Blog công nghệ

Cuộc chiến vi xử lý di động: Đa cực

Cuộc chiến vi xử lý di động: Đa cực

Năm 2013, khi bộ vi xử lý 4 nhân đang trở nên phổ biến trên di động, Qualcomm đã nhấn mạnh rằng cuộc chiến SoC trong ngành công nghiệp điện thoại thông minh là vô nghĩa và không đi theo lợi ích của người tiêu dùng. Tuy nhiên, phát biểu đó dường như chưa có tác động lớn đến thị trường di động. Thậm chí, các hãng tên tuổi khác đã đi ngược lại điều đó. Các vi xử lý có số nhân lớn hơn như 6 hay 8 nhân đã được trình làng và ngay lập tức được áp dụng cho các siêu phẩm hàng đầu.

Tiếp đó, vi xử lý 64-bit bắt đầu được áp dụng rộng rãi bất chấp những tuyên bố của Samsung hay chính Qualcomm về “sự cần thiết”. Thậm chí, dù có phát biểu phản đối như thế nào về các xu hướng đó, các ông lớn vẫn bắt tay vào nghiên cứu và sản xuất các vi xử lý có số nhân hàng đầu. Với Samsung, họ là nhà sản xuất đầu tiên đưa vi xử lý 8 nhân vào thương mại, với Apple là nền tảng 64-bit.

Về phía Qualcomm, cho dù phủ nhận hai xu hướng trên nhưng cuối cùng hãng vẫn cho ra mắt các dòng vi xử lý 8 nhân thực như Snapdragon 615, Snapdragon 810 hỗ trợ cả nền tảng 64-bit. Vì thế, có thể khẳng định, cuộc chiến vi xử lý tích hợp trên di động sẽ còn rất dai dẳng và vẫn sẽ lôi cuốn theo những cái tên đình đám trên thị trường.

Sự cạnh tranh giữa nhiều thái cực

Ở thế giới PC, cuộc cạnh tranh về vi xử lý chỉ giữa AMD và Intel đã đem lại rất nhiều thành tựu. Thậm chí, đến thời điểm này, định luật Moore đang bị đe dọa khi số bóng bán dẫn trên mỗi inch vuông tăng gấp đôi sau mỗi năm. Điều này hoàn toàn dễ hiểu khi công nghệ là không giới hạn.

Trở lại với ngành công nghiệp di động, SoC rất nhiều thái cực cạnh tranh lẫn nhau và ngay cả một người dùng thông thường cũng có thể nhận thấy được tốc độ phát triển của chúng nhanh đến như thế nào. Năm 2010 chúng ta chứng kiến vi xử lý 2 nhân thực đầu tiên trên thế giới được thương mại trên Optimus 2X của LG. Vi xử lý khi ấy là Tegra 2 AP20H của Nvidia. Tiếp đó là Samsung Galaxy SII với vi xử lý Exynos 4210. Đó là điểm khởi đầu cho sự bùng nổ về sức mạnh di động.

Trở lại với ngành công nghiệp di động, SoC rất nhiều thái cực cạnh tranh lẫn nhau và ngay cả một người dùng thông thường cũng có thể nhận thấy được tốc độ phát triển của chúng nhanh đến như thế nào

Nhiều người dùng hay các chuyên gia đều nhận thấy việc trang bị vi xử lý hai nhân là điều hoàn toàn cần thiết khi thế giới Android có vẻ rất bấp bênh. Đã có giai đoạn, người người nghĩ rằng, cấu hình mạnh bao nhiêu vẫn không làm Android mượt được như iOS. Đây cũng là một cơ sở để các ông lớn mạnh tay hơn trong việc phát triển SoC của riêng mình, đồng thời chờ sự tối ưu của Google.

Trong vòng xoay giữa sự cạnh tranh của các hãng, chúng ta không thể không nhắc đến ARM. Các công ty sản xuất SoC như Nvidia, Texas Instruments (TI), Samsung hay mới đây là MediaTek, Huawei Kirin mua lõi xử lý do ARM sản xuất và phát triển để đưa vào các chipset tích hợp (với GPU, bộ nhớ và nhiều thứ khác). Tức là nền tảng nhân ARM Cortex-Ax (x ở đây là số hiệu). Ví dụ: ARM Cortex-A8 là vi xử lý lõi đơn, còn ARM Cortex-A9 là bộ vi xử lý nhiều lõi (lên tới bốn lõi).

Hiện tại, kiến trúc ARMv7 vẫn được sử dụng phổ biến, tiếp đo là ARMv8. Còn về nhân đang sử dụng là Cortex A15, Cortex-A53, A57 cho nền tảng 64-bit . Các nền tảng nhân cũ sẽ được sử dụng song hành giống như kiến trúc big.LITTLE như trên Exynos 5430.

Ngay cả Samsung vốn nổi tiếng với dòng chip Exynos cũng phải chấp nhận đưa vào thị trường châu Âu một phiên bản sử dụng vi xử lý của Qualcomm.

