Cơ duyên được làm trung gian cho một cuộc gặp gỡ về hợp tác truyền thông, tôi sắp xếp cho 2 người, đều là bạn của mình gặp gỡ nhau tại một quán cà phê, trao đổi công việc trước khi có thể đi đến hợp tác chính thức. 3 người nói chuyện vui vẻ và mọi chuyện đều diễn ra đúng như dự tính cho đến cuối buổi gặp, anh bạn này muốn xin liên hệ của người kia để tiện bề liên lạc sau này.
Thế nhưng dãy số điện thoại dài loằng ngoằng in trên danh thiếp với đầu 016x có vẻ đã làm anh bạn của tôi bất ngờ. Không phản ứng ngay lập tức, thế nhưng trên đường về anh ta đã hơn một lần hỏi về chất lượng và giá trị thực của công ty bên kìa, liệu có lớn và làm ăn uy tín như lời họ giới thiệu hay không, khi mà số liên lạc của một “sếp” bên đó lại là chẳng có gì đặc biệt, thậm chí chẳng khác gì một cái “sim rác” bán nhan nhản ngoài đường kia.
Chẳng rõ cuộc nói chuyện và việc hợp tác trên sẽ đi đến đâu, nhưng trong đầu tôi mơ hồ suy nghĩ, phải chăng số điện thoại giờ không chỉ là để liên hệ, mà nó còn là thước đo về giá trị con người, hay xa hơn là về giá trị của một doanh nghiệp? Sim 10 số thực sự quan trọng cho liên lạc hay đơn giản chỉ là vì căn bệnh sĩ của người Việt?
Sim điện thoại ngày nay thực sự là một ngành dịch vụ hái ra tiền. Những cửa hàng bán sim có mặt khắp mọi nơi, chẳng sót ngõ ngách nào của Hà Nội hay TP. HCM. Văn hoá phương Đông chuộng những yếu tố mang tính chất may mắn, kết hợp với trào lưu, tâm lý đi theo số đông khiến người ta mong muốn được sở hữu những số điện thoại tam hoa, tứ quý, ngũ quý (có 3, 4, 5 số lặp) hay lộc phát (có số 6 hoặc 8) dù mức giá không hề rẻ.
Không những vậy, việc mở rộng kho số bằng cách sử dụng dãy 11 số áp dụng từ những năm 2007 cũng khiến thị trường thêm phân hoá. Sim 11 số được bán một cách tràn lan và giá "rẻ như cho" khiến người ta dần có suy nghĩ đây là loại sim rác, sim phụ, không có giá trị. Và quả thực 2 loại sim 10 số và 11 số có mức giá chênh nhau đáng kể.
Có thời điểm, những thuê bao tam hoa 11 số, chẳng hạn như 0168.xxxx.888 có giá chỉ vài trăm ngàn đến 1 triệu, nhưng nếu đó là thuê bao 10 số 098.xxxx.888 thì giá trị không dưới 5 triệu đồng dù gói cước của chúng là như nhau, ưu đãi như nhau.
Nếu xét ở một khía cạnh nào đó thì có vẻ như những người mua sim 098.xxxx.888 kia thực chất đã bị hớ khá nặng, tuy nhiên hầu hết những người mua loại sim đắt tiền này đều tỏ ra khá vui vẻ, thậm chí còn cho rằng mình đã may mắn khi mua được đầu số ưng ý.
Lý giải cho điều này không khó. Theo anh Vinh, chủ một cửa hàng sửa chữa điện thoại kiêm bán sim thẻ tại Hà Nội, các sim này có giá gốc gần như nhau, theo bảng giá chung của nhà cung cấp (Viettel, MobiFone, VinaPhone,…). Các đại lý lớn sẽ mua cả vài nghìn đến vài chục nghìn số một lần, sau đó họ lọc ra số theo các tiêu chí mà người mua thường quan tâm như số tiến, số lặp, gánh, phát tài,… để định giá. Vậy nên có những trường hợp giá một số điện thoại có thể lên tới hàng tỷ đồng.
