Từ nay đến tháng 9 dự báo sẽ xuất hiện nhiều cơn bão, khu vực miền Tây đối mặt lũ lớn
Từ sau bão số 3, Biển Đông tiếp tục xuất hiện thêm bão số 4, gây ra mưa lớn diện rộng và làm dấy lên cảnh báo về mùa mưa bão khốc liệt kéo dài đến hết tháng 9. Các chuyên gia khí tượng cảnh báo người dân cần chủ động ứng phó do mưa bão dồn dập có thể gây lũ lụt, sạt lở đất và ngập úng ở nhiều khu vực.
Ngày 27/7, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia (NCHMF) cho biết, hiện nay nhiều tỉnh thành từ Thanh Hóa đến Đà Nẵng, Tây Nguyên và Nam Bộ xuất hiện mưa rào và giông rải rác. Một số địa phương ghi nhận mưa lớn như: Kỳ Đồng (Hà Tĩnh) 50,8 mm; Khe Sanh (Quảng Trị) 42,8 mm; Phương Thịnh (Đồng Tháp) 42,2 mm; Giang Thành (Kiên Giang) 41,6 mm. Ngoài ra, một số tỉnh miền núi phía Bắc như Lào Cai, Tuyên Quang, Nghệ An cũng đang có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất.

NCHMF cảnh báo từ nay đến tháng 10, thời tiết cả nước sẽ diễn biến phức tạp. Từ tháng 8 đến tháng 10, trên Biển Đông có khả năng xuất hiện tới 7 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, trong đó khoảng 3 cơn sẽ đổ bộ trực tiếp vào đất liền Việt Nam. Các hiện tượng thời tiết cực đoan như bão mạnh, áp thấp nhiệt đới và gió mùa Tây Nam sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sinh hoạt, giao thông đường thủy và nông nghiệp.
Cơ quan khí tượng cũng cho biết hiện tượng ENSO tiếp tục ở trạng thái trung tính với xác suất duy trì từ 70 - 90%, không có tác động lớn tới việc hình thành bão. Tuy nhiên, do ảnh hưởng từ bão, lượng mưa sẽ gia tăng ở nhiều vùng, đặc biệt là miền Trung và Nam Bộ.

Thông tin từ báo Thanh niên cho hay, Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam (SIWRP) nhận định tình trạng mưa lớn dồn dập do bão số 3 và gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh khiến lưu lượng nước từ sông Mekong về đồng bằng sông Cửu Long tăng nhanh. Trạm thủy văn Kratie (Campuchia) ghi nhận mực nước vượt trung bình nhiều năm.
Dự báo, từ nay đến cuối mùa lũ 2025, đặc biệt là trong tháng 8 và 9, các cơn bão và áp thấp nhiệt đới sẽ xuất hiện trên Biển Đông và gây mưa lớn, làm tăng nguy cơ lũ đầu nguồn ở sông Cửu Long. Người dân miền Tây cần chủ động theo dõi diễn biến thời tiết, cập nhật thông tin từ cơ quan chức năng và có phương án ứng phó kịp thời.
SIWRP khuyến cáo các địa phương cần chuẩn bị kịch bản ứng phó lũ sớm, đặc biệt là vùng ven sông, vùng trũng và khu vực sản xuất nông nghiệp. Chính quyền địa phương cũng cần rà soát hệ thống đê điều, vùng có nguy cơ sạt lở để hạn chế thiệt hại.