Doanh nghiệp

Lý do gì làm nên điều thần kỳ Vinasun? Bị Grab, Uber tấn công vẫn sống khoẻ

Lý do gì làm nên điều thần kỳ Vinasun? Bị Grab, Uber tấn công vẫn sống khoẻ

Năm 2014 là khoảng thời gian bước ngoặt của thị trường taxi trong nước. Đây là lúc mà làn sóng kinh tế chia sẻ tràn vào Việt Nam với sự nổi lên của những Grab, Easy Taxi và Uber. Đó cũng là thời điểm mà các doanh nghiệp nội phải gồng mình lên trước sự lấn át một cách ồ ạt và mạnh mẽ của loại hình dịch vụ chở khách mới.

Sau 3 năm xuất hiện tại Việt Nam, giờ đây Easy Taxi đã chết, Uber bị cấm và Grab đang tỏ ra lấn lướt trên thị trường. Với các doanh nghiệp taxi nội địa, họ không những không chết mà vẫn sống khoẻ. Tất nhiên khi mà “nhà ngày một đông con”, miếng bánh thị phần sẽ phải san sẻ bớt ra một chút.

Thay đổi để tồn tại

Trong số các doanh nghiệp taxi nội địa, Vinasun là đơn vị khủng nhất với việc thống lĩnh áp đảo tại thị trường phía Nam. Tính đến năm 2016, doanh nghiệp này đang sở hữu gần 6.000 xe taxi với đội ngũ 14.000 người lao động. Doanh thu của Vinasun trong năm 2016 đạt khoảng 4.500 tỷ đồng.

Dù vẫn giữ doanh thu tăng trưởng liên tục ở mức cao trong 3 năm trở lại đây, thế nhưng Vinasun không phải là hoàn toàn không bị tác động bởi sự nổi lên của Uber và Grab. Trong năm 2014 trở lại đây, dù doanh thu không ngừng tăng trưởng (khoảng 700 tỷ đồng sau 3 năm), thế nhưng mức lợi nhuận của hãng này lại giữ ở mức đều đều và không có sự gia tăng đáng kể. Đây là một điều khiến nhiều người ngạc nhiên bởi giá xăng đã thay đổi theo chiều hướng giảm dần trong khoảng vài năm trở lại đây.

Sau làn sóng Uber, Grab vào Việt Nam, Vinasun đã phát triển thêm ứng dụng cho di động để cạnh tranh cùng các đối thủ. 

Theo chia sẻ của Vinasun, chi phí đầu tư thiết bị ban đầu cho hệ thống hỗ trợ ứng dụng Vinasun Taxi bao gồm server, hệ thống GPS và khoảng 6.000 máy tính bảng cho taxi là khoảng 60 tỉ đồng.

Doanh thu tăng, lợi nhuận giảm đồng nghĩa với việc doanh nghiệp này đã phải chi tiền đáng kể vào một mục đích nào đó. Và khi tìm hiểu kỹ hơn về cơ chế hoạt động của Vinasun, không khó để tìm thấy câu trả lời.

Các khoản chi phí phát sinh từ lãi vay, nhân sự và quản lý đã tác động đáng kể đến tổng chi của Vinasun. Doanh nghiệp này cũng liên tục thanh lý xe cũ và đầu tư vào hệ thống xe mới. Đây là chính sách được Vinasun đưa ra nhằm đảm bảo chất lượng dịch vụ xe của hãng này luôn ở mức cao.

Tuy vậy, tưởng như yếu tố thanh lý xe sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng nhất đến lợi nhuận của Vinasun thì hoá ra lại không phải như vậy. Chính việc thanh lý xe thường xuyên là nguyên nhân giúp hãng này liên tục duy trì doanh thu và lợi nhuận ở mức cao.

Theo như báo cáo tài chính của Vinasun, lợi nhuận đến từ việc thanh lý xe đem về cho doanh nghiệp này 172 tỷ đồng trong năm 2016. Con số này chiếm xấp xỉ 30% tổng lợi nhuận của Vinasun và bằng khoảng 70% lợi nhuận phát sinh từ hoạt động kinh doanh vận tải thuần tuý.

Như vậy, việc chuyển hướng sang hoạt động thanh lý xe một cách thường xuyên đã góp phần đáng kể lên việc giữ mức doanh thu tăng trưởng ổn định của nhà xe này. Và chính việc đổi mới, nâng cấp đội xe cũng là một lý do quan trọng để giữ chân được các khách hàng của Vinasun. Đây là yếu tố giúp Vinasun vẫn cứ sống khoẻ bất chấp sự phát triển mạnh của Uber và Grab.

 

CEO Vietjet thành tỷ phú USD còn Vietnam Airlines bất ngờ lỗ trăm tỷ

(Techz.vn) Đây là sự đối lập giữa 2 hãng hàng không hiện đang chiếm phần lớn thị phần vận chuyển hàng khách tại Việt Nam.