Đời sống

Bật điều hòa ngủ trong phòng kín có thật sự gây mệt mỏi, rụng tóc? Làm 4 điều này để vô tư ngủ đến sáng

Thông tin nằm ngủ phòng điều hòa đóng kín khiến tóc bị rụng, gây mệt mỏi đang gây hoang mang với cư dân mạng. Các chuyên gia nói gì về vấn đề này?

Gần đây, mạng xã hội lan truyền thông tin cho rằng việc ngủ trong phòng kín, bật điều hòa qua đêm là nguyên nhân gây rụng tóc và mệt mỏi. Điều hòa ngày càng phổ biến trong cuộc sống hiện đại, thông tin này nhanh chóng thu hút sự quan tâm của nhiều người dùng.

Theo một số bài viết đang được chia sẻ, nguyên nhân chính được cho là nồng độ khí CO₂ trong phòng tăng cao khi bật điều hòa xuyên đêm ở không gian kín, từ đó gây ra mệt mỏi và thậm chí ảnh hưởng tới tóc.

ngu-dieu-hoa-dong-kin-cua-1

Tuy nhiên, theo bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng – chuyên gia tại Trung tâm Oxy cao áp Việt – Nga (Bộ Quốc phòng), nguồn phát thải CO₂ chủ yếu trong phòng kín không phải từ điều hòa mà là từ hơi thở của con người. Một người trưởng thành có thể thải ra từ 120–160 lít CO₂ sau 8 tiếng ngủ. Trong một phòng kín khoảng 20 m2, nếu không có hệ thống thông gió, nồng độ CO₂ sẽ tăng nhanh, đặc biệt khi có từ hai người trở lên.

Điều hòa dân dụng hiện nay (loại hai cục) không cung cấp gió tươi từ bên ngoài, mà chỉ làm mát không khí tuần hoàn trong phòng. Do đó, mặc dù nhiệt độ được kiểm soát, lượng CO₂ vẫn không được loại bỏ, dẫn đến tích tụ dần suốt đêm. Việc đóng kín cửa để tiết kiệm điện càng làm trầm trọng hơn tình trạng thiếu lưu thông khí.

Dù vậy, bác sĩ Huy Hoàng cho biết: “Chưa có bằng chứng khoa học trực tiếp nào khẳng định CO₂ gây rụng tóc. Tuy nhiên, các yếu tố gián tiếp như stress, mất ngủ hoặc chất lượng không khí kém trong phòng kín hoàn toàn có thể ảnh hưởng đến sức khỏe da đầu và tóc".

Theo khuyến nghị của các tổ chức uy tín như Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ (EPA) và Hiệp hội Kỹ sư Nhiệt lạnh và Điều hòa Hoa Kỳ (ASHRAE), nồng độ CO₂ lý tưởng trong không gian kín nên dưới 1000 ppm để đảm bảo chất lượng không khí trong nhà.

ngu-dieu-hoa-dong-kin-cua-2

Tuy nhiên, nghiên cứu của Đại học Kỹ thuật Đan Mạch (DTU) và một số nhóm tại Singapore chỉ ra rằng nồng độ CO₂ trong phòng ngủ kín có bật điều hòa thường dao động từ 1500 đến 1900 ppm, thậm chí cao hơn trong những phòng diện tích nhỏ hoặc có nhiều người cùng ngủ.

Dưới 1000 ppm: Không ảnh hưởng đến giấc ngủ

1000 – 2000 ppm: Gây ngột ngạt, buồn ngủ, đau đầu nhẹ, giảm chất lượng giấc ngủ

2000 – 5000 ppm: Mệt mỏi, giảm nhận thức, ảnh hưởng hiệu suất làm việc

Trên 5000 ppm: Có thể gây ngạt, chóng mặt, buồn nôn

CO₂ vượt ngưỡng 1000 ppm được xác định là làm gián đoạn chu kỳ giấc ngủ, giảm độ sâu và chất lượng phục hồi, khiến người ngủ cảm thấy mệt mỏi khi tỉnh dậy. Về lâu dài, tình trạng này có thể dẫn đến mất ngủ mãn tính, đặc biệt với người lớn tuổi hoặc người có bệnh lý nền.

Ngoài ra, nồng độ CO₂ cao còn ảnh hưởng đến chức năng nhận thức và tư duy. Nghiên cứu của Phòng thí nghiệm Quốc gia Lawrence Berkeley (Mỹ) cho thấy mức CO₂ từ 1000–2500 ppm làm suy giảm đáng kể khả năng ra quyết định và hiệu suất làm việc trí óc.

Không khí ngột ngạt còn kích hoạt các phản ứng stress sinh lý, làm tăng cảm giác căng thẳng. Việc ngủ không sâu trong môi trường như vậy sẽ hạn chế khả năng phục hồi cả về thể chất lẫn tinh thần.

ngu-dieu-hoa-dong-kin-cua-3

Theo bác sĩ Huy Hoàng, sử dụng điều hòa không phải là nguyên nhân trực tiếp gây rụng tóc hay bệnh lý nghiêm trọng, nếu người dùng biết cách kiểm soát chất lượng không khí trong phòng ngủ. Một số khuyến nghị đáng lưu ý bao gồm:

1. Thông gió đúng cách: Mở hé cửa sổ từ 5–10 cm để tạo luồng lưu thông khí, hoặc sử dụng quạt hút, hệ thống thông gió có cấp gió tươi (HRV/ERV).

2. Chọn điều hòa thông minh: Ưu tiên các dòng máy có chức năng cấp gió tươi hoặc cảm biến CO₂ tự điều chỉnh chế độ thông gió. Thường xuyên vệ sinh bộ lọc, dàn lạnh để hạn chế vi khuẩn, nấm mốc.

3. Theo dõi nồng độ CO₂: Dùng thiết bị cảm biến CO₂ như Aranet4, Temtop để theo dõi không khí quanh khu vực ngủ. Nếu CO₂ vượt quá 1000 ppm, cần thông gió ngay.

4. Biện pháp hỗ trợ: Sử dụng máy lọc không khí để loại bỏ bụi mịn, vi khuẩn (dù không giảm được CO₂); duy trì độ ẩm từ 40–60% để hỗ trợ hô hấp; trồng cây xanh để tạo cảm giác thư giãn (nhưng không có tác dụng giảm CO₂ vào ban đêm).

"Điều quan trọng không phải là ngừng sử dụng điều hòa, mà là kết hợp nó với giải pháp thông gió hợp lý và kiểm soát chất lượng không khí. Làm được điều này, giấc ngủ vẫn sẽ sâu, dễ chịu và không gây hại cho sức khỏe", bác sĩ Huy Hoàng nhấn mạnh.