Kiến thức nhiếp ảnh

Một vài gợi ý về ống kính chụp ảnh phong cảnh

Một vài gợi ý về ống kính chụp ảnh phong cảnh

Chụp ảnh phong cảnh là một trong những thể loại nhiếp ảnh được khá nhiều người yêu thích. Khác với thể loại chân dung hay cận cảnh (macro),… chụp ảnh phong cảnh có thể hiểu là thu vào cảm biến một phối cảnh ở diện rộng, để thấy được sự hùng vĩ, to lớn của nơi đó hoặc đơn giản là thu được đầy đủ nhất khung cảnh mà mắt người nhìn thấy, chẳng hạn như cảnh bình mình tuyệt đẹp trên núi, cảnh mặt trời lặn khi hoàng hôn xuống, hay các khung cảnh núi rừng, ruộng bậc thang vùng Tây Bắc,… ngoài ra, chụp ảnh kiến trúc đôi khi cũng được xếp chung vào thể loại ảnh phong cảnh.

Ảnh phong cảnh là một thể loại nhiếp ảnh rất được yêu thích. Ảnh: Internet

Trên thực tế, có một vài trường hợp chỉ cần một ống kính tele, góc hẹp để ghi lại khoảng khắc tuyệt đẹp của thiên nhiên mà chúng ta bắt gặp, tuy nhiên, nhiếp ảnh phong cảnh phần lớn là cuộc chơi của những chiếc lens góc rộng. Lens góc rộng được quy ước một cách bất thành văn là những lens có tiêu cự dưới 50mm (theo chuẩn phim 35mm), mà tiêu cự phổ biến nhất thường là khoảng 24-35mm, giúp thu được khung cảnh với góc rộng khoảng 100 độ.

Ngoài ra, những ống kính này cũng không cần khẩu độ quá lớn. Khẩu độ trong khoảng 2,8 – 4,0 là hợp lý, lượng ánh sáng vào cảm biến vừa đủ trong thời gian cho phép mà cũng đảm bảo độ sâu cho những bức ảnh phong cảnh của chúng ta. Trên thực tế, ảnh phong cảnh thường ít có yếu tố chuyển động, vậy nên hoàn toàn có thể để thời gian phơi sáng lớn, thậm chí rất lớn cho những bức ảnh phong cảnh vào ban đêm. Bù lại, lựa chọn khẩu độ nhỏ sẽ giúp chúng ta có những ống kính đủ dùng mà mức giá lại không quá cao.

Dưới đây là một vài lựa chọn ống kính cho nhiếp ảnh phong cảnh (bao gồm cả Nikon, Canon – 2 dòng máy phổ biến nhất hiện nay):

Canon EF 16-35mm f/2.8L II USM

Đây là một trong những ống kính có tiêu cự nhỏ nhất của Canon cho các mày full-frame, khi lắp trên các máy crop, tiêu cự này sẽ được nhân lên tùy theo tỷ lệ về kích thước cảm biến trên máy của bạn (thường là 1,5), tương tự như máy FX (full-frame) và DX (crop) trên Nikon.

Canon EF 16-35mm  thể hiện rõ sức mạnh của mình trong nhiếp ảnh phong cảnh, với góc nhìn khá rộng (tối đa 108 độ), có thể so sánh với 50mm f/1.2L (46 độ ) hay 85mm f/1.2L prime (28 độ), khẩu độ cố định f/2.8 cho phép chúng ta thu được những bức ảnh đủ sáng trong thời gian ngắn, dù cho tiêu cự có thay đổi. Ngoài ra, moto lấy nét USM cũng là một trong những điểm mạnh của chiếc lens “dòng L” này, cho khả năng bắt nét nhanh và chính xác cho dù là lấy nét tự động hay chỉnh tay.

Ống kính zoom cũng là một lợi thế trong chụp ảnh phong cảnh, ở những nơi có địa hình để đứng chụp không thuận lợi, chẳng hạn trên một đỉnh núi, mép vực, trên đỉnh tòa nhà,… ống kính zoom sẽ giúp chúng ta có thể căn chỉnh bố cục cho ảnh phù hợp hơn mà không gặp phải khó khăn hay nguy hiểm.

Canon EF 16-35mm f/2.8L II USM được bán với giá khoảng 33,5 triệu đồng.

Canon EF 17-40mm f/4 L USM

Vẫn là một lựa chọn lens L đáng giá, nhưng Canon EF 17-40mm f/4 L USM có mức giá rẻ hơn nhiều so với Canon EF 16-35mm f/2.8L II USM kể trên. Bù lại, chúng ta sẽ phải đánh đổi về khẩu độ và một chút góc rộng của ảnh.

