lag nào. Chỉ có một phần duy nhất bạn có thể cảm thấy hơi chậm đó là phần điều chỉnh tiêu cự trong camera. Đôi khi phải mất vài giây để điều chỉnh, nó không phải là lag, bạn có thể thấy tiêu cự thay đổi từ từ.

Thời lượng pin của chiếc G5 theo tôi đánh giá là trung bình. Đa số hằng ngày tôi dùng khoảng 13-14 tiếng với 3-4 tiếng on screen. Đây là khi tính năng “luôn hiển thị” được bật. Sẽ hơi chật vật nếu trong một ngày bạn chỉ sạc 1 lần. Điều này cũng khá là phổ biến cho đa số các smartphone bây giờ. Nhìn chung pin của G5 ở mức tương đối so với chiếc Galaxy S7, theo đánh giá thì không bằng.

Tuy nhiên bạn không cần quá bận tâm về vấn đề này, bạn có thể mang theo một cục pin khác để thay hoặc có thể sạc lại khá nhanh vì chiếc G5 sử dụng công nghệ sạc nhanh 3.0. Tất nhiên là thời lượng pin tốt hơn vẫn là giải pháp lý tưởng hơn.

Camera

Tại phần lưng của chiếc G5 là một cụm bao gồm 2 camera hoàn toàn mới. LG không phải là nhà sản xuất đầu tiên sử dụng thiết kế này, nhưng cách làm của họ thì có chút khác biệt. Hai chiếc camera hoạt động hoàn toàn biệt lập với nhau, một chiếc thì giữ nguyên ống kính 16MP như chiếc G4, trong khi chiếc còn lại là một ống kính 8MP với góc nhìn 135 độ.

Đầu tiên hãy nói về chiếc 16MP. Tôi đã rất ấn tượng với camera của chiếc G4, và chiếc G5 cũng vậy. Nó cho ảnh với màu sắc đẹp và độ chi tiết cao trong nhiều điều kiện khác nhau. Camera chính của chiếc G5 này cũng tốt như là camera của chiếc S7, chỉ trừ trong điều kiện thiếu sáng thì chiếc S7 trội hơn.

Giao diện camera của LG G5. Máy hỗ trợ chế độ chỉnh ảnh hoàn toàn bằng tay, phơi sáng từ 1/3200 tới 1/30.

Chiếc camera góc rộng cho một trải nghiệm mới mẻ. 135 độ tạo ra một sự khác biệt lớn so với ống kính 78 độ của camera chính. Mắt của con người có góc nhìn khoảng 200 độ, vì vậy nó cho hình ảnh gần hơn với những gì mắt người có thể nhìn thấy. Chất lượng ảnh thì chắc chắn là không thể tốt bằng camera chính, nhưng cũng không đến nỗi tệ. 

Hình ảnh chụp từ 2 camera của G5 

Bên cạnh đó thì phần mềm camera của LG vẫn đang là một trong những phần mềm tốt nhất trên thị trường. Giao diện có thể đơn giản hay phức tạp tùy theo ý muốn của bạn. Dù có cài đặt như nào đi nữa, sẽ luôn có 2 phím để chuyển nhanh giữa 2 camera. Bạn còn có thể chuyển giữa 2 camera trong khi đang quay phim. Camera của G5 có khả năng cạnh tranh với bất cứ camera trên smartphone nào hiện nay.

Phần mềm

Giao diện Android tùy chỉnh của LG thì rất thống nhất. Tuy nhiên G5 lại không có App Drawer, để lấy lại nó bạn phải cài UX 4.0 Launcher thông qua cửa hàng ứng dụng của LG. Nói về launcher UX này, trông nó khá tao nhã. Họ sử dụng chủ đề màu sáng với nhiều màu trắng, xám và xanh nhạt.

Giao diện của UX 4.0 Launcher trên G5

Không có quá nhiều thay đổi về phần mềm của LG. Phần loại bỏ App Drawer cũng đáng nhắc đến, nhưng thực sự nó có thể cho trải nghiệm tốt hơn cho đa số người dùng. Những ai nhớ App Drawer có thể dùng một launcher của bên thứ 3.

Kết luận

Chúng ta có thể ví von chiếc G5 là một chiếc bánh kem. Nó có tất cả những phần thêm vào trang trí phía trên của chiếc bánh mà bạn muốn, với thiết kế Module là quả anh đào. Có hoặc không có quả anh đào, bạn vẫn được thưởng thức một chiếc bánh ngon. Quả anh đào sẽ làm bánh ngon hơn, nhưng không có quả anh đào không làm cho phần còn lại của cái bánh dở đi.

Nếu bạn có thể tìm thấy những mục đích sử dụng cho thiết kế Module, dù chỉ là thay pin hoặc tận dụng những module khác, thì chiếc G5 sẽ là một lựa chọn tuyệt vời. Nếu như bạn không quan tâm đến vấn đề đó, G5 vẫn là một chiếc điện thoại xuất sắc.

Tham khảo phandroid.com

 

Trên tay LG G5 xách tay Hàn vừa đổ bộ vào thị trường Việt Nam

(Techz.vn) Đây là chiếc LG G5 xách tay đầu tiên có mặt tại thị trường di động trong nước. Máy được bán ra với mức giá 16,68 triệu đồng.