Phát hiện chi tiết nguy hiểm bên trong con tàu bị lật ở Quảng Ninh, cứu hộ nhận tin báo lúc mấy giờ?
Những thông tin xoay quanh vụ lật tàu Vịnh Xanh 58 ở vịnh Hạ Long, Quảng Ninh tiếp tục thu hút sự chú ý của dư luận những ngày này. Một số chuyên gia nhận định, cần xem lại thiết kế của tàu Vịnh Xanh 58 để rút kinh nghiệm.
Vụ lật tàu chiều 19/7 tại vịnh Hạ Long, Quảng Ninh để lại nỗi đau khó khỏa lấp với dư luận Việt Nam những ngày qua. Con tàu gặp nạn vào lúc 13h30, không lâu sau khi xuất phát, cũng nằm không quá xa bờ. Đáng tiếc, cuối cùng số người sống sót chỉ dừng lại ở con số 10, tính đến sáng 24/7 đã có 37 người tử vong, hiện vẫn còn 2 người mất tích chưa được tìm thấy.
Sau vụ tai nạn đường thủy đặc biệt nghiêm trọng vừa qua, nhiều chuyên gia kỹ thuật đã lên tiếng về những bất cập trong thiết kế, trang bị và tiêu chuẩn an toàn của tàu du lịch hoạt động tại khu vực này.
Vẫn còn lỗ hổng trong cảnh báo khẩn cấp?
Trao đổi với Dân Trí, PGS.TS Nguyễn Đức Ngọc (Đại học Thủy lợi), người theo dõi sát sao thông tin và hình ảnh về tàu Vịnh Xanh 58 cho rằng vụ việc đã bộc lộ nhiều điểm yếu trong hệ thống cảnh báo và tiêu chuẩn an toàn hiện hành. Ông nhấn mạnh vấn đề lớn nhất chính là sự thiếu vắng hệ thống phát tín hiệu cấp cứu khẩn cấp trên tàu.
Theo ông Ngọc, đối với tàu du lịch chở từ 40-50 người trở lên, cần bắt buộc trang bị hệ thống phát tín hiệu cầu cứu vệ tinh để gửi vị trí khẩn cấp về trung tâm kiểm soát. Ngoài ra, cần lắp đặt thêm nút báo khẩn bằng sóng radio để các trạm gần bờ có thể nhanh chóng định vị và triển khai ứng cứu. Tuy nhiên, tàu Vịnh Xanh 58 chỉ được trang bị bộ định vị GPS, vốn dễ mất tín hiệu khi gặp nước.
“Cần trang bị những bộ phát tín hiệu cấp cứu trong trường hợp khẩn cấp hiện đại hơn đối với các tàu du lịch chở khách đang hoạt động trên Vịnh Hạ Long để có thể sớm ứng cứu trong những trường hợp cần thiết”, PGS.TS Nguyễn Đức Ngọc đề xuất.
Vị chuyên gia cũng cho rằng, với đặc thù là vùng biển chứ không phải khu vực thủy nội địa đơn thuần, các tàu du lịch trên Vịnh Hạ Long cần đạt tiêu chuẩn tương đương tàu biển, ít nhất có khả năng chịu gió cấp 5-6, thậm chí cả dông lốc cấp 8. Tuy nhiên, theo quan sát, tàu Vịnh Xanh 58 khó có khả năng chống chịu gió cấp 8 do không có thiết kế chống lật.
Ngoài ra, qua hình ảnh báo chí, ông Ngọc còn phát hiện các bàn ghế trên tàu có thể không được cố định xuống sàn. Theo ông, đây là chi tiết tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ gây mất an toàn khi tàu gặp sóng to, gió lớn.
"Khi tàu gặp sóng to, gió lớn dẫn đến rung lắc. Nếu bàn, ghế không được cố định sẽ khiến chúng di chuyển không thể kiểm soát và có thể va đập vào hành khách gây mất an toàn”, vị PGS.TS chia sẻ.
