LG

Đánh giá G3 Stylus: Phablet giá rẻ dùng bút cảm ứng của LG

Đánh giá G3 Stylus: Phablet giá rẻ dùng bút cảm ứng của LG

Thời gian vừa qua, nhà sản xuất LG đã trình làng một chiếc phablet trong phân khúc tầm trung mang tên G3 Stylus. Có thể xem chiếc phablet này là phiên bản rút gọn của G3, qua việc giữ nguyên kích thước màn hình 5.5 inch, cụm phím nguồn và phím tăng giảm âm lượng được bố trí mặt sau lưng máy. Tuy nhiên, khác biệt nổi bật nhất là chiếc phablet này được trang bị một cây bút Stylus.

Thiết kế đẹp trong phân khúc tầm trung

Được thiết kế tương tự như chiếc phablet cao cấp G3, G3 Stylus có các thông số lần lượt như sau: chiều dài 149.3 mm; chiều rộng 75.9 mm; độ dày thân máy 10.2 mm. Phần thân và nắp lưng G3 Stylus được thiết kế từ chất liệu nhựa, tuy không cao cấp như chất liệu kim loại, nhưng vẫn mang lại cảm giác sang trọng.

Mặt trước được trang bị màn hình 5.5 inch, bố trí hài hòa cân xứng. Thông thường, mỗi dòng máy khi được thiết kế màu sắc chủ đạo nào, thì từ cạnh viền trước cho đến mặt lưng sẽ sử dụng luôn màu sắc đó, nhằm tạo cho người dùng thấy sự đồng điệu từ mặt trước ra mặt sau. Tuy nhiên, đối với chiếc G3 Stylus mà Techz đang có trong tay thì lại khác. Tông màu chủ đạo cho sản phẩm là màu trắng - từ phần dưới màn hình và cạnh sườn cho đến mặt lưng. Trong khi đó, đường viền màn hình lại dùng màu đen. Điều này khiến cho sản phẩm chưa được hoàn hảo về độ mỹ quan.

Mặt trước của G3 Stylus được thiết kế tối giản, viền màn hình được gia công khá mỏng … Chếch về bên góc trái của màn hình là camera phụ độ phân giải 1.3 MP, hỗ trợ tính năng chụp ảnh selfie.

Mặt lưng G3 Stylus được thiết tương tự như G3, từ độ cong cho đến bố trí cụm camera; tăng giảm âm lượng. Có lẽ, đối với cách nhìn nhận của LG, một màn hình lớn khoảng 5.5 inch trở lên nên bố trí cụm phím điều hướng thành “ảo” trên màn hình, còn phím nguồn và cặp phím tăng giảm âm lượng nên đặt ở vị trí sau lưng máy.

Thực tế, điều này chỉ đúng ở mức tương đối, ngoài việc mở và khóa màn hình một cách dễ dàng nhanh chóng, các phím này khi thao tác khá bất tiện. Chẳng hạn, khi bấm cùng lúc phím âm lượng và phím nguồn để chụp màn hình, một ngón tay không đủ kích thước để bấm đồng thời 2 phím đó. Nếu dùng 2 ngón tay người sử dụng rất dễ bấm luôn thành 3 phím, chưa tính đến độ nẩy của phím nguồn và phím tăng giảm âm lượng cũng khác nhau. Người dùng sẽ gặp chút khó khăn cho thời gian đầu để làm quen với cụm “bộ 3” này, đặc biệt là người dùng có các ngón tay lớn càng khó khăn hơn.

Tổng thể mặt sau của G3 Stylus.

Khung viền của máy khá bóng và trơn, bạn có thể cảm nhận được nhà sản xuất đã gia công rất kĩ lưỡng ở chi tiết này.

Cạnh trên của sản phẩm.

Cạnh dưới gồm có Jack cắm tai nghe 3.5 mm và cổng kết nối micro-USB.

Màn hình kích thước chuẩn nhưng độ phân giải thấp

Kích thước và độ phân giải là một trong các mối quan tâm hàng đầu hiện nay của người dùng. Bởi màn hình càng lớn đòi hỏi độ phân giải càng cao, nội dung hiển thị trên màn hình mới đáp ứng được độ sắc nét. Nhà sản xuất LG đã trang bị cho G3 Stylus một màn hình có kích thước 5.5 inch trên tấm nền IPS, độ phân giải màn hình khiêm tốn qHD 540 x 960 pixcel, cho điểm ảnh đạt được khoảng 200 ppi.

