Khoa học & Đời sống

Shark Phạm Thanh Hưng: Làm kinh doanh đừng chăm chăm nghĩ đến tiền, khi bạn tạo ra giá trị cho cộng đồng tiền tự nhiên sẽ tới!

Shark Phạm Thanh Hưng: Làm kinh doanh đừng chăm chăm nghĩ đến tiền, khi bạn tạo ra giá trị cho cộng đồng tiền tự nhiên sẽ tới!

Có thể bạn đã nghe về câu châm ngôn này hàng nghìn lần: "Nếu mục tiêu duy nhất của bạn là trở nên giàu có, bạn sẽ chẳng bao giờ đạt được nó", theo John D. Rockefeller, tỷ phú đầu tiên của nước Mỹ. Tuy nhiên, trong các bài học làm giàu, nó luôn xứng đáng được nhắc lại thêm lần nữa. Sở dĩ vậy bởi vì giàu có là kết quả của một quá trình và sản phẩm phụ của những giá trị tốt đẹp mà bạn đem đến cho xã hội, cộng đồng chứ không phải là thứ ngay lập tức có thể chạm tới được.

Điều này được chính shark Phạm Thanh Hưng chia sẻ trên trang cá nhân mới đây. "Cá mập" Hưng được rất nhiều người yêu mến qua chương trình Shark Tank Việt Nam đã đưa ra những ý kiến rất xác đáng về việc kiếm tiền, làm giàu.

Thông thường, nói đến chuyện làm giàu, nhiều người thường nghĩ đến việc làm làm cách nào để kiếm được thật nhiều tiền. Những người thường hay thắc mắc rằng, không hiểu những doanh nhân làm thế nào mà có được nhiều tiền đến vậy. Lý giải điều này, shark Hưng chia sẻ: "Thường những người kinh doanh thành công họ có vẻ không quan tâm đến tiền đâu. Các bạn cứ để ý mà xem, họ thường chỉ coi tiền như một công cụ chứ không phải mục đích".

Ảnh: Shark Tank Việt Nam.

Theo shark Hưng, tiền rất quan trọng, nhưng nó chỉ là công cụ giúp chúng ta thực thi mục tiêu của mình. Khi đạt được thành công, tiền có thể được coi là một công cụ để đo lường sự thành công đó. Nhưng đó cũng không phải là thước đo duy nhất của sự thành công.

Shark Hưng khuyên những người trẻ đang khao khát thành công, làm giàu rằng, hãy cứ phấn đấu vì mục tiêu đem lại các giá trị tốt đẹp cho cuộc sống, làm những điều có ích cho khách hàng, cộng đồng thì tiền tài tự nhiên sẽ tới. "Còn nếu không làm được gì tốt cho xã hội, không làm điều gì có giá trị cho cộng đồng, cho cuộc sống thì chắc chắn chúng ta chẳng bao giờ có tiền cả", "Cá mập" nhận định.

Rất nhiều tỷ phú nổi tiếng trên thế giới có quan điểm tương tự với shark Phạm Thanh Hưng. Tỷ phú Richard Branson đã bắt đầu khởi nghiệp khi mới 16 tuổi, nhưng điều ông theo đuổi không phải là tiền bạc mà là mong muốn cung cấp những sản phẩm tốt hơn, trải nghiệm tuyệt vời hơn cho khách hàng.

Richard Branson xây dựng hàng trăm thương hiệu Virgin với mục tiêu tìm đến các thị trường với khách hàng được phục vụ kém, quá tải và các đối thủ cạnh tranh tự mãn, để biến kinh doanh thành một thế lực vì sự tốt đẹp".

Đối với Richard, giàu có là kết quả của quá trình xây dựng thương hiệu, không phải mục tiêu. Thành công của Richard Branson là mỗi khi nhắc đến Virgin Galactic, bất kỳ ai cũng sẽ nhớ đến sứ mệnh đặc biệt của dự án này: "Thổi hồn sự quyến rũ vào ngành công nghiệp vũ trụ". Ông còn khởi xướng quỹ phi lợi nhuận mang tên Virgin Unite để giải quyết các vấn đề toàn cầu, xã hội và môi trường... Và đó cũng là cách mà ông trở thành tỷ phú.

"Cá mập" Kevin O’Leary, ngôi sao của chương trình truyền hình thực tế Shark Tank Mỹ cũng cho rằng, bài học quan trọng để đạt được thành công là đừng theo đuổi tiền bạc.

"Việc bắt đầu con đường kinh doanh chính là một hành trình. Đôi khi hành trình đó kết thúc với một số tiền lớn, giúp bạn xây dựng sự tự do cá nhân. Và đó chính là điều bạn nên theo đuổi và tập trung vào. Tôi không cần nhiều tiền hơn. Tôi chỉ muốn làm những điều tôi thích làm trong cuộc sống, và tiền bạc cho phép tôi làm được những điều đó", O’Leary giải thích cho quan điểm kinh doanh của mình.

Tóm lại, giàu có không bắt nguồn từ việc kiếm tiền mà là kết quả của một quá trình hoàn thiện vô số khía cạnh khác như bổ sung hiểu biết đặc biệt, kỹ năng khác biệt... để đem đến những giá trị khác biệt cho cuộc sống, cộng đồng. Nếu bạn chỉ tập trung vào kiếm tiền, bạn sẽ quên đi những việc mình thực sự cần làm.

Theo Nhịp sống kinh tế

 

Shark Hưng: "Stress là do bản thân mình tạo ra, đó là tâm bệnh. Tại sao bị sếp mắng vài câu lại stress ngay lập tức?"

(Techz.vn) Dù nguyên nhân có là gì thì stress cũng gây tổn hại nhiều đến sức khỏe tinh thần và thể chất của chính bạn. Thậm chí, stress kéo dài có thể gây ung thư.