Còn về tâm lý chuộng sim 10 số hơn, anh Vinh cho biết: Ở cửa hàng anh, phần lớn khách hàng khi đến mua đều hỏi sim 10 số đầu tiên, khi sim 10 số giá quá cao hoặc không có chiếc ưng ý thì họ mới chuyển sang lựa chọn sim 11 số. Sim 10 số dễ nhớ hơn, dễ có số đẹp hơn và thể hiện đẳng cấp hơn. Những đầu số “cổ” như 0902, 0912, 0989 thậm chí còn có giá cao nữa, cả người bán và người mua đều thích loại sim có đầu số này. Đầu số cổ thường khiến người ta cho rằng người đó đã sử dụng điện thoại từ hàng chục năm trước, chứng tỏ là người giàu và có địa vị.
Mặc dù là đầu số “cổ” nhưng anh này cho biết, kiếm sim với những đầu số này không khó. Nghĩa là chỉ cần bỏ ra thêm một chút tiền, ai cũng có thể trở thành “người có thâm niên dùng điện thoại hàng chục năm”.
Những lý giải trên không phải là không có cơ sở. Sim 10 số về mặt nào đó vẫn mang đến sự tin tưởng cao hơn. Dù anh có hào nhoáng đến đâu, nhưng dùng sim 11 số thì đôi khi lại bị lầm tưởng là “đa cấp”. Những topic rao bán hàng trên mạng mà dùng sim 11 số thì kiểu gì cũng bị nghi ngờ, thậm chí cho vào “blacklist”, còn sim 10 số thì nghiễm nhiên được đánh giá là uy tín, dù chúng chẳng chứng tỏ điều gì.
Nói sim 10 số dễ nhớ hơn cũng đúng. Nhưng ở cái thời này thì mấy ai còn cho số điện thoại bằng cách viết tay hay truyền miệng. Số điện thoại đã có ở E-mail, Facebook, Name card, hoặc được lưu ngay trong danh bạ để gọi bất cứ khi nào. Người ta cho nhau số điện thoại 1 lần, rồi chẳng bao giờ sờ đến những con số đó nữa.
Trở lại câu chuyện ở đầu bài viết, khi tôi hỏi về chuyện số điện thoại, “anh bạn sim 11 số” của tôi cũng thật thà tâm sự, đó là số điện thoại đã gắn bó với anh hơn 6 năm nay, từ khi còn là sim sinh viên được nhà mạng tặng. Với những khuyến mãi hàng tháng cùng thời gian sử dụng lâu dài, chiếc sim này đã giúp anh nhiều trong học tập và công việc. Anh không duy tâm nhưng cũng luôn coi nó là một “bùa may mắn” cho mình dù chẳng có phát tài hay tứ quý, ngũ quý gì cả, và đến nay thì mọi người cũng đã quen với số này nên khó có thể thay số khác được. Tuy nhiên sau khi bị nhiều người thắc mắc, góp ý, đặc biệt là chính sách chuyển sim 11 số sang 10 số của Bộ TT&TT sắp tới, anh cho biết mình sẽ mua một sim 10 số để chủ động và tự tin hơn trong giao dịch sau này.
Thế mới biết, chúng ta đã chuộng sim 10 số như thế nào. Bản chất 10 hay 11 số không có tội, cái chính là tâm lý của chúng ta đã mặc định sim 11 số nếu không phải tam hoa, tứ quý, phát tài,… thì chắc chắn là sim rác. Điều này một phần là do sự quản lý lỏng lẻo của các cơ quan chức năng khiến ai cũng có thể mua những sim dạng này, giá rẻ và có thể vứt bỏ bất cứ lúc nào, nhưng hãy nên nhớ, sim 10 số hiện nay cũng “rác” chẳng kém. Vậy nên chúng ta đừng vội đánh giá con người hay doanh nghiệp nào đó qua số điện thoại của họ, và cũng đừng mong bỏ tiền ra mua số đẹp, 10 số để tạo nên giá trị cho bản thân mình.