Màn hình độ phân giải thấp khi so với kích thước màn hình 5.5 inch.

Đánh giá thực tế về chiếc phablet này sau một thời gian sử dụng, màn hình của G3 Stylus cũng chỉ ở mức trung bình so với mặt bằng chung hiện nay. Góc nhìn tương đối tốt nhưng khả năng hiển thị nội dung trên G3 Stylus chưa đạt tới chuẩn yêu cầu của người dùng. Nếu dùng ở môi trường bên ngoài, vào ban ngày, thông thường phải chỉnh độ sáng lên cao nhất, còn ở môi trường thiếu ánh sáng thì cũng phải tăng độ sáng ở bậc 7/10 mới đủ độ sáng tối ưu.

Khi truy cập vào các trang web hay đọc tin nhắn, độ rõ nét và màu sắc hiển thị trên màn hình G3 Stylus tương đối tốt, đủ làm hài lòng người dùng phổ thông. Thế nhưng, khi xem hình ảnh; chơi trò chơi hoặc xem Youtube thì màn hình đã bộc lộ điểm hạn chế của độ phân giải qHD 540 x 960 pixcel. Đánh giá trò chơi Asphalt 8 trên G3 Stylus, đồ họa hiển thị bị rỗ khá rõ khi nhìn bằng mắt thường. Đối với ứng dụng Youtube thì chất lượng hình ảnh ở mức tạm chấp nhận được.

Cây bút cảm ứng Stylus làm được những gì?

Thời gian gần đây, Techz đã có bài viết so sánh giữa bút S Pen trên Galaxy Note 4 đối với cây bút Stylus của chiếc phablet này. Trong bài viết đánh giá chi tiết G3 Stylus, để xem cây bút Stylus có mang lại hiệu quả thực sự cho người dùng hay không.

Cây bút Rubberdium Stylus trên G3 Stylus.

Về mặt thiết kế, chiếc bút Stylus của LG có thân hình tròn trịa trơn so với sản phẩm cùng loại của Samsung. Có cảm giác Stylus như được thiết kế bằng kim loại. Bên trên bút được nhà sản xuất đính kèm dòng chữ Rubberdium. Đỉnh bút được bo tròn bằng lớp cao su màu đen sử dụng chất liệu cao cấp. Thân bút được làm bằng nhựa, vát tròn về mặt sau tương tự như chiếc S-Pen trên Note 2 của Samsung.

Để có thể sử dụng bút cảm ứng trên màn hình của G3 Stylus, bắt buộc phải thực hiện việc kích hoạt tính năng của bút thông qua thao tác chọn vào biểu tượng hình cây bút ở góc trên màn hình.

Ứng dụng QuickMemo+ là ứng dụng mặc định duy nhất trên G3 Stylus, hỗ trợ 4 loại đầu bút khác nhau bao gồm: bút chì, bút lông, bút lông dầu hay bút chì màu. Bên cạnh đó, ứng dụng này cũng cung cấp một loạt các nét vẽ có độ đậm nhạt khác nhau từ nhỏ cho tới lớn. Tất nhiên, người sử dụng cũng có thể thực hiện việc lựa chọn một loạt các màu sắc khác nhau cho nét vẽ của mình.

Khi vẽ hoặc viết, việc vô tình chạm tay vào màn hình của G3 Stylus cũng có thể ảnh hưởng đến các nét vẽ của cây bút. Có thể xem đây là điểm yếu khi so với cây bút S Pen của dòng Galaxy Note 4, bởi màn hình Galaxy Note 4 một khi đã nhận lệnh từ cây bút thì có thể vô hiệu hóa lệnh từ bàn tay.

