Kiến thức nhiếp ảnh

Những thuật ngữ chung cho mọi ống kính

Những thuật ngữ chung cho mọi ống kính

Dưới đây là các ký hiệu, thuật ngữ chung sử dụng cho ống kính của mọi hãng sản xuất.

1. Ký hiệu tiêu cự MM (mi-li-mét). Trên mọi ống kính đều có chỉ số tiêu cự của ống kính tính bằng mi-li-mét (mm).
- Tiêu cự của ống kính càng ngắn thì góc ảnh càng rộng, và ngược lại, tiêu cự càng dài thì góc ảnh càng hẹp.
- Ống kính có tiêu cự khoảng 50mm là các ống kính tiêu chuẩn (có góc ảnh giống với mắt người nhất). Ống kính có tiêu cự rất ngắn (ví dụ 20mm) thường được gọi là các ống kính góc rộng. Các ống kính góc rộng thường được sử dụng để chụp phong cảnh, nhóm nhiều người. Các ống kính tiêu cự dài được gọi là các ống tele, dùng để chụp xa (cận cảnh chủ thể). Ống kính có tiêu cự trong khoảng 70mm đến 200mm thường được dùng để chụp chân dung do góc hẹp giúp loại bỏ được các chi tiết thừa ở hậu cảnh.
- Nếu ống kính chỉ có 1 chỉ số tiêu cự, ví dụ 50mm, hay 85mm, ống kính đó là một ống kính tiêu cự cố định (còn gọi là ống fixed). Với các ống tiêu cự cố định, để thay đổi khuôn hình, người chụp sẽ phải tiến gần hoặc ra xa chủ thể muốn chụp (hay được gọi vui là zoom bằng chân).
- Nếu ống kính có 2 chỉ số tiêu cự, ví dụ 18-55mm hay 70-200mm, ống kính đó là một ống có zoom (đọc là /dum/). Ống kính zoom tạo thuận lợi trong việc thay đổi khuôn hình bằng cách zoom ra (thu nhiều không gian chủ thể hơn) hay zoom vào (chụp cận cảnh chủ thể hơn).

2. Ký hiệu khẩu độ mở 1:[chỉ số]. Trên mọi ống kính đều có ký hiệu cho biết khẩu độ mở lớn tối đa của ống kính. Khẩu độ mở được tính bằng đơn vị f/stop (gọi là “khẩu” trong tiếng Việt). Ví dụ, trên ống kính ghi 1:2.8 tức ống kính có khẩu độ mở lớn tối đa là f/2.8 – ống kính này cũng thường được biểu diễn bằng cách ghi f/2.8. Khẩu độ mở tối đa càng lớn thì ống kính càng có thể giúp chụp ảnh phù hợp trong các điều kiện ánh sáng yếu, cũng như giúp “xóa phông” tốt hơn.
- Nếu ống kính có một chỉ số khẩu độ mở, ví dụ f/2.8 hay f/4, ống kính sẽ là ống kính có khẩu độ mở lớn tối đa không đổi, còn được dân chơi ảnh gọi là ống kính 1 khẩu cố định. Nếu ống kính 1 khẩu là ống zoom sẽ cho phép mở khẩu tối đa ở mọi tiêu cự khi zoom dài ra hoặc zoom ngắn lại.
- Nếu ống kính có hai chỉ số khẩu độ mở, ví dụ 1:3.5-5.6 (hay cách khác là f/3.5-5.6), ống kính sẽ có khẩu độ mở lớn tối đa thay đổi, hay còn gọi là ống kính đa khẩu hoặc 2 khẩu. Đây thường là các ống zoom mà khi zoom ra vào sẽ thay đổi khẩu độ mở lớn tối đa. Ví dụ ống kính 18-55mm f/3.5-5.6 sẽ cho phép mở khẩu lớn tối đa ở 18mm nhưng khi zoom dài tới 55mm thì khẩu mở lớn tối đa có thể mở được chỉ là f/5.6.
- Ống kính còn có khẩu mở hẹp tối đa. Nếu trên ống kính có vòng điều chỉnh khẩu độ, thông số này là giá trị lớn nhất trên vòng khẩu độ. Tuy nhiên, trên nhiều thân ống kính đời mới không có vòng khẩu độ và không ghi rõ giá trị khẩu độ hẹp tối đa (ví dụ f/22 hay f/32) mà phải đọc thông số này trên bảng thông số chi tiết của ống ở tài liệu hướng dẫn sử dụng. Điều này cũng nói lên phần nào rằng khi lựa chọn ống kính người ta chỉ quan tâm nhiều tới khẩu độ mở lớn tối đa chứ không quan trọng khẩu độ mở hẹp tối đa của ống kính.

3. Khoảng cách căn nét gần nhất. Mỗi ống kính đều có giới hạn khoảng cách (từ ống kính tới chủ thể cần chụp) mà ống kính có thể căn nét. Ký hiệu này biểu diễn bằng mi-li-mét (mm) hoặc mét (m). Đây là khoảng cách gần nhất (giữa ống kính và chủ thể) ống kính có thể lấy nét, nếu gần hơn sẽ không thể lấy nét được. Ví dụ, ống kính có ký hiệu ∞ – 1.5m là ống kính có khả năng căn nét gần nhất ở 1.5m (cho tới vô cực). Ống kính càng có khả năng căn nét gần hơn càng giúp chụp được chủ thể bé to hơn trên ảnh, ví dụ các ống kính macro/micro cho phép chụp các vật thể ở gần vài chục mm.

4. Chỉ số đường kính kính lọc. Chỉ số này được biểu diễn bằng ký hiệu “phi” φ và cho biết đường kính lắp kính lọc là bao nhiêu. Ví dụ ống kính có chỉ số φ77mm sẽ cho phép lắp kính lọc φ77mm.

Trên đây chỉ là các ký hiệu chung của mọi ống kính. Mỗi ống kính còn có rất nhiều các thông số và ký hiệu khác như có hay không có chống rung, có gắn mô-tơ căn nét trên thân ống hay không, có cơ chế căn nét trong hay không, v.v… và mỗi hãng lại có cách đánh ký hiệu và sử dụng các thuật ngữ khác nhau.

Theo vinacamera

Đọc thêm: Chơi đồ ảnh: Hãy tập trung vào ống kính

Thanh Hải