Với tiêu cự 17mm, chúng ta có thể thu được những khung cảnh với góc rộng khoảng 104 độ, không quá nhỏ so với tiêu cự 16mm. Ngoài ra, khi lắp trên một body crop, người dùng sẽ có một ống kính với tiêu cự trong dải 27-64mm, đáp ứng tốt nhu cầu chụp phong cảnh, thậm chí có thể tận dụng để chụp ảnh chân dung. Tuy nhiên, khẩu độ cố định f/4 có thể sẽ gặp khó khăn trong một vài trường hợp ánh sáng yếu.

Canon EF 17-40mm f/4 L USM hiện có giá khoảng 16 triệu đồng.

Canon EF-S 24mm f/2.8 STM

Đây là ống kính dành riêng cho các body crop của Canon, với tiêu cự có thể suy ra là khoảng 40mm.

Như vậy, góc nhìn của ống kính này chỉ ở mức vừa phải, không quá rộng. Tuy nhiên, đây là một lens pancake, lợi thế của sản phẩm này là kích thước cực kỳ nhỏ gọn, trọng lượng nhẹ, sử dụng ít thấu kính nên chất lượng ảnh khá tốt, và đặc biệt là mức giá khá rẻ.

Ngoài ra, khẩu độ f/2.8 và moto lấy nét thế hệ mới STM cũng là một lợi thế của sản phẩm có mức giá chỉ hơn 3 triệu đồng này.

Nikon 14-24mm f/2.8G

Nếu chỉ xét về các thông số kỹ thuật, Nikon 14-24mm f/2.8G còn có phần “nhỉnh” hơn so với chiếc lens cao cấp Canon EF 16-35mm kể trên của Canon. Với tiêu cự 14-24mm (áp dụng trên body FX), ống kính này mang đến góc nhìn rộng tới 114 độ cùng khẩu độ f/2.8 khá lớn.

Là một sản phẩm cao cấp, 14-24mm f/2.8Gcòn được trang bị moto lấy nét có tên Silent Wave Motor cho khả năng lấy nét nhanh và êm ái, cùng lớp phủ Nano nổi tiếng của Nikon. Ngoài ra, việc được trang bị tới 9 lá khẩu hứa hẹn cho ra những bức ảnh phong cảnh ban đêm với bokeh đẹp mắt hơn.

Nikon 14-24mm f/2.8G có mức giá khoảng 36 triệu đồng.

Nikon 12-24mm f/4 G IF-ED

Đây là dòng ống kính chuyên dụng cho chụp ảnh phong cảnh của Nikon, dành cho các máy crop (Nikon DX). Nikon còn có một lựa chọn góc rộng hơn nữa là 10-24mm f/3,5-4,5, tuy nhiên đó là một sản phẩm giá rẻ mà chất lượng build và ảnh không thể sánh được với 12-24mm f/4G.

Khi lắm trên body DX của Nikon, ống kính này cho góc nhìn rộng khoảng 99 độ, đáp ứng tốt nhu cầu của phần lớn các tay máy chụp ảnh phong cảnh cùng khẩu độ f/4 đủ dùng và đảm bảo độ sâu của một bức ảnh phong cảnh, mặc dù sẽ có chút khó khăn khi chụp đêm.

Nikon 12-24mm f/4 G IF-ED được đánh giá là hoàn hảo cho các body như D5000 - 5300, D3000 - 3300, D90, D7000 – 7100. Ống kính này có mức giá khoảng 20 triệu đồng.

Ảnh: Internet

Đó là một vài lựa chọn ống kính tiêu biểu cho nhu cầu chụp ảnh phong cảnh, đc biệt là trong thời điểm mà thời tiết, cảnh quan Việt Nam đang rất đẹp hiện nay. Ngoài ra, còn một vài lựa chọn ống kính khác từ bên thứ 3, chẳng hạn Tokina 11-16mm, Sigma 18-35mm, Tamron 10-24mm,… hay ống kính chính hãng, tiêu cự 17-55 mm, f/2.8 mà cả Canon hay Nikon đều sản xuất.

 

Chọn máy ảnh mirrorless nào dưới 10 triệu đồng?

(Techz.vn) Ở mức giá này, chúng ta hoàn toàn có thể sỡ hữu những chiếc máy ảnh mirrorless (không gương lật) nhỏ gọn nhưng đầy sức mạnh kèm lens kits đa dụng.

 

Tag:

Canon

Nikon