Máy ảnh hỗ trợ ít tính năng

Hầu hết các dòng máy Android ra mắt gần đây như Galaxy S5 hay Note 4 đều trang bị nhiều tính năng và cơ chế chụp hình trước khi nhấn thao tác chụp hình. Trong khi đó, G3 Stylus thì không hỗ trợ những thứ cần thiết ấy. Do đó, G3 Stylus chỉ có thể chụp hình xong rồi mới tới bước hậu kì chỉnh sửa ảnh, thêm các bộ lọc màu hay bỏ thêm hiệu ứng nào đó cho sinh động hơn. Đối với camera trước G3 Stylus, LG đã trang bị tính năng “chụp ảnh bằng cử chỉ”. Để sử dụng tính năng này, người dùng phải giơ bàn tay lên, cho đến khi máy ảnh trước phát hiện ra nó và xuất hiện một khung hình ảnh trên màn hình. Sau đó người dùng có thể nắm các ngón tay lại để chụp ảnh một cách nhanh chóng, không cần phải thao tác chạm phím hoặc ra lệnh bằng giọng nói.

Trong phân khúc tầm trung được hỗ trợ một camera 13 MP là điều đáng khen cho G3 Stylus.

Máy ảnh trên G3 Stylus hỗ trợ lấy nét khá nhanh, giúp người dùng nhanh chóng có được những khoảnh khắc nhanh và đẹp. Việc bố trí các lệnh trên giao diện khi mở mục camera khá hợp lý. Các biểu tượng tính năng được dàn rộng sang 2 bên màn hình có nét tương tự như một số dòng máy Galaxy của Samsung.

Giao diện cài đặt ứng dụng camera trên Lumia 535.

Sau đây là một số hình chụp nhanh để đánh giá thử xem khả năng camera chính 13 MP cùng camera trước 1.3 MP có đủ khả năng làm hài lòng người dùng hiện nay hay không?

Chụp trong điều kiện ánh sáng vừa đủ cho chất lượng hiển thị khá tốt, màu sắc tương đối ổn.

Chụp ở chế độ tự động với vật thể ở gần, G3 Stylus lấy nét tốt ở vị trí chiếc Galaxy Note 4, hậu cảnh được mờ đi theo chủ đạo người chụp, màu sắc thể hiện tương đối tốt.

Chụp lấy điểm nét ở xa (ngoài đường), G3 Stylus cho ánh sáng bên ngoài tốt cùng với độ nét và màu sắc khá chuẩn, ánh sáng bên trong nhà lại bị tối đi khá rõ, mặc dù ánh sáng bên ngoài và từ đèn phát ra trong cửa hàng cũng khá sáng.

Camera trước 1.3 MP với điều kiện ánh sáng trong nhà, cho chất lượng trung bình khi so với mặt bằng chung các camera trước của các dòng máy khác.

Phần cứng và hiệu năng thực tế

G3 Stylus được trang bị bộ vi xử lý Mediatek MT6582 Quad-Core 1.3 GHz. RAM có dung lượng 1 GB. Bộ nhớ trong trên G3 Stylus có dung lượng  8 GB, hỗ trợ khe cắm thẻ nhớ nhằm mở rộng dung lượng hạn chế của bộ nhớ trong. Chiếc phablet này có pin dung lượng lớn lên tới 3000 mAh, hứa hẹn sẽ mang lại thời gian sử dụng thoải mái đến hết một ngày. Với phần cứng như vậy, G3 Stylus đủ khả năng đáp ứng tất cả các tính năng và ứng dụng cùng trò chơi phổ thông hiện nay.

Trong phần chấm điểm và đánh giá qua ứng dụng Antutu Benchmark, G3 Stylus cho tổng điểm 17.596, một con số bình thường khi so với chuẩn đánh giá chung trên thị trường hiện nay. Trong đánh giá thực tế, khả năng đáp ứng nhu cầu cơ bản khá tốt và ổn định. G3 Stylus chơi trò chơi và xem phim HD thì chưa mang lại sự thỏa mãn về độ nét. Khi sử dụng vào mục đích lướt web và truy cập các mạng xã hội hay nhắn tin, mức độ hiển thị và màu sắc đủ khả năng đáp ứng người phổ thông.

Thông tin phần cứng, Điểm số cùng với thứ tự trong Bảng xếp hạng mà LG 3 Stylus đạt được trên Antutu Benchmark.