Theo ông Ngọc, các đơn vị chức năng của Quảng Ninh và Nhà nước cần đánh giá lại tiêu chuẩn, quy chuẩn hoạt động của các tàu khách trên vịnh Hạ Long.
Con tàu đã đủ an toàn?
Trước đó, theo ông Vũ Anh – Trưởng phòng Tàu sông, Cục Đăng kiểm Việt Nam, tàu Vịnh Xanh 58 được đóng năm 2015, thiết kế theo quy chuẩn VR-SI (tương đương vùng có sóng cao 2m), cao hơn quy định tối thiểu của vùng hoạt động là VR-SII (sóng 1,2m).
Dù vậy, vào thời điểm xảy ra tai nạn (chiều 19/7), gió giật trên Vịnh Hạ Long đạt cấp 10 – vượt xa khả năng chịu đựng theo thiết kế của tàu. Việc phân cấp phương tiện căn cứ vào chiều cao sóng. VR-SB là 2,5m, VR-SI là 2m, VR-SII là 1,2m… Việc tàu bị nạn trong điều kiện vượt quá quy chuẩn là điều đáng lo ngại.
Cũng theo Luật Giao thông đường thủy nội địa, các tuyến ra đảo trong phạm vi 12 hải lý như Vịnh Hạ Long được xem là tuyến đường thủy nội địa, khiến nhiều tàu không cần đạt tiêu chuẩn của tàu biển. Đây được xem là một “lỗ hổng” mà các chuyên gia kiến nghị cần rà soát lại.
Theo giấy chứng nhận đăng ký, tàu Vịnh Xanh 58 có chiều dài 24m, trọng tải 12 tấn, sức chở 48 hành khách. Tàu được cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường vào tháng 1/2025, còn hạn đăng kiểm đến cuối năm 2026.
Tại họp báo ngày 20/7, ông Bùi Hồng Minh – Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Quảng Ninh khẳng định: “Hiện nay, 100% tàu du lịch trên Vịnh Hạ Long đều có quy chuẩn an toàn cao hơn tiêu chuẩn quốc gia”. Cụ thể, hệ số an toàn trung bình của các tàu là khoảng 2,3, trong khi quy định chỉ yêu cầu hơn 1,15.
Theo Đại tá Hoàng Văn Thuyết – Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Ninh, thời tiết ngày 19/7 diễn biến rất bất thường. Buổi trưa, trời nắng gắt, nhiệt độ lên tới 40 độ C. Tuy nhiên, chỉ đến khoảng 14h, dông lốc kèm mưa đá ập đến khiến tàu Vịnh Xanh 58 mất tín hiệu liên lạc.
Ông Thuyết cho biết, trong điều kiện mưa lốc mịt mù trên biển, việc phát hiện một con tàu bị lật là vô cùng khó khăn. Dù vậy, ngay sau khi nhận được tin báo, lực lượng cứu hộ đã chỉ mất hơn 10 phút để tiếp cận hiện trường và cứu những người còn sống sót.
Trên tàu khi xảy ra sự cố có tổng cộng 49 người, gồm 46 hành khách và 3 thuyền viên. Tính đến nay, 10 người được cứu sống, 37 thi thể đã được tìm thấy, và 2 người vẫn đang mất tích.
Lực lượng chức năng tỉnh Quảng Ninh cùng Đội Cứu hộ - Cứu nạn 116 đang mở rộng tìm kiếm hai nạn nhân còn lại. Theo ông Nhâm Quang Văn – đội trưởng Đội 116, trong ngày 23/7, công tác tìm kiếm huy động hàng chục tàu lớn nhỏ, trong đó có gần 20 tàu do các công ty du lịch trên Vịnh hỗ trợ. Tuy nhiên, vì vùng biển Hạ Long có nhiều núi đá, lại vừa hứng bão số 3 nên sóng to gió lớn làm công tác tìm kiếm gặp rất nhiều trở ngại.
Theo Dân Trí