Thế giới

Mỹ chuyển cho Ukraine phiên bản nâng cấp của rocket dẫn đường tầm xa

Mỹ chuẩn bị chuyển tới Ukraine phiên bản nâng cấp của bom GLSDB để chống lại tác chiến điện tử của Nga, giữa lúc có thông tin Kiev đã cạn tên lửa ATACMS, nguồn tin giấu tên am hiểu về vấn đề này cho biết.

Ngày 13/3, hãng tin Reuters dẫn lời hai nguồn tin giấu tên am hiểu tình hình cho biết Mỹ đang chuẩn bị nối lại hoạt động chuyển giao Bom đường kính nhỏ phóng từ mặt đất (GLSDB), rocket dẫn đường có tầm bắn tối đa khoảng 150km, cho Ukraine sau khi nâng cấp loại đạn này để cải thiện khả năng kháng nhiễu.

Screenshot 2025-03-14 112257
Mô hình rocket GLSDB trong một sự kiện tại Mỹ năm 2018. Ảnh: TWZ

Loại rocket này được Mỹ mua từ thời cựu tổng thống Joe Biden thông qua Sáng kiến Hỗ trợ An ninh cho Ukraine (USAI), trong đó Washington ký hợp đồng dài hạn với các tập đoàn quốc phòng để đặt hàng vũ khí chuyển giao cho Kiev. Kể từ năm 2022, USAI đã phân bổ cho Ukraine tổng cộng 33,2 tỷ USD để mua trang thiết bị quân sự mới.

Các nguồn tin cho biết, trong những tuần gần đây, 19 quả GLSDB đã được thử nghiệm để đánh giá hiệu quả của các nâng cấp. Một phần của quá trình này là tăng cường kết nối bên trong vũ khí để nâng cao khả năng chống nhiễu.

Screenshot 2025-03-14 112133
Bom tầm xa GLSDB của Mỹ. Ảnh: Reuters

Một lượng dự trữ GLSDB đã có sẵn ở châu Âu, chính vì vậy, việc triển khai lại loại bom này trên chiến trường có thể diễn ra trong vài ngày tới. Theo một nguồn tin, lần cuối cùng Ukraine sử dụng loại vũ khí này đã cách đây vài tháng.

Trước đó, hoạt động gây nhiễu của Nga đã khiến nhiều bom GLSDB tầm xa tương đối mới của Ukraine không thể bắn trúng mục tiêu dự kiến.

Thông tin về việc nối lại viện trợ bom tầm xa được đưa ra trong bối cảnh Ukraine cạn kiệt tên lửa tầm xa ATACMS.

Screenshot 2025-03-14 112908
Tên lửa ATACMS rời bệ phóng. Ảnh: KI

ATACMS là loại tên lửa đạn đạo do Mỹ cung cấp, có tầm bắn lên tới 300km. Cựu Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nới lỏng các hạn chế về việc Ukraine sử dụng ATACMS vào tháng 11/2024, cho phép Kiev sử dụng chúng để tấn công các mục tiêu quân sự trên lãnh thổ Nga.

Từ cuối năm ngoái, Ukraine đã phải hạn chế sử dụng loại tên lửa này. Tình hình càng trở nên khó khăn hơn khi hồi đầu tháng Tổng thống Mỹ Donald Trump ra lệnh đóng băng toàn bộ viện trợ cho Ukraine.

Hôm 11/3, chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã nhất trí nối lại viện trợ quân sự và chia sẻ thông tin tình báo với Ukraine sau khi Kiev tuyên bố sẵn sàng chấp thuận đề xuất của Mỹ về kế hoạch ngừng bắn 30 ngày với Nga.