Trong bài đánh giá này, Techz có cài một vài ứng dụng và trò chơi cơ bản thuộc dạng không chạy ngầm. G3 Stylus lúc này có dung lượng ram khả dụng (trống) nằm trong khoảng gần 300 MB, khi so với tổng dung lượng ram có được là khoảng 948 MB. Như vậy, khi người dùng sử dụng thêm các ứng dụng theo dạng OTT và mạng xã hội như Viber; Facebook… chắc chắn dung lượng ram trống sẽ còn hao hụt hơn nữa.

Bộ nhớ ram và dung lượng bộ nhớ trong khả dụng còn lại, sau khi đã cài đặt vài ứng dụng và trò chơi cơ bản trên G3 Stylus.

Một điểm khá thú vị trong quá trình trải nghiệm là cơ chế mở 2 cửa sổ cùng lúc giống như các dòng Galaxy Note của Samsung. Chỉ cần chạm và giữ phím trở về vài giây, lập tức khung cửa sổ chứa các ứng dụng được phép sử dụng cho chế độ này sẽ xuất hiện. Độc đáo nhất là có thể mở lại cùng lúc 2 cửa sổ đã chọn trước đó chỉ bằng một lần chọn, trong khi đối với dòng Galaxy Note 4 bắt buộc phải kéo thả từng ứng dụng trở lại màn hình. Từ đây, người dùng có thể tận dụng màn hình lớn trên G3 Stylus để có thể làm được 2 việc cùng lúc như vừa xem Youtube vừa lướt web.

Chỉ cần chạm và giữ phím trở về vài giây là có thể kích hoạt ngay tính năng “Đa cửa sổ” có nét giống như dòng Galaxy Note của Samsung.

Ngoài ra, LG cũng đã trang bị vài tính năng cho G3 Stylus tương tự như G3 cao cấp của hãng. Độc đáo nhất trong đó là khả năng bảo mật độc quyền Knock Code. Chỉ cần cài đặt mã của riêng và gõ đúng nhịp lên bất cứ vị trí nào của màn hình, G3 Stylus sẽ "tỉnh giấc" dù đang ở trạng thái "ngủ".

Trình khởi chạy (launcher) mặc định cũng hỗ trợ nhiều hiệu ứng và có thể thay đổi giao diện (themes) theo sở thích cá nhân. Nhìn chung khả năng tùy biến rất giống với các trình khởi chạy trên kho ứng dụng Android của Google. Hiện nay cũng đã có rất nhiều nhà sản xuất thiết bị di động tối ưu hóa khả năng nhập liệu bằng cách hỗ trợ bàn phím dạng thu nhỏ, có thể di chuyển sang trái hoặc sang phải tùy theo người dùng thuận tay nào khi cầm máy sử dụng một tay.

Trình khởi chạy (launcher) mặc định trên LG G3 Stylus cho phép tải thêm chủ đề và tùy chọn hiệu ứng chủ đề, nhìn chung tương tự như một ứng dụng trên kho ứng dụng Android của Google.

Kết luận

G3 Stylus là một sản phẩm đặc biệt của LG trong năm nay với mục tiêu chinh phục phân khúc thị trường smartphone giá rẻ. Mẫu máy này thừa hưởng thiết kế đặc trưng từ người anh em G3 cao cấp nhưng độ phân giải chỉ còn lại qHD (960x540 pixel). Việc được trang bị một cây bút Stylus đã làm cho sản phẩm tăng thêm một phần giá trị nào đó. Tuy nhiên ở thời điểm này giá trị và hiệu quả mà cây bút này mang lại không nhiều, chưa có những nét đặc trưng riêng.

Mẫu máy này phù hợp với những người dùng cần màn hình lớn để xem tin tức và lướt web, bàn phím lớn để nhập liệu tốt hơn, thuận tiện hơn cho việc hiển thị nội dung tổng quan trên mạng xã hội. Còn đối với những người dùng hay chơi trò chơi và xem phim HD đòi hỏi khả năng đồ họa tốt, G3 Stylus khó lòng mà đáp ứng tốt được kì vọng của những người dùng như vậy.

 

LG G3 sẽ được cập nhật Android 5.0 Lollipop ngay 'trong tuần này'

(Techz.vn) Theo thông tin từ LG, G3 sẽ là chiếc điện thoại được nâng cấp lên Android 5.0 Lollipop sớm nhất, có thể ngay trong ngày hôm nay.

 

Tag:

G3 Stylus