Về Qualcomm, họ không sử dụng hoàn toàn thiết kế vi xử lý của ARM. Hãng này dựa vào ARM Cortex-A8 để phát triển thành các vi xử lý của riêng mình và từ đó cho đến nay, Qualcomm đang rất thành công với dòng vi xử lý Snapdragon. Bên cạnh đó, việc tích hợp trực tiếp module thu phát 4G đã giúp vi xử lý của hãng được nhiều nhà sản xuất ưa chuộng. Ngay cả Samsung vốn nổi tiếng với dòng chip Exynos cũng phải chấp nhận đưa vào thị trường châu Âu một phiên bản sử dụng vi xử lý của Qualcomm.

Không tham gia vào cuộc chiến số nhân của Android, Apple lựa chọn đường đi cho riêng mình. Dòng vi xử lý Apple Ax luôn có được hiệu suất hoạt động tốt nhờ vào sự tối ưu của hệ điều hành. Apple A8/A8x là vi xử lý mới nhất của Apple vẫn chỉ sử dụng 2 nhân nhưng lại cho sức mạnh ngang ngửa với các siêu phẩm Android có mặt trên thị trường.

Bên cạnh các đại gia nổi tiếng, các nhà sản xuất mới như Marvell hay Huawei với dòng Hisilicon Kirin cũng tham chiến. Marvell tỏ ra yếu thế hơn cả khi rất ít điện thoại thương mại sử dụng vi xử lý của hãng. Trong khi đó, Huawei đang dần tạo được tiếng vang cho sản phẩm của riêng mình với hiệu năng cao, khả năng tiết kiệm điện năng và xử lý đồ họa tuyệt vời.

Vi xử lý của MediaTek cũng đạt được hiệu năng tổng thể rất cao, song, nếu thử nghiệm kỹ đơn nhân, đa nhân lại thấp hơn nhiều so với mặt bằng thị trường.

Cuối cùng, không thể không kể đến MediaTek, kẻ “phá bĩnh” trên thị trường hiện nay. Vi xử lý 8 nhân thực đầu tiên trên thế giới được chính MediaTek sản xuất. Cho dù trên thị trường, nhiều người không thích vi xử lý của hãng nhưng cần phải chấp nhận một thực tế, các hãng điện thoại đang chuyển sang sử dụng SoC MediaTek để giảm chi phí sản xuất. Vi xử lý của MediaTek cũng đạt được hiệu năng tổng thể rất cao, song, nếu thử nghiệm kỹ đơn nhân, đa nhân lại thấp hơn nhiều so với mặt bằng thị trường.

Rõ ràng, giữa các thái cực luôn có một sự cạnh tranh rất lớn. Chỉ cần một người chững lại, những kẻ khác sẽ vượt lên. Cũng giống như AMD và Intel, chỉ có hai thái cực nhưng nhờ sự cạnh tranh gay gắt lẫn nhau khiến thế giới PC đạt được nhiều thành tưu như ngày nay. Còn với di động, đa cực sẽ đem lại điều gì? Chúng ta sẽ cùng chờ xem.

Người dùng có nhất thiết phải sử dụng nhiều lõi

Trở lại với phát biểu của đại diện Qualcomm, vi xử lý 8 nhân là không cần thiết. Phát biểu này có phần chính xác bởi ở thời điểm hiện tại, số nhân chưa hẳn đã cho một sức mạnh tốt hơn so với 4 nhân. Nguyên nhân là do các nhà phát triển chưa thực sự tối ưu ứng dụng để khai thác toàn bộ số nhân.

Vấn đề nằm ở sự tối ưu của nhà sản xuất, của nhà phát triển ứng dụng.

Trong các bài thử nghiệm, đặc biệt là khả năng chơi game, hiệu suất CPU cao không quá ảnh hưởng đến việc trải nghiệm. Ví dụ: Đo đạc bằng Gamebench trên HTC One M9 sử dụng vi xử lý Qualcomm Snapdragon 810 8 nhân mạnh mẽ nhất hiện nay. Game Modern Combat 5 chỉ cần 11% CPU để xử lý và tới 65% GPU hay Asphalt 8 chỉ cần 9% CPU để xử lý mà thôi.

Như vậy, số lượng nhân cao là không thực sự cần thiết và người dùng đang bỏ tiền ra để mua lấy phần thừa thãi đó. Bất kể có những ý kiến cho rằng, vi xử lý càng mạnh, độ mượt của máy càng cao, song, chính bạn phải nhớ rằng, vi xử lý trên iPhone 6 Plus chỉ có 2 nhân mà thôi. Vấn đề nằm ở sự tối ưu của nhà sản xuất, của nhà phát triển ứng dụng.

 

Những khía cạnh xoay quanh vi xử lý 64-bit trên smartphone

(Techz.vn) Đúng theo dự đoán của các chuyên gia, thời điểm cuối năm 2014 và đầu năm 2015 chứng kiến sự ra đời của các dòng SoC 64-bit dành cho smartphone. Bài viết này sẽ đề cập đến các khía cạnh liên quan đến xu hướng phát triển SoC mới dành cho ngành công nghiệp di động.